Chuyện cứu ngư dân Philippines gặp nạn

Thứ tư, ngày 31/08/2011 14:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Cứu một mạng người bằng xây bảy bậc phù đồ”, biết vậy nhưng chẳng ai trên chiếc tàu PY92013 (Phú Yên) để tâm đến chuyện ấy, họ xây bậc đâu phải để bước.
Bình luận 0

Và rồi những gì họ làm cũng có ngày được đền đáp, 122 ngư dân đồng hương của họ vô tình xâm phạm lãnh hải Philippinnes vừa được tòa án nước bạn tha bổng.

Khi thoát chết, tất cả những ngư dân Philippines đều coi Việt Nam là nơi sinh ra họ lần thứ hai. Tuy nhiên, những ngư dân Việt Nam thì chỉ coi chuyện cứu nhau trong hoạn nạn là chuyện nhỏ: “Cùng là ngư dân vì miếng cơm manh áo cả. Philippines với Việt Nam là hàng xóm trên biển của nhau mà. Bỏ họ sao đành”.

Ông Trần Đắc - thuyền trưởng tàu PY 92073 (Phú Yên), ân nhân của 4 ngư dân Philippines gặp nạn hồi tháng 1.2009, thật thà kể lại chuyện cũ: “Tui cũng không nhớ tên của họ nữa, chỉ biết họ là người Philippines, chỉ nhớ họ ăn thiệt khỏe, như cái máy ủi cơm”.

img
Tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên trên ngư trường Trường Sa.

Mẻ câu cuối năm

Chuyến ra khơi cuối năm của tàu PY 92073, các thuyền viên đều háo hức… Tất cả hy vọng ngày áp Tết Nguyên đán, khi tàu về bến sẽ đầy ăm ắp cá để gia đình mình và bạn thuyền được đón một mùa xuân Kỷ Sửu ấm áp, đầy đủ.

Trời chẳng chiều lòng người, chuyến biển áp Tết cứ đìu hiu, xác xơ trong cơn gió cuối năm. Đã 15 ngày mà hầm lạnh của con tàu vẫn “ế khách”, trống trơn. 10 thuyền viên ngao ngán nhìn 3 con cá ngừ nằm lặng lẽ ở góc hầm lạnh mà cũng lạnh hết cả lòng. Sang ngày 18.1, bỗng thuyền vui như hội, chỉ trong buổi sáng đã có thêm 4 chú cá ngừ dính câu. Hình như đến giờ, họ mới bắt đúng luồng cá. Một mùa xuân mới tươi vui sẽ tràn về theo luồng cá muộn, những vàng câu buông xuống mang bao khấp khởi, đợi chờ...

Buổi chiều, khi quay lại bắt đầu nhấc vàng câu đầu tiên, Bùi Chí Trung - hoa tiêu của thuyền bỗng không tin vào mắt mình, thấp thoáng phía xa, nơi vàng câu đầu dập dềnh một bóng đen thẫm. Không phải cá mập cũng không phải cá Ông… Bóng đen ấy cứ hiện dần lên trong sự lo lắng của mọi người.

img
Bộ đội biên phòng tiếp nhận ngư dân Philippines gặp nạn.

Chiếc thuyền câu bé nhỏ đang chao đảo cùng sóng nước, một người trên thuyền bám chặt vào vàng câu, ba người còn lại cũng bất động như thế nằm rạp trên lòng thuyền. Trong bóng chiều vàng vọt, nhìn mấy con người như những thây ma, thuyền viên tàu PY 92073 cũng rờn rợn, chỉ có Bùi Chí Trung - nhỏ tuổi nhất thuyền dám bật ra câu hỏi: “Thuyền ở đâu đó?”. Thuyền kia vẫn im lìm. Không dám áp sát tàu vào thuyền kia, nếu đó là bọn cướp biển thì hết đường thoát, con tàu PY 92073 vẫn phải dừng cách xa một đoạn, phòng có biến…

Trong 3 năm trở lại đây các, ngư dân Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên đã hơn mười lần đưa các ngư dân Philippines gặp nạn vào bờ, cứu sống hơn 30 ngư dân nước bạn.

Sau vài phút hội ý, Đinh Văn Tây, người khỏe mạnh nhất tàu xung phong bơi đến thuyền bị nạn. Khi tôi hỏi: “Nhỡ lúc bơi đến lại thấy mấy họng súng đen ngòm thì sao?”, anh chàng to lớn như con voi (tên là Tây có khác) cười ngoác miệng: “Biết sao được giờ? Người Việt Nam mình mà bỏ người hoạn nạn thì là đồ mạt rệp, sao dám ngửa mặt nhìn ai?”.

Trong cơn sóng động, Tây lao mình xuống nước bơi dần đến bên con thuyền lạ. Không thấy những họng súng đen ngòm, chỉ thấy 4 thân người xanh rớt, phải gỡ mãi, bàn tay người cầm vàng câu mới rời ra được, hình như đó là hy vọng sống cuối cùng nên trước khi lả đi, anh chàng khốn khổ ấy đã nắm thật chặt những vàng câu của các ngư dân Việt Nam.

Nhẹ cá mà nặng ân tình

Sau này mới biết, 4 người trên con thuyền ấy đã không còn thức ăn, nước uống suốt một tuần trời. Ông thuyền trưởng Trần Đắc hỉ hả khi nói về quá khứ đói khát của mình: “May mà hồi xưa tụi tui cũng đã biết đến và chứng kiến những trận đói chết người. Thế nên mới biết cách cứu bọn họ”.

Cháo loãng nghiền nhỏ được bón cho những ngư dân khốn khổ nước bạn, mới đầu một thìa, sau hai thìa rồi dần dần tăng lên… Các vàng câu được cuốn lại để dành thời gian chăm sóc người bị nạn. Sau một ngày, những ngư dân khốn khổ nước bạn đã dần tỉnh táo và những câu nói đầu tiên của họ là những câu mà các ngư dân Việt Nam… không hiểu được.

Sau một cuộc họp bàn gay gắt, quyết định cuối cùng là bỏ chuyến đi biển để đưa các ngư dân nước bạn vào bờ Việt Nam để họ nhanh chóng trở về nhà. Ông Đắc vẫn nhớ mãi về quyết định khó khăn hôm ấy: “Khi quyết định cho tàu trở lại bờ đúng khi bắt được luồng cá, tui biết anh em suy nghĩ và tiếc rẻ ghê lắm! Nhưng biết sao giờ? Tui phải thuyết phục anh em nhiều lắm”.

Với ông, người ngư dân miền biển Việt Nam không biết nói dài, câu nói ấy là nhiều nhưng nó chỉ đơn giản thế này: “Người ta cũng như mình, bặt tin ngày nào là vợ con khóc thương chừng đó, họ lại ở đất nước xa xôi. Thôi gắng làm việc thiện rồi ông bà thương”. Con thuyền trở lại bờ khi mỗi ngư dân Việt Nam còn chưa có đủ cho mình một con cá. Chuyến đi biển chỉ hoàn vốn khi đánh bắt được 30 con cá ngừ trở lên, nay họ trở về chỉ với 7 con cá nhưng cái tâm họ phơi phới trong gió biển cuối năm.

Xây bậc đâu để bước

Về chuyện các ngư dân nước bạn là người Philippines thì lúc sắp cập bến, cả tàu PY 92073 mới biết. Chả biết nói chuyện với nhau bằng chân, bằng tay kiểu gì mà Đinh Văn Tây oang oang cam đoan rằng: “Ngư dân họ cũng cực lắm anh ơi! Hệt mình không hà? Trên bờ cũng nghèo, ra biển cũng sợ tàu lạ nước ngoài bắt khi mải theo cá, lỡ ra khỏi vùng quy định. Cùng cảnh khổ cả anh ơi!”.

Tui cũng có nghe chuyện hơn trăm ngư dân mình bị xử án ở nước ngoài vì lỡ đi quá vùng quy định. Vấn đề chính trị hay chủ quyền, ranh giới gì đó của vụ này, tui không biết. Chỉ thương anh em ngư dân mình. Chắc vợ con mấy bữa rồi khóc hết nước mắt. Nay nghe họ được tha bổng, tui mừng đến rơi nước mắt.

Lúc bàn giao họ cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam, các ngư dân tàu PY 92073 còn nhớ mãi, ông Đắc rưng rưng: “Họ xếp hàng vái sống chúng tôi. Nghĩ lại mà dị (ngượng) kinh. Không biết tiếng họ ra sao, tui chỉ nói: “Mau chóng mà liên lạc với gia đình, đừng để vợ con khóc thương nhiều quá”. Chỉ biết nói vậy thôi chứ biết nói sao?”.

Khi tôi hỏi, mấy anh em ngư dân trên tàu này tranh cãi ỏm tỏi về tên của người đã thay mặt đất nước Philippines gửi lời cảm ơn họ. Bùi Chí Trung xăng xái kể: “Hôm bàn giao mấy ổng (các ngư dân bị nạn), tụi tui đã ra biển rồi, sau này về, mấy chú biên phòng có nói: Cái ông Say ong (Joeban Asayong, cán bộ hỗ trợ công dân của Đại sứ quán Philippines - PV) thay mặt đất nước Philippines cảm ơn tụi tôi. Tụi tui bảo: Cảm ơn gì? Khỏi cần, sau này ngư dân Việt Nam có lỡ bị nạn bên đó thì mong mấy ổng giúp đỡ mình là quý rồi”.

“Cứu được một mạng người bằng xây bảy bậc phù đồ” nhưng chẳng ai trên chiếc tàu PY 92073 để tâm đến chuyện ấy, họ xây bậc đâu phải để bước. Trước sau, họ chỉ tâm niệm rằng “Cùng cảnh khổ cả, phải thương yêu lấy nhau, nước nào cũng vậy, đã là ngư dân thì đều coi biển là mẹ. Cùng một mẹ thì phải biết đùm bọc nhau”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem