Chuyện buồng hạnh phúc của chiến sĩ Trường Sa

Thứ ba, ngày 10/08/2010 10:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để niềm vui của những "ông ngâu bà ngâu" được trọn vẹn, đồng đội đã tự nguyện nhường phòng để tạo thành những căn buồng hạnh phúc cho những đôi vợ chồng may mắn được gặp nhau ở đảo đợt này…
Bình luận 0
img
Vợ chồng anh Thọ - chị Hải trong căn buồng hạnh phúc tại đảo Sơn Ca.

Giường một ghép đôi

Ngay từ cuối tháng 3 đoàn công tác của Hải quân D ra kiểm tra huấn luyện chiến đấu, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đoàn đã thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và rất đỗi nhân văn: Phân buồng, phòng ngủ nghỉ cho thân nhân ra thăm đảo, nhất là với những đồng chí có vợ ra thăm đợt này.

Ông Nguyễn Viết Thuân - Phó Chủ tịch huyện Trường Sa cho biết, huyện đảo đã phải chỉ đạo sát sao việc này, vì mấy khi chị em được một chuyến ra thăm chồng, nên cũng phải có một chỗ nghỉ kín đáo, thuận tiện. Về việc này, căng thẳng nhất là đảo Nam Yết, nơi có tới 17 bà vợ "đổ bộ".

Khắc phục khó khăn trên, bao nhiêu vật liệu có thể che chắn như vải, cót ép, cánh cửa đều đã được anh em tận dụng để làm buồng hạnh phúc. Theo ông Thuân, dù thiếu thốn thế nào thì lính đảo cũng tạo cho chị em cảm giác thoải mái như đang đi... tuần trăng mật vậy.

Có mặt ở Trường Sa mới biết được những "căn buồng hạnh phúc" đó được dựng kỳ công như thế nào ở nơi cái gì cũng thiếu ấy. Tôi có dịp ghé thăm "tổ ấm" của anh Vương Huy Thọ - chiến sĩ ra-đa của đảo Sơn Ca. Đợt này, anh Thọ đón vợ là chị Mã Thi Hải quê Quảng Xương, Thanh Hoá ra thăm.

Vừa vào đến phòng anh Thọ đã nhanh nhảu giới thiệu, bình thường phòng này là nơi nghỉ ngơi của một tổ 3 người chuyên về trực ra-đa. Khi biết anh có vợ ra thăm, đồng đội đã tình nguyện sơ tán. Trước khi "khăn gói ra đi", những đồng đội thân như anh em ruột thịt ấy đã bàn giao lại hai chiếc giường một. Anh Thọ ghép hai chiếc giường đó lại, làm thêm một tấm bình phong bằng cót ép để che chắn phía bên ngoài. Một lẵng hoa được làm bằng ốc ngọc lan đỏ chót, giống như những bông hoa hồng được đặt ngay ngắn ở đầu giường. Nhìn căn phòng đơn sơ nhưng vẫn toát lên sự lãng mạn.

Nhìn căn phòng, chị Hải đã vô cùng thích thú. Chỉ vào lẵng hoa, anh Thọ bảo: "Mấy hôm trước khi làm phòng hạnh phúc này anh em ở cụm chiến đấu đã mang cho mượn đấy!". Nghe chuyện của anh Hải, tôi hiểu thêm một điều lớn lao rằng, ở nơi sóng gió này, ngoài chuyện chia sẻ với nhau những khó khăn về vật chất, những người lính đảo cũng biết vun đắp hạnh phúc cho nhau bằng tất cả tấm lòng của mình.

Nhìn góc riêng tư của hai vợ chồng là hai chiếc giường sắt ghép lại, chị Hải đùa: "Hoà bình" thì ghép hai làm một, "chiến tranh" thì một lại tách làm hai, anh nhỉ?". Biết vợ pha trò cho đỡ ngượng với khách, anh Thọ nói: "Không ngoan thì bảo anh em đòi giường! Lúc ấy thì đừng có kêu là ra tận đây rồi mà còn cho ngủ đất đấy nhé!".

"Bọn mình cả hai đều là bộ đội, lúc lấy nhau khó khăn chỉ có một chiếc giường một bằng sắt. Ra tận đảo xa, lại được tạo điều kiện giường ghép thế này còn gì bằng! Thời buổi này giường một ghép đôi cũng chỉ vợ chồng lính mới được thưởng thức, quý lắm đấy!" - chị Nguyễn Thị Hạnh, 42 tuổi, quê ở Hải Phòng, vợ anh Trần Văn Trường (đảo Nam Yết) dí dỏm.

Tất cả cùng vui

Tàu HQ 996 neo lại 3 ngày ở đảo Sinh Tồn Đông đợi đón khách về. Tại đây tôi bất ngờ nhận được thông tin từ giọng nói mừng rỡ của chị Đồng Thị Nga (quê Kim Thành, Hải Dương, ra thăm chồng là anh Đồng Văn Sình ở đảo Nam Yết).

Chị Vi Thị Hồng (40 tuổi), vợ của anh Trần Văn Dũng ở đảo Song Tử Tây bật mí: "Đây là lần thứ hai mình trang điểm đấy! Lần trước lên xe hoa, lần này ra đảo. Vợ lính mà, có cầu kỳ gì đâu!".

Chị Nga cho biết: "Cứ tưởng ra đây sẽ gặp nhiều điều bất tiện vì đảo chỉ toàn đàn ông, không ngờ các anh ý lại tinh tế sắp xếp cho một căn buồng ưng ý đến vậy. Sướng nhất là chiều đến, đeo kính lặn ngắm rạn san hô, đẹp như thiên đường ấy. Không ra đảo thì không bao giờ mình tưởng tượng được. Kiểu này chắc phải xin thủ trưởng đoàn công tác ở thêm một ngày nữa cho bõ cái công trốn con ra đảo thăm chồng".

Không chỉ những người vợ hài lòng mà những người mẹ cũng yên tâm về cuộc sống của con mình ngoài đảo. Bác Phạm Thị Phương, mẹ chiến sĩ Phạm Văn Thắng (quê Giao Thuỷ, Nam Định) cũng ra thăm con ở đảo Nam Yết, nói:

"Tôi không ngờ lại được các bác hải quân đón tiếp chu đáo đến như vậy! Từ khi chúng tôi vào Cam Ranh được sắp xếp nơi ăn chốn ở ổn định, khi đi tàu được chăm sóc từng bữa ăn, ai mệt thì bác sĩ quân y đến tận phòng khám, cấp thuốc, cấp sữa, ra tới đảo được các cấp chỉ huy đón tiếp tận tình chu đáo. Biết các cháu ở đảo được ăn ở như thế này, chúng tôi cũng rất yên tâm".

Cái tin thủ trưởng đoàn quyết định cho đoàn ở lại thêm một ngày nữa làm cho cả đảo vui như mở hội. Nhiều chị không dám nói đã bảo chồng gọi điện ra cảm ơn đoàn công tác. Khi biết được ở lại thêm một ngày, chị Đồng Thị Nga hồ hởi: "Đúng là không ở đâu nghiêm khắc như quân đội và cũng không ở đâu tâm lí như quân đội!".

Những giọt nước mắt cho phút chia ly đã ngưng chảy, thay vào đó là những nụ cười rạng rỡ. Với những người lính Trường Sa, được thêm một ngày ở bên vợ, bên người thân là thêm vô vàn những kỷ niệm mà cả đời họ cũng không mong có được…

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem