Những chiếc váy mà Marilyn Monroe mặc trong phim đều được tạo ra bởi các nhà thiết kế tài năng và nổi tiếng nhất Hollywood. Dưới đây là những câu chuyện thú vị đằng sau những chiếc váy huyền thoại của nữ diễn viên.
1. The Seven Year Itch, 1955
Ngay cả những người chưa từng xem bộ phim cũng biết cảnh váy tung bay nổi tiếng của Monroe. Ban đầu, tập phim được quay ở ga tàu điện ngầm. Cả đoàn đã quay 14 lần nhưng vẫn chưa xong việc. Lúc đó trời đã khuya nhưng vẫn có rất nhiều người đứng xem (và rất ồn ào) nên những phiên bản cuối cùng của cảnh quay được làm trong studio.
Cầu thủ bóng chày Joe DiMaggio, chồng của nữ diễn viên vào thời điểm đó, cũng có mặt trong đám đông. Có tin đồn cho rằng anh thực sự không thích nhìn Monroe trong chiếc váy đó nên đã chia tay. Để không làm chồng thêm tức giận, hôm đó Monroe đã mặc tới 2 lớp nội y.
Nhà thiết kế nổi tiếng William Travilla là người chuẩn bị trang phục cho bộ phim này. Dù vậy, anh thấy chiếc váy này trông thật ngớ ngẩn. Sau khi anh qua đời, bản phác thảo của chiếc váy đã được bán với giá 50.000 USD. Và vào năm 2011, chiếc váy được mua với giá 5,52 triệu USD - mức giá cao nhất từng được trả cho một bộ trang phục trong phim.
2. Some Like It Hot, 1959
Mặc dù đang mang thai trong thời gian quay “Some Like It Hot”, Monroe vẫn mặc một số bộ trang phục khá hở hang. Những bộ trang phục do Orry-Kelly nhào nặn táo bạo đến mức khiến bộ phim bị cấm ở một số khu vực. Tuy nhiên, Orry-Kelly vẫn giành được Giải thưởng Viện hàn lâm cho các sáng tạo tuyệt vời của mình.
Chiếc váy đầu tiên - chiếc váy dạ tiệc lụa màu da ôm sát được may vào người Monroe theo đúng nghĩa đen. Tony Curtis đã thêm một hình thêu trái tim ở phía sau vào phút chót, làm chiếc váy thêm gợi cảm gấp bội.
Chiếc váy thứ hai - chiếc váy đen bán trong suốt đính hạt và sequin thậm chí còn quyến rũ hơn. Chiếc váy được may sẵn áo lót nên nữ diễn viên không cần mặc nội y. Có một truyền thuyết kể rằng Monroe đã được bế lên chiếc đàn piano vì chiếc váy cô mặc quá bó.
3. The Prince and The Showgirl, 1957
Trang phục cho “The Prince và The Showgirl”, bao gồm cả chiếc váy ngà đính hạt bó sát, được thực hiện bởi nhà thiết kế trang phục người Anh Beatrice Dawson. Khi quay phim, cân nặng của Monroe dao động liên tục nên Beatrice đành phải may một số bộ váy giống hệt nhau với các kích cỡ khác nhau.
Ngoài ra, mỗi lần Marilyn làm rơi thức ăn ra váy, nhà thiết kế lại phải mang tới một cái khác. Cuối cùng, Beatrice đã tìm ra giải pháp là chỉ thay lớp vải trên cùng của các trang phục.
4. Something’s Got to Give, 1962
Chiếc váy lụa crepe in hoa là một sáng tạo của nhà thiết kế Jean Louis. Chiếc váy này càng đặc biệt hơn khi nó xuất hiện trong bộ phim cuối cùng của Marilyn. Bộ phim không có cơ hội phát hành vì nữ diễn viên bị sa thải sa thải khỏi bộ phim, sau đó khi hãng phim thuê lại cô thì cô qua đời. Chiếc váy "bị nguyền rủa" được bán trong một buổi đấu giá với giá 358.000 USD.
5. Gentlemen Prefer Blondes, 1953
Chiếc váy màu cam đính cườm là một trong những điểm nhấn của “Gentlemen Prefer Blondes”. Thiết kế này đơn giản nhưng lại có kết cấu khác thường: khóa kéo ở phía trước váy và hai bên váy được làm như một chiếc khung xương để chiếc váy giữ được hình dạng.
Marilyn yêu thích chiếc váy đến nỗi cô đã nhờ nhà thiết kế, cũng là bạn thân của mình, William Travilla, tạo một bản sao với màu cá hồi. Ba năm sau, phiên bản gốc của chiếc váy đã được ca sĩ nhạc jazz Abbey Lincoln mặc trong vở nhạc kịch “The Girl Can’t Help It”.
Để tạo ra ấn tượng mạnh cho màn trình diễn của Jane Russell và Marilyn Monroe, William đã tạo ra những chiếc váy sequin màu đỏ với đường khoét ngực sâu và đường xẻ cao đến hông. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy có một lớp lót màu da đắp ở vùng khe ngực của váy. Nhà thiết kế đã sử dụng thủ thuật này để nữ diễn viên cảm thấy tự tin trong khi khiêu vũ.
Chiếc váy xếp ly màu vàng kim cũng là một tác phẩm được làm đặc biệt cho “Gentlemen Prefer Blondes”. Nó được thiết kế dựa trên cảm hứng chiếc váy của Ginger Rogers trong “Dreamboat”. Marilyn nhìn thấy chiếc váy gốc treo trong văn phòng của William và muốn có một chiếc cho mình. Tất nhiên nhà thiết kế không thể từ chối thỉnh cầu của người đẹp.
Chiếc váy không được hoàn thành kịp thời gian quay phim, vì vậy nhà thiết kế đã khâu thẳng nó lên người Marilyn. Chiếc váy táo bạo đến mức hầu như các cảnh quay có nó đều bị xóa. Trong một phân cảnh ngắn 10 giây, bạn có thể nhìn thấy chiếc váy từ phía sau.
Monroe rất thích chiếc váy nên muốn mặc nó đến Lễ trao giải Photoplay năm 1953. Travilla không đồng ý. Anh cho rằng chiếc váy này không phù hợp để mặc trước công chúng. Monroe không nghe lời và vẫn mặc nó. Cô đã gây ra một làn sóng tranh cãi lớn, nữ diễn viên Joan Crawford thậm chí đã thốt lên: "Cô ấy trông thật thô tục".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.