Chuyển 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su: Xử lý ngay doanh nghiệp vi phạm!

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 27/08/2015 15:25 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Gia Lai cần chỉ đạo công tác kiểm tra và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết các vấn đề an sinh xã hội khi chuyển đất rừng sang trồng cao su.
Bình luận 0

Trước đó, Báo NTNN đã thông tin trong 2 số báo ngày 20 và 21.8.2015 về dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Làm cho rừng “nghèo” hơn

Năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai bắt đầu có kế hoạch chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo kiệt để sang trồng cao su. Trả lời về chủ trương này, ông Công cho biết, đến thời điểm này không phải tỉnh Gia Lai chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su, mà đây chỉ là số liệu theo quy hoạch; thực tế từ năm 2008-2012, Gia Lai đã chuyển 28.612ha rừng nghèo kiệt và rừng nghèo sang trồng cao su.

img

Diện tích cao su ở huyện Chư Prông (Gia Lai) thuộc dự án chuyển đổi đang phát triển rất kém. Ảnh: Quốc Dinh

Theo ông  Cao Chí Công – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), tiêu chí rừng nghèo được chuyển đổi sang trồng cao su, đã được quy định trong Thông tư số 58 ngày 9.9.2009 của Bộ NNPTNT. Ngoài tiêu chí về đất đai, độ dốc, độ cao, khí hậu thủy văn, đã có tiêu chí đối với rừng quy định cụ thể. Đó là, rừng tự nhiên nghèo là hệ sinh thái được hình thành từ nhiều nguyên nhân, nhưng nói chung rừng có chất lượng và khả năng tăng trưởng kém, nếu cứ để tự nó tồn tại hoặc có tác động các biện pháp lâm sinh, thì cũng rất chậm phát triển và ít hiệu quả. Trong Quyết định số 186 ngày 14.8.2006 của Thủ tướng Chính phủ đối với loại rừng nghèo kiệt cũng đã cho phép được cải tạo để trồng lại rừng.

Trên thực tế, dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai đã không những không làm cho rừng “thoát nghèo”, mà còn nghèo hơn khi đã có ít nhất 2.598ha cao su trồng đã bị chết hoặc kém phát triển (chiếm 10,2% diện tích), thậm chí một số diện tích còn bỏ hoang. Trước thực trạng trên, ông Công cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng 100.000ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các địa phương rà soát quỹ đất phù hợp để xây dựng quy hoạch phát triển cao su, trên nguyên tắc tận dụng tối đa quỹ đất trống chưa sử dụng, đất nông nghiệp kém hiệu quả, đất rừng trồng để quy hoạch trồng cao su. Trường hợp, thiếu quỹ đất trên mới quy hoạch vào diện tích rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt nhưng phải đảm bảo các tiêu chí về đất, rừng phù hợp trồng cao su theo Thông tư số 58 mà Bộ đã hướng dẫn.

“Khi làm việc tại tỉnh Gia Lai chúng tôi cũng nhận được thông tin về 2.598ha cao su trồng bị chết hoặc kém phát triển, nhưng tỉnh chưa có đánh giá cụ thể về các nguyên nhân. Theo nhận định ban đầu của chúng tôi, tình trạng trên có thể là do trong thời gian qua giá cao su xuống quá thấp, nhiều doanh nghiệp không đầu tư chăm sóc nên cây không phát triển được, thậm chí chết, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân một số trường hợp khảo sát không kỹ nên đã chuyển một số diện tích đất rừng không phù hợp nên cây cao su không phát triển được. Để có kết luận chính xác về vấn đề này chúng tôi sẽ báo cáo Bộ đề nghị tỉnh kiểm tra cụ thể để báo cáo trong thời gian tới”- ông Công khẳng định.

Thực hiện không đúng chỉ đạo của Thủ tướng?

Theo ông Cao Chí Công, qua công tác kiểm tra, báo cáo của địa phương và các cơ quan chức năng, việc chuyển đổi rừng nghèo, nghèo kiệt sang trồng cao su trong giai đoạn từ 2008-2012 ở các tỉnh Tây Nguyên về cơ bản là thực hiện đúng theo quy định, diện tích cao su trồng đa số phát triển tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số vi phạm như: Lợi dụng để bao chiếm đất, chuyển rừng không đúng đối tượng; những thiếu sót này đều được các địa phương chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.

Riêng sự việc tại Gia Lai khi thực hiện chuyển đổi, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện đúng cam kết khi thực hiện dự án như tuyển dụng lao động tại chỗ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương, ông Công cho biết: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ NNPTNT, việc chuyển rừng sang trồng cao su cần ưu tiên cho các doanh nghiệp thu hút đồng bào tại chỗ vào làm việc và khi phê duyệt dự án phải chú trọng một số vấn đề về xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút lao động tại chỗ”.

Vì thế, ông Công khẳng định: “Nếu đúng là Gia Lai để xảy ra tình trạng trên là đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ NNPTNT. Những thiếu sót này trước tiên thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp được giao đất trồng cao su, tiếp đến là các cơ quan chức năng ở địa phương không kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp kịp thời.  Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh cần chỉ đạo công tác kiểm tra ngay và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết”.

Về giải pháp lâu dài, ông Công cho biết: “Theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT, khi thực hiện dự án chuyển đổi rừng chủ đầu tư phải trồng mới cao su, nếu không thực hiện sẽ phải trồng lại rừng thay thế trên diện tích rừng đã khai hoang rừng”. 

  Theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT, quy trình chuyển đổi từ rừng nghèo, nghèo kiệt sang trồng cao su đã được quy định chặt chẽ, các tiêu chí, chỉ số rõ ràng cụ thể và cũng giao trách nhiệm cho đơn vị tư vấn, các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả điều tra, hiện trạng đất và rừng trước UBND cấp tỉnh, trước pháp luật.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem