Chuyển đổi đất lâm nghiệp: Kiểm soát chặt để không làm mất rừng

Đình Thắng Thứ năm, ngày 10/12/2015 16:49 PM (GMT+7)
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2015) tổ chức ngày 9.12 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,95%/năm, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2016-2010; độ che phủ rừng toàn quốc từ 39,7% năm 2011 đạt 40,73% vào năm nay. Đến nay, 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có rừng đã xây dựng Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

Báo cáo tại hội nghị, TS Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Ngay sau khi kết thúc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, việc triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 trên phạm vi cả nước không chỉ có ý nghĩa lớn về môi trường mà còn tham gia giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và góp phần xóa đói giảm nghèo. Đến năm 2015, đã có khoảng 1-1,2 triệu hộ gia đình với khoảng 4,5-5 triệu lao động tham gia trồng rừng trong đó các hộ nghèo, đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao chiếm tỷ lệ lớn.

img

Trồng rừng tại huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Ảnh: tư liệu

Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đánh giá, có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, liên kết liên doanh trong sản xuất lâm nghiệp hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kom Tum cho rằng: “Việc giao đất trồng rừng cho người dân không hiệu quả, việc vận chuyển gỗ nguyên liệu đến nhà máy chế biến rất tốn kém do phải đi xa, thậm chí đi sang các tỉnh lân cận nên chi phí vận chuyển rất cao, vì vậy người dân gần như không mặn mà với việc trồng rừng sản xuất”.

Ông Hoàng Việt Cường – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết thêm: “Chi phí vận chuyển từ vùng khai thác rừng đến nhà máy người dân chiếm khoảng 40% vì thế các hộ trồng rừng được hưởng rất ít lợi ích. Tôi cho rằng Nhà nước cần có chính sách phát triển hệ thống hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến. Nếu Nhà nước đầu tư 100 tỷ đồng để làm đường thì người trồng rừng sẽ được lợi 350 tỷ đồng”.

Để giải quyết bài toán tăng thu nhập cho người trồng rừng, ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nêu quan điểm: “Nếu chỉ trồng rừng đơn thuần, người dân vẫn sẽ đói dài. Để thu hút được người dân trồng và bảo vệ rừng, cần cho họ thấy giá trị của việc trồng rừng. Bên cạnh đó cần tạo thêm thu nhập cho các hộ trồng rừng bằng cách phát triển các sản phẩm phụ từ rừng nhằm tăng thêm nguồn thu ổn định hàng năm cho người dân.  Thấy có lợi ích từ việc trồng rừng người dân sẽ chủ động xin giao đất”.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay: “Trong giai đoạn 2016-2020 đề nghị Bộ NNPTNT có giải pháp nhằm nâng cao công tác tuyên truyền và nhận thức về vai trò, vị trí của việc bảo vệ và phát triển rừng  bền vững. Hết năm 2016 phải hoàn thành công tác rà soát quy hoạch và kiểm kê về rừng; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất lâm nghiệp sang diện tích khác, nếu không có kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi thì chúng ta sẽ tiếp tục mất rừng. Kêu gọi xã hội đầu tư vào ngành lâm nghiệp nhiều hơn nữa”.

 Thu nhập đời sống của người dân từng bước được tăng lên, đã có nhiều hộ gia đình khá lên nhờ trồng rừng thâm canh, như Quảng Trị, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Cà Mau… có nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp cho thu nhập trên 100 triệu/ha/năm”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem