Tháng 5-2020, giới nhà nông ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được dịp xôn xao bởi một hội thi trồng dâu tây kỳ lạ.
Tổng cộng 7 đội thi tranh tài cao thấp, chia làm hai trường phái: 3 đội đại diện cho những người trồng dâu tây truyền thống có tiếng nhất vùng và 4 đội tập hợp những chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Người ta ví cuộc thi như phiên bản nông nghiệp của trận thư hùng giữa nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Sedol với AI DeepMind của Google từng làm rúng động giới công nghệ 4 năm trước.
Từ dâu tây đến sáng kiến "làng số"
Đúng như dự đoán, ban đầu phe truyền thống chiếm ưu thế hơn hẳn nhờ kinh nghiệm "nhà tôi 3 đời trồng dâu" so với những kỹ sư IT chưa một ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Các đội nhà nông liên tục dẫn trước về năng suất trong thời gian đầu, nhưng nhanh chóng bị nhóm công nghệ bắt kịp và vượt mặt nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị kết nối Internet, cảm biến thông minh, phân tích dữ liệu và tự động hóa nhà kính.
Trong khi các kỹ sư sử dụng công nghệ sơ đồ tri thức để thu thập dữ liệu lịch sử canh tác và nhận dạng hình ảnh dâu tây rồi truyền dữ kiện này cho các thuật toán AI để tạo ra một chiến lược phù hợp nhất, phe truyền thống dựa vào kinh nghiệm và sức người để làm tất cả việc này.
Khi cuộc thi chấm dứt và kết quả cuối cùng được công bố vào tháng 12-2020, nhóm công nghệ thu hoạch được trung bình 6,86kg mỗi đội, cao hơn 196% so với mức trung bình của 3 đội trồng theo phương pháp truyền thống.
Nhóm công nghệ cũng vượt trội hơn về hiệu quả kinh tế khi ghi nhận mức lợi tức đầu tư trung bình cao hơn 75,5% so với đối thủ, theo công bố của ban tổ chức. Cuộc thi do Đại học Nông nghiệp Trung Quốc và nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).
Kết quả một cuộc thi không đủ để khái quát thành kết luận về tính ưu việt của máy móc so với sức người, nhưng phần thắng nghiêng về công nghệ một lần nữa cho thấy ngành nông nghiệp truyền thống còn dư địa rất lớn cho một cuộc chuyển đổi số - một cuộc "cách mạng công nghiệp 4.0" cho nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp Trung Quốc có đặc trưng là các trang trại nhỏ và mức độ số hóa thấp, nên việc đạt đến sự tiêu chuẩn hóa và hiệu quả kinh tế theo quy mô là những mục tiêu khó khăn, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Quốc gia 1,4 tỉ dân còn phải đối mặt với vấn đề lực lượng lao động nông nghiệp đang già đi và trên đà suy giảm.
Nghèo cũng làm được
Chuyển đổi số trong nông nghiệp, giống như nhiều lĩnh vực khác của đời sống, là tất yếu, đặc biệt khi sự chuyển dịch lao động từ ngành này sang các ngành công nghiệp và dịch vụ đang là xu hướng không thể đảo ngược.
Nhưng một cuộc chuyển đổi số toàn diện không thể thành hiện thực đến khi khu vực nông thôn rộng lớn được tiếp cận đầy đủ với mạng băng thông rộng tốc độ cao - thực tế vẫn còn khoảng 3 tỉ người trên toàn thế giới, chủ yếu ở các vùng nông thôn, không biết đến Internet, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Hơn nữa, ngay cả ở những khu vực đã có Internet, người nông dân vẫn chậm triển khai các công cụ kỹ thuật số vì chưa thấy được lợi ích rõ ràng.
Đó là lý do vì sao những sự kiện như cuộc thi trồng dâu tây ở Vân Nam được chú ý như vậy. Zhi Duo Mei, một đội thi thuộc phe "hi-tech", đã thành lập công ty để cung cấp giải pháp công nghệ cho các hợp tác xã trồng trọt sau khi tạo được sự quan tâm lớn sau cuộc thi.
Theo trưởng nhóm Cheng Biao, cuộc thi đã giúp những người nông dân truyền thống và giới khoa học dữ liệu hiểu rõ hơn về công việc của nhau và cách họ có thể cộng tác để mang lại lợi ích cho mọi người.
Nhưng từng quốc gia tất nhiên sẽ có những thách thức rất riêng khi đi theo con đường này. Với quy mô dân số tương đồng với Trung Quốc, Ấn Độ vẫn loay hoay với số lượng người suy dinh dưỡng cao nhất thế giới, dù nông nghiệp là sinh kế của xấp xỉ một nửa dân số và đóng góp 11% vào sản lượng nông nghiệp toàn cầu, theo FAO.
Nhưng cũng ở Ấn Độ, có thể rút ra những câu chuyện cho thấy chuyển đổi số không cần phải là cái gì đó quá lớn lao.
Ở bang Bihar, nơi 98% công việc chăn nuôi dê do phụ nữ đảm nhận - họ cũng là nhóm người nghèo nhất ở bang này, không đủ tiền mua mảnh đất cắm dùi mà chỉ chăn thả dê kiểu du mục, điện thoại di động đang được tận dụng để đăng tải ảnh những chú dê lên các web bán hàng nhằm "mở rộng thị trường", kết nối với người mua cách xa có khi đến 800km và thu về lợi nhuận nhiều hơn 20-47% cho mỗi con dê bán ra.
"Đây là một minh họa cho thấy đổi mới sáng tạo kỹ thuật số, điều mà trước giờ ta thường cho là chỉ tạo ra hiệu quả cho các hoạt động canh tác quy mô lớn, cũng đã và đang mang lại lợi ích cho những người nông dân nghèo nhất" - Purvi Mehta, người đứng đầu mảng nông nghiệp của Quỹ Bill & Melinda Gates, nói với McKinsey.
Nhìn rộng ra, tác động của chuyển đổi số với nông nghiệp Ấn Độ hay bất kỳ quốc gia đang phát triển nào không thể một sớm một chiều.
Dù có tỉ lệ sử dụng điện thoại di động trung bình cả nước cao, mức độ thâm nhập của điện thoại thông minh vào khu vực nông thôn ở Ấn Độ trên thực tế vẫn còn khá thấp, và có thể phải mất vài năm nữa nước này mới có thể mở rộng quy mô các loại hình dịch vụ số trong nông nghiệp như kỳ vọng.
Từ "cao xa" đến gần gũi
Nông nghiệp có thể ứng dụng AI, dữ liệu lớn, blockchain để chuyển đổi, nhưng cũng có thể đơn giản là tận dụng tính năng livestream.
GoGo Chicken, được phát triển bởi một công ty con của Công ty bảo hiểm trực tuyến Trung Quốc ZhongAn, là ví dụ về ứng dụng blockchain trong truy vết thực phẩm.
Công nghệ này ghi lại nguồn gốc xuất xứ của gà để chứng minh chúng có thật sự được nuôi bằng phương pháp hữu cơ không. Mỗi con gà được đeo một thiết bị theo dõi trên chân giúp tự động tải thông tin về cơ sở chăn nuôi, giết mổ lên một cơ sở dữ liệu blockchain.
Các cảm biến giúp theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố khác trong môi trường chăn nuôi, trong khi thuật toán AI được sử dụng để đánh giá chính xác sức khỏe của từng con gà thông qua phân tích hình ảnh video.
Mới đây trong đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc - bao gồm nhiều công ty ít hoặc hoàn toàn không có sự hiện diện trên Internet trước đây - đã chạy đua livestream để tăng doanh số bán hàng, nắm bắt thói quen mới của người tiêu dùng.
Điều thú vị là việc bán hàng bằng livestream trên các nền tảng thương mại điện tử lại đang phát triển mạnh ở khu vực nông thôn, một phần nhờ các nền tảng này cung cấp rất nhiều công cụ phát và chỉnh sửa video dễ sử dụng, giúp những người trước đó "mù" công nghệ cũng có thể livestream để tiếp thị một cách dễ dàng.
"Làng kỹ thuật số"
Trong thời kỳ bùng nổ Internet di động của thập kỷ trước, nông dân Trung Quốc là lực lượng đã nhanh chóng làm quen và đưa kỹ thuật số vào trong đời sống, thể hiện rõ nhất qua sự ứng dụng thanh toán di động rộng rãi và sự phổ biến của các loại hình giải trí trực tuyến.
Ở một số khu vực nông thôn, tỉ lệ người dân có kết nối Internet còn cao hơn các thành phố lớn. Đây là những điều kiện thuận lợi cho kế hoạch thí điểm mô hình "làng kỹ thuật số" (digital village) từ năm 2020 của chính quyền Bắc Kinh, hướng đến ứng dụng các công nghệ số tiên tiến vào trong nông nghiệp.
Kế hoạch đầy tham vọng này có sự tham gia của 7 bộ, ngành với lộ trình cải thiện cơ sở hạ tầng thông tin thế hệ mới cho các làng tham gia thí điểm, đồng thời khám phá các mô hình mới cho kinh tế số và quản trị nông thôn.
Theo đó, việc ứng dụng cáp quang băng thông rộng, Internet di động, mạng truyền hình kỹ thuật số và Internet thế hệ mới sẽ được đẩy mạnh ở các khu vực thuộc chương trình.
Theo WEF, mô hình "làng kỹ thuật số" sẽ là tương lai của không chỉ nền nông nghiệp Trung Quốc mà còn của toàn thế giới. Phiên bản thí điểm này sẽ cung cấp một tham chiếu giá trị về cách các quốc gia khác có thể thu hẹp khoảng cách số thành thị - nông thôn ở đất nước mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.