Chuyện bỏ hộ khẩu, ông Đinh La Thăng từng có tranh luận gây chú ý

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 19/10/2017 13:13 PM (GMT+7)
Theo một lãnh đạo C72 (Bộ Công an), hộ khẩu là một hình thức để quản lý, khi chưa có hình thức quản lý mới tiên tiến hơn để thay thế mà nói “bỏ” thì xã hội sẽ loạn.
Bình luận 0

img

Ông Đinh La Thăng từng có phát biểu gây chú ý về chuyện hộ khẩu. Ảnh: VNN.

Muốn bỏ hộ khẩu phải có hình thức quản lý mới thay thế

Mới đây, tại buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin với các phóng viên, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, Bộ Y tế có đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu - điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số.

Vấn đề liên quan đến hộ khẩu nói riêng và các giấy tờ công dân không phải câu chuyện bây giờ mới được đặt ra. Năm 2013, Chính phủ đã có Quyết định số 896/QĐ-Ttg phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Theo mục tiêu của đề án, đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân; các cơ quan hành chính nhà nước tại các cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

img

Người dân xếp hàng làm hộ khẩu. Ảnh minh họa

Trên cơ sở này, phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan. Từng bước kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu đến cuối năm 2020 đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm các loại giấy tờ công dân khác như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan.

Các ngành, địa phương có thể linh động

Theo một lãnh đạo của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 –Bộ Công an), để Đề án trên được xây dựng đúng tiến độ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có kinh phí. Khi làm xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới tính đến việc bỏ hộ khẩu.

“Hộ khẩu là một hình thức để quản lý xã hội, nếu muốn bỏ thì phải có một hình thức quản lý tiên tiến hơn để thay thế. Khi hình thức quản lý mới chưa có mà nói bỏ hình thức quản lý cũ đi thì xã hội sẽ loạn. Trên thế giới không có quốc gia nào bỏ việc quản lý công dân cả, nhưng họ tiên tiến hơn, họ quản lý bằng dữ liệu điện tử, địa chỉ IP…Còn chúng ta đang từng bước để hiện đại hóa việc quản lý”, vị lãnh đạo nói.

Vị lãnh đạo này cho rằng, hộ khẩu chưa thể bỏ được ngay nhưng để đơn giản hóa thủ tục cho người dân, mỗi ngành, lĩnh vực, có thể nghiên cứu để bỏ quy định hộ khẩu trong hoạt động của mình. 

Trước đó, vào tháng 2.2017, trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, GĐ Sở Khoa học Công nghệ của thành phố này đã kiến nghị cần bỏ quy định về hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức, người lao động, không phân biệt chính sách hộ khẩu.

Ông Đinh La Thăng, lúc đó là Bí thư Thành ủy, ngay lập tức phát biểu, nói muốn tranh luận với ông Trương Văn Lắm, GĐ Sở Nội vụ về việc này. Ông cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với kiến nghị của GĐ Sở Khoa học Công nghệ.

Ông nói, bây giờ quy định có hộ khẩu TP mới tuyển công chức, viên chức. Trong khi trộm cướp, mại dâm, ma túy có cần hộ khẩu gì đâu cứ vào TP vô tư. Nếu cứ đòi hộ khẩu thì sẽ không thu hút được Việt kiều, chuyên gia, người giỏi được. Ông Thăng còn ví von một cách hài hước nếu mại dâm, ma túy, trộm cướp mà cũng được quản lý.... bằng hộ khẩu như chuyên gia, nhà khoa học thì chắc chắn các loại tệ nạn này sẽ hết. Một thời gian sau đó, TP.HCM có quy định bỏ điều kiện này trong thi tuyển công chức.

Cũng trong tháng 2.2017, khi làm việc với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (trực thuộc UBND TP.HCM), ông Đinh La Thăng cho rằng, trường cần đổi mới cơ chế tuyển sinh, mà trước hết là bỏ ngay yêu cầu lấy hộ khẩu thành phố. Quy định hộ khẩu trước đây phù hợp với điều kiện lịch sử thời điểm đó nhưng nay đã hội nhập thì phải thay đổi.

Ở địa phương khác là Đà Nẵng, đầu năm 2017, trong kế hoạch tuyển dụng công chức tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện của Đà Nẵng cũng có quy định: Đối với người không có hộ khẩu tại Đà Nẵng muốn thi công chức phải tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên.

Công an thành phố Hà Nội tổng kiểm tra hộ khẩu từ ngày 1.10 đến 15.11.

Tại Hà Nội, tổng kiểm tra hộ khẩu bắt đầu từ ngày 1.10 đến hết ngày 15.11.2017. Việc tổng kiểm tra hộ khẩu là hoạt động nhằm phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Việc này sẽ được kết hợp với tiếp tục thực hiện dữ liệu dân cư phục vụ xây dựng hệ cơ sở dữ liệu dùng chung của Công an thành phố; chú trọng nắm tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem