Chụp kỷ yếu đắt đỏ, lễ bế giảng hoành tráng như tiệc cưới khách sạn 5 sao: Có cần thiết không?

Tào Nga Thứ hai, ngày 29/05/2023 12:10 PM (GMT+7)
Chụp ảnh kỷ yếu lên tới 70 triệu đồng, lễ bế giảng tổ chức khách sạn 5 sao... chuyên gia cho rằng, các hoạt động này không phải xấu, chỉ là nên phù hợp bối cảnh và dựa trên sự đồng thuận thực sự của phụ huynh, học sinh.
Bình luận 0

Những bữa tiệc bế giảng hoành tráng 

Những ngày qua, dư luận choáng khi chứng kiến nhiều trường trên cả nước tổ chức các hoạt động cuối năm cho học sinh một cách rầm rộ. Chụp kỷ yếu thì sang chảnh, liên hoan tốt nghiệp như tiệc cưới khách sạn 5 sao...

Cụ thể hình ảnh "Lễ tổng kết năm học 2022 - 2023 và Lễ ra trường học sinh khối 9 niên khoá 2019 - 2023" của Trường THCS Mạo Khê II, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), có quy mô hoành tráng khiến ai nấy không khỏi trầm trồ. Tại thành phố Vinh, Nghệ An, học sinh lớp 5 ở một trường tiểu học cũng gây choáng khi chia sẻ tấm thiệp mời tham dự tiệc liên hoan cuối năm tại nơi đắt đỏ là khách sạn Mường Thanh. Để được tham gia buổi tiệc, mỗi học sinh đóng góp 550.000 đồng, phụ huynh đóng góp 200.000 đồng.

Chụp kỷ yếu, lễ bế giảng hoành tráng như tiệc cưới khách sạn 5 sao: Phụ huynh đang sống ảo? - Ảnh 1.

Hình ảnh "Lễ tổng kết năm học 2022 - 2023 và Lễ ra trường học sinh khối 9 niên khoá 2019 - 2023" của Trường THCS Mạo Khê II, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) trong hội trường như tiệc đám cưới. Ảnh: Fanpage Đông Triều Tôi Yêu.

Có nơi học sinh cuối cấp cũng phải đóng góp khoản không nhỏ để lớp thực hiện bộ ảnh kỷ yếu. Được biết, bộ kỷ yếu của lớp 12A8, Trường THPT Chuyên Đại học Vinh, Nghệ An mang concept Việt phục bắt trend với chi phí quá khủng lên đến 70 triệu đồng. 

Những trường hợp trên vừa chia sẻ trên mạng xã hội lập tức đã "gây bão". Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp hiếm có. Thực tế thời gian gần đây, phụ huynh trường nào cũng có mong muốn cho các con có kỷ niệm đẹp nhất thời học sinh. Vì vậy, việc phụ huynh chi tiền khủng mang lại niềm vui cho con là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, việc này lại gây tranh cãi trái chiều, thậm chí tạo áp lực cho phụ huynh khi cứ phải cố cho con bằng bạn bằng bè, không bị phân biệt đối xử. 

Chị Lê Thanh Hoa, phụ huynh có con học lớp 1 và lớp 5 trường tiểu học quận Thanh Xuân, Hà Nội phàn nàn: "Lễ bế giảng là hoạt động thường niên của hầu hết các trường, là dịp tổng kết 1 năm học tập, cũng như hoạt động của nhà trường trong một năm qua, những khó khăn, thuận lợi cũng như định hướng của nhà trường trong năm tới. Tuy nhiên nhiều trường hiện nay có xu hướng tổ chức bế giảng rầm rộ dẫn tới tốn kém thời gian công sức, chi phí, sức lực của cả thầy cô, học sinh, cũng như phụ huynh. Tôi thiết nghĩ bế giảng nên tổ chức quy mô đơn giản, ý nghĩa để thầy trò, phụ huynh coi là dịp kỷ niệm để gắn bó, kết nối cùng nhau".

Sở dĩ chị Hoa phản đối việc tổ chức bế giảng rầm rộ vì cho rằng phụ huynh đã đóng quỹ đầu năm rất lớn, không thể kham thêm việc đóng thêm tiền tổ chức liên hoan: "Ban phụ huynh chi nhiều khoản quá tay nên cuối năm các con không còn dư đồng nào để liên hoan. Cuối năm mọi người còn bảo đóng thêm để tổ chức cho các con. Tôi không đồng ý như vậy. Đầu năm lớp nào cũng hơn 60 triệu tiền quỹ lớp với hơn 40 học sinh. Không hiểu ban phụ huynh chi những khoản gì mà các con không còn đồng tiền nào dư. Quá lãng phí và tốn kém".

Chụp kỷ yếu, lễ bế giảng hoành tráng như tiệc cưới khách sạn 5 sao: Phụ huynh đang sống ảo? - Ảnh 2.

Tiệc chia tay ở một trường THPT tại Hà Nội. Ảnh: CMH

Các chuyên gia nói gì?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, diễn giả Đào Ngọc Cường nêu lý do: "Sở dĩ phụ huynh muốn tổ chức hoành tráng cho các con vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là những phụ huynh có kinh tế muốn làm nhiều thứ cho con, cũng là cơ hội cho cha mẹ gặp gỡ, giao lưu nhau. Cha ông ta có câu "Phú quý sinh lễ nghĩa" là như vậy.  

Thứ hai là cha mẹ thích sự hoành tráng. Hiện nay chúng ta thích sống ảo, sống thiên về hình ảnh quá nhiều. Bố mẹ muốn "phô" con học trường "oách", trường xịn, cũng giống như việc rầm rộ khoe thành tích của con. Một phần nữa là bố mẹ muốn lấy lòng thầy cô giáo và coi đây là dịp để cảm ơn cô".

Theo quan điểm của diễn giả Đào Ngọc Cường: "Các bữa tiệc chia tay học sinh nên tổ chức nhưng ở mức độ vừa phải, hợp lý, mang lại kỷ niệm đẹp. Học sinh lớp dưới chưa tốt nghiệp thì chỉ cần mang bánh kẹo đến vui vẻ, mang lại cảm xúc tốt cho các em".

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Đây không phải xu hướng, chỉ lẻ tẻ vài trường nổi bật. Tổ chức liên hoan cuối năm cho học sinh cũng không phải xấu, chỉ là nên phù hợp bối cảnh và dựa trên sự đồng thuận thực sự. Ngay cả khi kinh tế khó khăn, việc tổ chức tiệc linh đình rồi lại khoe lên mạng cũng không hay, tạo nên sự so sánh".

Theo PGS Thành Nam, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, khó khăn chung như hiện tại, không phải cha mẹ nào cũng dư dả tài chính. Mỗi con đóng 500.000 đồng, nếu gia đình có hai con học ở hai lớp khác nhau cùng có tiệc thì cha mẹ phải lo 1 triệu đồng. Thường không phụ huynh nào tiếc tiền cho con nhưng áp lực tài chính thì luôn hiện hữu.

"Trẻ nhỏ quan trọng là được gặp nhau, được nô đùa, được vui, được kết nối với bạn bè, chứ các em không quan tâm tới vật chất, sự hoành tráng, đẳng cấp... Một bữa tiệc chụp hình, hay một bữa tiệc ngọt ở ngay trong lớp, trong trường với con trẻ là đủ. Các con có không gian để vui chơi, cha mẹ cũng có không gian để giao lưu", PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Không chỉ việc tổ chức liên hoan, ngay cả việc chụp kỷ yếu cũng gây tranh cãi. Theo thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Lịch sử, Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, TP.Thanh Hóa cho hay: "Chụp ảnh kỷ yếu bây giờ không đơn giản chỉ là chụp ảnh, đó còn là một sự kiện trọng đại có thể được lên kế hoạch nhiều tháng, được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, kỹ càng, chuyên nghiệp. Và tự bao giờ, có một cuộc đua ngầm trong giới học trò về ảnh kỷ yếu, phải độc, lạ, chất chơi, phải hơn lớp này, lớp kia, trường này trường nọ. 

Tất cả mọi chi phí tất nhiên là do phụ huynh đóng góp. Không muốn con thua thiệt bạn bè, theo phong trào của lớp, của trường, nhiều phụ huynh sẵn sàng móc hầu bao, nhưng không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện, khi họ phải lao động cật lực để đảm bảo cuộc sống, lo cơm áo gạo tiền và cả tiền học, tiền ôn thi cho con.

Từ những ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, kỷ yếu đôi khi trở thành gánh nặng, trở thành chiếc kéo cắt đứt sợi dây gắn kết tốt đẹp của tuổi học trò mất nhiều năm gây dựng. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh nữ bí thư của lớp đã khóc nức nở vì nhiều bạn trong lớp không "chịu" đóng tiền chụp kỷ yếu, mà như lời bạn ấy "chỉ có 360.000 đồng".

Kỷ yếu là kỷ niệm, là điều không phải ai muốn cũng có được, đó là đặc ân của tuổi học trò, nhưng làm sao để trả về những giá trị tốt đẹp, những ý nghĩa trong sáng, giản dị, để tuổi học trò không vướng bận, không lãng phí, không nhố nhăng, để các bậc mẹ cha không đau đầu suy tính".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem