Chuyện bây giờ mới kể về tàu hải quân - vị cứu tinh mang tên HQ 936

Thứ hai, ngày 18/02/2013 05:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn trăm ngày làm nhiệm vụ trên biển quanh khu vực Trường Sa kết thúc, tàu hải quân mang ký hiệu HQ 936 đã trở về đất liền, hoàn thành xuất sắc sứ mạng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận 0

Đến tận thời điểm này, sau 5 năm, theo quy định, những bí mật về cuộc chạy đua trong bão để giành giật mạng sống của các ngư dân giữa cơn bão DURIAN (năm 2006) của con tàu này mới chính thức được công bố với bao chuyện vui buồn...

Đua cùng bão!

Tàu HQ 936 thuộc hải đội 413 – Vùng D Hải quân ra Trường Sa ngày 15.10.2006. Sau trận bão DURIAN, khi thủy thủ đoàn còn chưa quen với cơn sóng quái đản sau bữa tiệc linh đình của Hải Vương thì 12 giờ ngày 10.12.06 từ khu vực trực sát đảo Sinh Tồn Đông, tàu nhận được tín hiệu của đất liền: “Tàu đánh cá của Bình Định – BĐ 2024 bị chết máy sau mấy ngày chống chọi với bão, vị trí cách 60 hải lý phía đông nam của đảo”.

img
Tàu HQ 936 trên bờ biển Cam Ranh.

Nổ máy! Lên đường chạy hết tốc lực và tàu HQ 936 bị cuốn vào một cuộc chơi tàn khốc. Khi cơn bão đất liền đã tạm yên, luồng không khí gặp dãy Trường Sơn bị dội ngược trở ra trong khi những luồng bão cuối cùng vẫn đổ về từ phía đông thì lúc này mặt biển là một khung cảnh huyền ảo mà cánh hải quân gọi là “Hoa bão”: Mặt biển tràn ngập những bông hoa nước trắng xoá, không sóng lừng, không sóng giật mà con tàu như đi trên hàng triệu chiếc bờm ngựa trắng đang đùa giỡn.

Khung cảnh thì diễm lệ nhưng tàu thì lại bị lôi vào một điệu disco điên loạn… Những kỹ thuật đè sóng, tránh sóng… giờ đây trở lên vô hiệu vì không xác định được hướng sóng, hay nói đúng hơn là hướng sóng đến từ mọi phía, tàu giật lắc dữ dội, chưa hết chu trình mô men lật sang trái thì bất ngờ lại bị đánh bật sang bên phải. Giật thì giật, lắc thì lắc, tàu vẫn phải đảm bảo vận tốc trên 10 hải lý/giờ.

Dù là dân đi biển cứng cựa nhưng cũng quá nửa tàu bị say sóng. Trên phòng điều khiển, tấm hải đồ nhiều lúc bị phủ kín những cơn nôn mửa, người cúi gập vì nôn oẹ, tay vẫn phải gạt đống “sản phẩm” ra khỏi hải đồ để giữ vững hành trình. Giờ cơm đã đến nhưng không thể nấu ăn, các nồi nấu nhẩy lóc cóc, gạo thịt cũng nhẩy lóc cóc trong nồi rồi bất chợt một cao độ của dao động cộng hưởng hất tung tất cả. Nhá mì tôm sống, miếng mì tôm khô khốc mới qua thực quản chưa kịp đến dạ dầy đã vội vọt ra, mì tôm khô chưa kịp ngấm nước vương vãi khắp nơi.

Sau 6 tiếng vật vã tàu đã đến vị trí cần cứu hộ, hoa tiêu leo lên tháp tàu kinh hoàng khi thấy mặt biển trắng những bông hoa bão mà bóng dáng con tàu bặt tăm. Vô vọng! Tàu đã đến chậm, mọi nỗ lực thành công cốc, hàng chục mạng người đã ra đi? Tuyệt vọng, máy trưởng Trương Quang Sinh đá lia lịa đến toé máu chân vào cỗ máy sản sinh ra 500 sức ngựa, cỗ máy mà nỗ lực của nó không đủ để tránh một tai hoạ!

Băng qua đầu thần chết

Quanh quẩn tìm kiếm, khi thuyền trưởng – thượng uý Bùi Văn Minh chuẩn bị ra lệnh thu quân thì trung tâm cứu nạn lại có tin mừng, tàu cá BĐ 2024 chưa chìm mà đang trôi dạt cách vị trí tàu HQ 936 thêm 50 hải lý nữa. Thần kinh sức lực sau 6 giờ đồng hồ vật lộn với sóng bị chùng xuống bỗng lại phải căng lên như dây đàn, không còn thời gian để nghỉ ngơi, tàu lại tiếp tục chạy đua giữa những đoá hoa bão.

Phải thật nhanh, chỉ còn khoảng cách không xa là sẽ đến vùng biển mang tính nhạy cảm về chủ quyền… Lúc này thì không còn cơm, mì tôm cũng không còn trong người nữa, thay vào đó là mật xanh, mật vàng bị nôn ra sàn tàu… Chạy suốt đêm, đến 3 giờ 30 sáng ngày 11 – 12, hoa tiêu gào lên khản đặc: “Đã phát hiện tàu cá bên trái mạn tàu”, cả tàu gào lên hoan hỉ ôm lấy nhau reo hò, nhảy múa rồi thở dốc.

Không phải một tàu mà một, hai, ba, bốn chiếc tàu quây lấy nhau. Tàu cá BĐ 2024 chết máy, quay mòng mòng tuyệt vọng giữa bão (nước đã ngập nửa hầm tàu), xung quanh là ba tàu cá đồng hương BĐ 2218 – BĐ 2364 – BĐ 2234 đang nhìn tàu bạn vô vọng và chính họ cũng đang kinh hoàng cho số phận mình.

Cùng cực của mệt mỏi, các chiến sĩ hải quân kéo sợi dây chão mà nặng tưởng ngàn tấn để kéo tàu BĐ 2024 và hộ tống 3 tàu kia về nơi trú ẩn đảo Tốc Tan, do nắm được luồng lạch của nhau, nên những tàu cá còn chỉ đường để tàu HQ 936 vòng qua đón nốt tàu BĐ 1993 về nơi an toàn. Một kíp thợ lập tức được triển khai sang tàu BĐ 2024, sau 2 ngày sửa chữa miệt mài, hỏng hóc đã được phát hiện nhưng không có thiết bị thay thế nên đến ngày 15 – 12, khi trời lặng, tàu BĐ 2024 mới được các tàu đánh cá bạn kéo vào đảo.

Đây là vụ cứu nạn lớn nhất với 5 chiếc thuyền và hơn 60 ngư dân được Hải quân Việt Nam cứu sống trên quần đảo Trường Sa. Và khi thuyền trưởng tàu BĐ 2024 là ông Trần Văn Trung- huyện Hoài Nhơn, Bình Định cùng 8 thuyền viên khác trên thuyền làm lễ tế sống các chiến sĩ trên tàu HQ 936 trước khi vào đất liền thì các thuỷ thủ trên tàu mới được phép lo ngại cho bản thân mình…

Nỗi buồn ngày nắng ấm!

Sau bão! Biển trở lại yên bình, khi những cánh én đậu trên mạn tàu nghỉ ngơi giữa cuộc trường trinh vĩ đại mang mùa xuân về đất liền thì toàn bộ thuỷ thủ tàu lại nhìn nhau trong lo sợ và câm lặng. Hai phần ba số thuỷ thủ trên tàu đều sống ở các vùng biển, họ đều có người thân đang hàng ngày phải vật lộn với sóng nước để mưu sinh.

Trong số ấy có ai rơi vào tình trạng như tàu BĐ 2024? trong số ấy có ai còn, ai mất sau cơn bão khủng khiếp mà những con số vô cảm về những thiệt hại của cơn bão phát trên sóng radio vẫn đều đều thông báo. Nhiệm vụ còn nặng nề, chỉ có những ánh mắt cảm thông, những lời động viên nhau giữa ngàn trùng sóng. Xuân đã về, tàu đã cập bến, họ chỉ biết cầu chúc cho người thân của nhau được bình yên như chính sự bình yên mà các anh đã mang lại cho Tổ quốc!

Lời nói của thuyền trưởng tàu BĐ 2024 Trần Văn Trung vẫn còn rưng rưng trong băng ghi âm ghi biên bản việc cứu hộ: “Có các anh, có những người lính Trường Sa không chỉ đất liền bình yên mà dân mình ra biển cũng yên tâm”. Bằng khen của Trung tâm Cứu hộ - Bộ Thủy sản được trao khi tàu cập bến lọt thỏm giữa sự hoan hỉ chào đón của đồng đội, của người thân ra đón các chiến sĩ Trường Sa sau những chạy đua cùng sóng dữ mang bình yên về cho những ngư dân Việt Nam!

Trong số thuỷ thủ, trớ trêu nhất là trường hợp của “Kẻ bạc tình vĩ đại”- biệt danh mà mấy anh lính hải quân gán cho thiếu uý chuyên nghiệp Trịnh Văn Tư (quê xã Hoa Lộ, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá). Số là theo kế hoạch định trước, tàu HQ 936 sẽ tuần tra bảo vệ vùng Trường Sa đúng 3 tháng, căn cứ theo thời gian này, thiếu uý Trịnh Văn Tư đã thông qua gia đình lập một kế hoạch về việc kết hôn của mình với sự phối hợp phía nhà gái.

Theo kế hoạch, để giản tiện, phát huy được tính hiệu quả thì lễ hỏi và lễ cưới sẽ được tổ chức cùng ngày vào 12 tháng Chạp, tức là sau nửa tháng khi tàu về đến đất liền. Nhưng (nói vô phép): “Tiên sư cái anh DURIAN cùng mấy anh tên Tây lằng nhằng khác” (chỉ các cơn bão liên tiếp), tàu lại phải trực lại trên Trường Sa thêm gần 1 tháng nữa và gắn thêm nhiệm vụ tuần tra cứu hộ! Ngày cưới ấn định đã trôi qua trên trập trùng sóng nước. Cũng hay! Chẳng có vụ thất hôn nào mà nhà gái lại lấy thế làm tự hào như vụ này! Chỉ tiếc cho thuỷ thủ đoàn mài răng chờ ăn cỗ mấy tháng liền!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem