Chuyện chưa kể về những người đương đầu với "giặc lửa" ở Sài Gòn

Chủ nhật, ngày 20/10/2013 07:21 AM (GMT+7)
Trong khói lửa, họ bị cháy sém da thịt, nhưng chưa bao giờ bị “cháy sém” lòng nhiệt huyết. Họ cũng chưa bao giờ lùi bước trước hiểm nguy. Họ là những người lính cứu hỏa ngày đêm trên chiến trường “giặc hỏa”.
Bình luận 0
Đời khói lửa và những hy sinh thầm lặng

Cái nóng ngoài trời khá oi bức nhưng không làm tôi phát sốt bằng việc nhìn thấy các chiến sĩ trong ca trực luôn “túc trực” trong bộ trang phục lính cứu hỏa. Hằng ngày, dù không nhận được tin báo cháy nào nhưng những người lính cứu hỏa vẫn miệt mài tập luyện để nâng cao nghiệp vụ, duy trì sức khỏe dẻo dai.
img
Thượng tá Trần Ngọc Thạo - Phó chánh thanh tra Sở Cảnh sát PCCC đang làm việc với lãnh đạo phường 12, quận 6 về công tác PCCC.
Trung úy Nguyễn Trung Hậu (SN 1983, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) thuộc Phòng Cảnh sát PCCC quận 6 tâm sự: “Nghề nào cũng là nghề, một khi đã chọn lựa thì phải sống chết hết mình. Lính cứu hỏa, nguy hiểm cách mấy cũng không thể làm chúng tôi nao núng”.

Trước đây, Hậu là chiến sĩ nghĩa vụ. Sau đó Hậu được tuyển dụng, đi học trung cấp cảnh sát và trở thành lính cứu hỏa chuyên nghiệp. Nhớ lại ngày đầu tiên tham gia chữa cháy ở khu công nghiệp Pou Yuen, quận Bình Tân (TP.HCM), ngồi trên xe đến hiện trường, Hậu lo sợ mình bị “chết ngộp”. Đến nơi thấy đám cháy rất lớn, khói bốc mù mịt che chắn cả tầm nhìn lại càng khiến Hậu phát hoảng. Trong khói lửa mịt mùng, dù lo sợ nhưng Hậu vẫn cố gắng cầm cự bám vị trí “chiến đấu”. Sau lần chữa cháy đầu tiên ấy, dần dà Hậu học hỏi được nhiều kinh nghiệm chữa cháy từ những anh em đi trước.

Theo thượng tá Trần Ngọc Thạo, Phó chánh thanh tra Sở Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM: “Mặc dù vài năm trở lại đây, ý thức về việc PCCC của người dân, nhất là các tiểu thương ở chợ được nâng cao. Hầu hết các tiểu thương ở chợ tự trang bị những phương tiện chữa cháy cho riêng mình và tham gia nhiều lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Nhưng vẫn còn một số người thiếu ý thức về phòng chống cháy nổ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đã là lính cứu hỏa thì phải tự đặt lên vai mình trách nhiệm nặng nề là làm sao giúp người dân khắc phục kịp thời những hậu quả do lửa gây ra”.

Chuyện lính cứu hỏa hy sinh bản thân để bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân là điều không tránh khỏi. Nặng nhất là hy sinh, nhẹ nhất là bị lửa cháy gây thương tích đầy mình. Điển hình là trường hợp liệt sĩ Phạm Trường Huy (SN 1983, ngụ quận 3). 23 giờ 30 một ngày cuối tháng 4.2007, Phòng Cảnh sát PCCC quận 6 nhận được tin báo cháy xảy ra tại một kho hàng trong hẻm 401, đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6. Khi lực lượng đến nơi thì đám cháy đã bùng phát dữ dội.
img
Khẩn trương làm nhiệm vụ.
Với vai trò là chỉ huy lực lượng, thượng úy Mai Hoàng Việt - đội phó đội PCCC quận 6 nhanh chóng nhận định tình hình và bố trí lực lượng, phương tiện để ngăn chặn không cho cháy lan và khống chế, dập tắt đám cháy. Chiến sĩ Phạm Trường Huy nhận nhiệm vụ lên mái nhà để ngăn chặn không cho ngọn lửa cháy lan sang nhà bên cạnh. Do trời tối, hệ thống chiếu sáng không được đảm bảo nên Huy đã bước lên mái tôn bị mục. Anh bị ngã xuống đất chấn thương. Do vết thương quá nặng, hôm sau Trường Huy đã hy sinh. Nỗi niềm đau xót của đồng nghiệp và gia đình được phần nào an ủi khi năm đó Huy được công nhận liệt sĩ.

Chuyện chưa biết về nghề chỉ mong được… thất nghiệp

Có chứng kiến được những người lính cứu hỏa xông pha vào biển lửa mới thấy hết được tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của họ. Lính cứu hỏa không cay mắt vì khói bụi, mà nước mắt chảy khi chứng kiến những cái chết thương tâm của nạn nhân hỏa hoạn. Dù họ đã làm hết khả năng, trách nhiệm của mình nhưng đứng trước những đám tro tàn còn âm ỉ khói, những người lính cứu hỏa cảm thấy luôn ray rức và tự trách mình.

Bản thân hơn 10 năm làm lính cứu hỏa, Việt nhớ như in vụ cháy xảy ra rạng sáng ngày 31.12.2007 tại phường 13, quận 5. Xe cứu hỏa vừa đến nơi thì có một người rơi từ lầu 1 xuống ngay trước đầu xe. Ngôi nhà phát hỏa từ tầng trệt nên 3 người trong nhà phải chạy lên lầu 1 để tìm cách thoát thân. Bà cụ trên 60 tuổi cố bám lan can để thoát ra ngoài nhưng do bị khói thốc vào mũi nên ngất xỉu rơi xuống đất bất tỉnh. Bà cụ được nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Trong vòng vây của lửa lúc ấy còn có một cụ già gần 70 tuổi và một phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi. Lúc này, người phụ nữ đã đu lủng lẳng ngoài ban công. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng tiếp cận và đưa người phụ nữ xuống đất an toàn. Nhưng cụ ông đã bị ngất xỉu trên sân thượng.
img
Tiếp cận đám cháy.
Khó khăn lắm lính cứu hỏa mới giải cứu được ông cụ thoát chết cháy, nhưng do có tiền sử nhiều bệnh và bị hoảng loạn nên ông đã không qua khỏi. Rốt cuộc, lực lượng cứu hỏa cũng dập tắt được đám cháy, bảo vệ được khối lượng tài sản lớn cho gia đình. Dù vậy, trước cái chết của ông cụ, nhiều anh em lính cứu hỏa thấy xót xa, bị ám ảnh đến tận bây giờ.

Hơn ai hết, mỗi khi nhận được tin báo cháy, lính cứu hỏa đều thầm mong trong đám lửa vô tri vô giác ấy chỉ đơn thuần là tài sản chứ đừng bao giờ có bóng dáng của con người. Bởi, tài sản bị cháy hết thì còn có cơ hội làm lại, sinh mạng con người không thể bù đắp được. Chỉ cần chậm trễ vài phút là đám cháy đã “leo” khắp nơi, rất khó kiểm soát. Theo kinh nghiệm, nếu đến kịp trong 10 phút đầu thì đám cháy dễ dàng bị khống chế, nếu quá 10 phút, đám cháy sẽ nhanh chóng bùng phát.

Điều buồn nhất của lính cứu hỏa là khi nhận tin báo cháy giả của những người thiếu hiểu biết, xem thường pháp luật. Khi nhận được tin báo cháy dù chưa tiếp cận hiện trường nhưng trong lòng những người lính cứu hỏa đều nóng như lửa đốt. Họ lao đến hiện trường một cách nhanh nhất. Đâu chỉ những người lính, mà là một đoàn xe gồm 5-6 chiếc nhanh chóng xuống hiện trường phối hợp với các đơn vị khác. Nếu đấy chỉ là hiện trường giả thì sẽ gây náo loạn cho người dân…

Vậy mới biết đời lính cứu hỏa luôn sống trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Buồn vì phải tận mắt chứng kiến những mất mát đau thương mà lửa gây ra với người dân, vui vì đã giúp người dân kịp thời chống chọi với “giặc lửa”. Vui vì được sống với nghề, được làm tròn trách nhiệm của một người lính. Và lính cứu hỏa, vui nhất và mong muốn nhất của họ là được thất nghiệp dài dài, vì như thế là xã hội bình yên, không có vụ hỏa hoạn nào xảy ra.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem