Dù là người khai khoa của một dòng họ đại khoa bảng, thuở hàn vi, Uông Sĩ Đoan phải trải qua quảng đời đầy đắng cay, éo le, tủi nhục.
Theo sách Tang thương ngẫu lục, vì gia cảnh cơ hàn, sau khi lấy vợ, Uông Sĩ Đoan phải ở rể tại làng Du Lâm (Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Cùng người vợ này, hai người đã sinh hạ được một con trai.
Phận đời éo le của tiến sĩ bị vợ lột sạch đồ
Vốn rất quyết chí học hành nhưng Uông Sĩ Đoan lại gặp phải người vợ rất keo kiệt, dữ dằn, hễ thấy bạn của chồng tới chơi là đuổi thẳng, lớn tiếng mắng rằng: Đồ dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm chớ gì mà nói năng ỏm tỏi ra chiều bắng nhắng thế!
Dù bị vợ khinh miệt ra mặt, Uông Sĩ Đoan vẫn ham học, quyết chí đem tài năng thi thố với đời. Ông cố nhịn, bỏ qua tất cả để lao vào đèn sách, mài dùi kinh sử.
Cảnh Uông Sĩ Đoan bị vợ lột hết đồ. Tranh: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.
Khi triều đình mở khoa thi, như bao sĩ tử khác, Uông Sĩ Đoan sắm sửa lều chỏng để đi. Nào ngờ, vợ ông quyết không chu cấp hành lý và lệ phí cho.
Giận dỗi, ông vùng vằng bỏ đi, nào ngờ bà ta đuổi theo, lột sạch quần áo. Không còn miếng vải che thân, Uông Sĩ Đoan xấu hổ phải lội xuống ao để núp.
Bấy giờ có một cô gái ở làng bên cạnh cùng bà mang vải ra chợ bán, thấy cảnh ấy, liền nhờ bà tới hỏi xem đầu đuôi câu chuyện rồi xé vải tặng cho đóng khố dùng tạm. Nhờ mảnh vải của cô gái xa lạ, Uông Sĩ Đoan mới được đi thi.
Sau khi thi đỗ tiến sĩ, ông đã tìm đến cô gái xa lạ ngày nào, xin cưới làm vợ. Biết tin chồng đỗ đạt và cưới cô gái bán vải cứu mình khỏi tình huống dở khóc dở cười, bà vợ cũ liền chạy đến kiếm chuyện. Người vợ mới của ông bình thản nói:
"Tôi chỉ lấy cái bà đã nhẫn tâm vứt xuống ao, chứ có tranh giành cái gì của bà đâu. Còn như áo mũ hiện giờ chồng tôi đang mặc là của vua ban, bà có giỏi thì cứ đến mà lột".
Bà vợ cũ nghe vậy xấu hổ quá, bỏ làng đi không rõ tung tích. Câu chuyện của người phụ nữ này trở thành đề tài chê cười cho hậu thế: "Dài lưng đã có võng đào. Tốn vải đã có áo bào vua ban".
Khởi đầu của gia đình danh vọng nức tiếng
Uông Sĩ Đoan (1694-1793), quê ở làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lam, phủ Tân Hưng, trấn Nam Sơn, nay là xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Ông tên thật là Giang Sĩ Đoan, nhưng bắt đầu từ đời ông do kiêng húy của chúa Trịnh Giang nên đổi thành họ Uông.
Theo sách Tang thương ngẫu lục, năm Tân Sửu (1721) đời Lê Dụ Tông, triều đình mở khoa thi. Vượt qua gần 3.000 nho sinh, Uông Sĩ Đoan đứng thứ 6 trong số 25 người được triều đình chấm đỗ.
Uông Sĩ Đoan là người mở đầu cho dòng họ khoa bảng của ông.
Tại khoa thi này, Uông Sĩ Đoan cùng các sĩ tử đã vượt quan bài thi hỏi về đạo trị nước của triều đình để ghi tên bảng vàng. Ngày nay, bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn còn lưu lại nội dung khoa thi.
Theo đó: "Đề sách vấn hỏi về đạo trị nước. Sáng hôm sau, quan đọc quyển nâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ bậc cao thấp... Loa truyền người đỗ, bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ở trước cửa nhà Thái học.
Lúc bấy giờ người tới xem chen vai nối gót, áo mũ đầy đường, đều nói rằng từ hồi trung hưng tới nay, khoa mục được người thì khoa này là thịnh nhất.
Mùa xuân năm sau, cử hành ân điển. Ban áo mũ phẩm phục để được vẻ vang, cho dự yến Quỳnh thưởng hoa bạc.
Tỏ lòng ưu ái ban cho bạc ròng, lại hậu đãi làm cho nhà cửa để có chốn chở che, theo thứ bậc cao thấp mà định tước vị, ân điển chất chồng. Lại sai khắc đá dựng bia ở nhà Quốc học".
Sau khi đỗ đạt, Uông Sĩ Đoan bước vào con đường quan lộ, trải qua nhiều chức vụ, làm quan đến Hữu Thị lang bộ Công, tước Lam đình bá và ông cũng là người khai sinh của một trong những dòng đại khoa bảng ở vùng Sơn Nam Hạ xưa và Thái Bình ngày nay.
Năm 1793, ông qua đời khi đã sống thọ tới 99 tuổi - độ tuổi cực hiếm thời bấy giờ.
Đặc biệt hơn, cùng vị phu nhân mới, hai ông bà đã sinh được nhiều người con đỗ đạt cao, làm quan to, nức tiếng đương thời như quan Bồi tụng là Uông Sĩ Lãng, Tri huyện Cẩm Giàng là Uông Sĩ Thiến, Lại bộ Lang trung là Uông Sĩ Trạch.
Ở đời, mỗi người có một cách nổi tiếng khác nhau, như bà vợ đầu của Uông Sĩ Đoan cũng là người nổi tiếng, chỉ tiếc là nổi tiếng ăn ở vô đạo. Khi lột hết quần áo của chồng để hạ nhục chồng, chính bà đã lột bỏ hết chút tình mong manh cuối cùng của hai người rồi đó vậy.
Khéo khen cho tiến sĩ Uông Sĩ Đoan, đã giỏi nuôi chí học hành, lại còn giỏi nhịn. Vẻ vang gì sự vũ phu với vợ mà đấng quân tử phải học đò? Uông Sĩ Đoan thà trốn xuống ao chớ không thèm gây sự, kế sách ấy có thể là chưa hay nhưng quyết không phải là dở nhất.
Cô gái bán vải trong chuyện này, cả nhân ái lẫn đoan trang đều có thừa vậy. Uông Sĩ Đoan không nhớ ơn nghĩa, phỏng có được chăng? Kính Phủ Nguyễn Án không cho biết gì thêm về người vợ đầu của Uông Sĩ Đoan, nhưng cứ theo lẽ mà suy thì ở tuổi ấy, nhân cách của bà đã quá ổn định rồi, nói thêm nữa sợ gây phiền hà cho tờ giấy mỏng này đó thôi.
Sau, Uông Sĩ Đoan ba lần được hưởng đại phước. Một là bình an trên hoạn lộ. Hai là được trường thọ hơn người. Ba là các con ông đều có danh vọng lừng lẫy. Chồng ấy, vợ ấy, các con ấy, sự nghiệp ấy, có gì là lạ đâu.
Trích: Việt sử giai thoại (Nguyễn Khắc Thuần)
|
Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.