Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: TP.HCM dành hơn 500 tỷ đồng hỗ trợ kinh tế tập thể, thu hút lao động trẻ
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: TP.HCM dành hơn 500 tỷ đồng hỗ trợ kinh tế tập thể, thu hút lao động trẻ
T. An
Thứ bảy, ngày 18/11/2023 19:17 PM (GMT+7)
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đang xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn giai đoạn 2023-2026. Ngân sách thành phố sẽ bố trí hơn 519,7 tỷ đồng để hỗ trợ các thành phần kinh tế này.
Đáng chú ý, khoản hỗ trợ cao nhất theo chính sách này là kinh phí hỗ trợ thu hút lao động trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, với hơn 456 tỷ đồng. Theo đó, người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của TP sẽ được hỗ trợ lương.
Ngoài ra, mỗi năm HTX, liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động cũng được hỗ trợ để hợp đồng tối đa 2 lao động về làm việc. Trong đó, có 1 người đảm nhận công tác chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và 1 người đảm nhận vị trí trong Ban Giám đốc.
Quy định này áp dụng đối với HTX, liên hiệp hợp tác xã tuyển dụng cán bộ chuyên môn mới. Người lao động được hưởng chính sách này có độ tuổi từ đủ 18 đến 30 tuổi, tốt nghiệp các ngành phù hợp với ngành nghề đăng ký và nhu cầu của HTX, liên hiệp Hợp tác xã, có trình độ tối thiểu tốt nghiệp cao đẳng trở lên.
Trong đó, ưu tiên cán bộ kỹ thuật, cán bộ kế toán để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức kinh tế tập thể.
Chính sách cũng ưu tiên những người có trình độ học vấn cao (nhiều bằng đại học các chuyên ngành khác nhau, thạc sĩ, tiến sĩ); người được tổ chức kinh tế tập thể gửi hoặc cử đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo đạt được trình độ từ đại học trở lên theo quy định. Con em của thành viên tổ chức kinh tế tập thể cũng được ưu tiên hưởng chính sách này.
Theo dự kiến, giai đoạn 2023-2026, TP sẽ thu hút được 5.414 lao động theo chính sách này. Ngoài khoản hỗ trợ nêu trên, ngân sách cũng dự kiến dành 47,5 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; 7,65 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện đào tạo thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể và 6,51 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện bồi dưỡng thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể.
Ngân sách cũng dành 1,32 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao năng lực đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên về kinh tế tập thể trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cùng khoảng 700 triệu đồng hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin, tuyên truyền.
TP.HCM nhiều năm qua đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế tập thể. Như chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012; Nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.