Chuyện con cá "quý tộc" ở Lào Cai: Cá hồi gặp "hạn", cá tầm giá cao

Trần Quang Thứ năm, ngày 26/03/2020 13:25 PM (GMT+7)
Trong khi con cá hồi đang “gặp hạn”, không tiêu thụ được vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì người nuôi cá tầm ở Lào Cai vẫn đang yên tâm bởi việc tiêu thụ vẫn bình thường, không bị cạnh tranh bởi các nguồn cá nhập lậu từ Trung Quốc.
Bình luận 0

Hàng trăm tấn cá "quý tộc" nằm bể

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cá nước lạnh Lào Cai cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đa phần người nuôi cá hồi ở Lào Cai lâm cảnh ế ẩm sản phẩm nuôi trồng. Các nhà hàng, quán ăn đóng cửa, không bán được cá nên nhiều chủ trại chỉ còn cách rao bán cá "quý tộc" qua mạng xã hội (Facebook) nhưng lượng tiêu thụ cũng chỉ nhỏ giọt.

img

Do không tiêu thụ được, hiện người nuôi cá hồi ở Lào Cai như "ngồi trên đống lửa". Ảnh: T.Q

Theo ông Hải, hiện Hội Cá nước lạnh Lào Cai có trên 200 thành viên, với sản lượng cá hồi đang nằm bể thời điểm này lên đến hàng trăm tấn. Ngoài 25 trang trại lớn, còn lại phần lớn là các hộ nuôi cá nhỏ lẻ ở địa phương, phần đông là bà con đồng bào dân tộc Thái, Dao.

"Hiện đang vào thời điểm giao mùa, nước về ít khiến cá hồi dễ bị bệnh. Vì thế nếu không bán được các lứa cá này, bà con sẽ bị thiệt hại rất lớn, thậm chí sẽ có nhiều hộ sẽ trắng tay, phá sản" - ông Hải chia sẻ.

Thông thường như mọi năm, vào mùa này bà con nuôi cá nước lạnh (trong đó chiếm 70% là hộ nuôi cá hồi) tại Sa Pa, Bát Xát... đang vào thời điểm thu hoạch cá sôi động, chủ yếu là phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mọi đầu mối tiêu thụ cá đều đóng băng, khiến bà con ở đây rơi vào tình cảnh thê thảm chưa từng có.

"Hộ ít cũng có vài tấn, hộ nhiều thì đang ôm hàng chục tấn, đều đang chung cảnh ế ẩm. Hy vọng lớn nhất của bà con hiện giờ là bán hàng online, nhưng cũng không ăn thua, nhiều hộ chỉ còn biết "nằm chờ" vỡ nợ thôi" - ông Hải ngậm ngùi nói. Theo ông Hải, trong số hàng trăm hộ đầu tư vào nuôi cá đặc sản ở các vùng của Lào Cai có đến trên 80% số hộ vay lãi ngân hàng, nợ ngoài. Đến giờ cá không bán được, nhiều triệu phú, tỷ phú cá đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

"Để chia sẻ với bà con nuôi cá nước lạnh trên địa bàn, chúng tôi đã gửi kiến nghị, đề xuất lên tỉnh, các ngân hàng, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi xin có chính sách hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ cho bà con, nhưng đến giờ vẫn chưa có hồi âm" - ông Hải bộc bạch.

img

Nhiều trang trại ở Lào Cai đã đầu tư máy móc để chế biến cá hồi, cá tầm cung cấp cho thị trường.  Ảnh: T.Q

Trong số những "con nợ" lớn ở Séo Mý Tỷ (huyện Sa Pa) có anh Vũ Dương. Trải qua 6 năm nuôi cá trên lòng hồ, có 4 lần anh "thua bạc" với trời, dịch bệnh. Trong đó, lần nặng nhất là tháng 4/2016, đàn cá của anh bị dịch bệnh chết nổi trắng cả khu nuôi, thiệt hại gần 3 tỷ đồng.

Đến giờ anh Dương đang phải trang trải món nợ gần chục tỷ đồng (gồm hơn 2 tỷ vay ngân hàng, 5 tỷ vay lãi ngoài...). Tuy nhiên anh không biết trông vào đâu để trả số nợ “khủng” này vì toàn bộ tài sản là những bể cá hồi với sản lượng trên dưới 20 tấn chưa bán được.

"Cá tầm còn để trong lồng nuôi cầm cự, nhưng cá hồi đang cần phải "giải cứu" khẩn cấp. Chúng tôi đã dùng đủ mọi cách, giảm giá về dưới giá thành chăn nuôi nhưng cũng không có mấy người hỏi mua. Hiện nhiều trại cá nhỏ ở Sa Pa đã kiệt quệ phải đóng cửa, một số các trại cá lớn như gia đình tôi may ra cũng chỉ cầm cự được 2-3 tháng nữa, rồi cũng sẽ bị hạ gục vì không có người mua" - anh Dương nói.

Không chỉ các hộ và trang trại nuôi cá hồi ở đây gặp khó khăn, ngay tại Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh (thuộc Viện Nghiên cứu Thủy sản 1), trụ sở tại Thác Bạc (Sa Pa) cũng đang tồn kho hàng chục vạn con cá giống.

"Chúng tôi đang rất trăn trở, nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và kéo dài thì việc cung cấp cá giống cho bà con các tỉnh cũng sẽ gặp thách thức lớn"- ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh thông tin.

Người nuôi cá tầm vẫn “sống khoẻ”

Là một trong những chủ trang trại gặp may mắn ở Sa Pa, năm nay bà Nguyễn Thị Nhàn (xã Tả Van) đầu tư nuôi trên 50 bể cá, trong đó có hơn 30 bể cá tầm. Bà Nhàn tiết lộ, do dịch bệnh Covid-19 nên nguồn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam bị "cắt đứt" hẳn, điều này giúp người nuôi cá trong nước ít nhiều được hưởng lợi.

Mới đây, trang trại nhà bà Nhàn xuất bán hơn 1 tạ cá tầm cho khách ở Nghệ An với giá trên 200.000 đồng/kg. "Dù nhu cầu tiêu thụ cá tầm trong nước giảm nhiều do dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn bán lẻ được với giá cao hơn trước khi có dịch khoảng trên dưới 40.000 đồng/kg" - bà Nhàn phấn khởi khoe.

Theo bà Nhàn, do chăn nuôi ở môi trường sạch, nguồn nước không bị ô nhiễm nên cá tầm tại trang trại của bà luôn phát triển tốt. "Đến giờ đàn cá của tôi đã đạt trọng lượng trên 2kg/con, có thể xuất bán nhưng nếu chúng tôi để nuôi lâu hơn, cá càng lớn (cá tầm có thể đạt trọng lượng lên đến vài chục kg/con) sẽ càng được giá cao hơn" - bà Nhàn khẳng định.

Ông Tô Sơn - chủ một trang trại cá nước lạnh ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cho rằng, dù đại dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ cá nước lạnh gặp khó khăn, nhưng bà con vẫn túc tắc bán được, người tiêu dùng vẫn thích ăn cá nước lạnh. Vì thế bà con không nên quá lo lắng, bán tống bán tháo. Khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, sau khi dịch được kiểm soát tốt, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem