Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Thói quen ra lệnh và ngại thay đổi

Huỳnh Dũng Thứ năm, ngày 10/06/2021 07:12 AM (GMT+7)
Theo cuộc khảo sát mới của hãng TEKSystems, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng, thay đổi cơ cấu nhân tài rộng rãi là cần thiết để chuyển đổi kỹ thuật số thành công.
Bình luận 0

Theo báo cáo mang tiêu đề "Trạng thái chuyển đổi kỹ thuật số của TEKSystems 2021", TEKSystems khuyến nghị đầu tư vào sự đa dạng và hòa nhập để giúp tạo cầu nối khắc phục sự phân chia lực lượng lao động. Theo cuộc khảo sát trực tuyến ở 430 nhà lãnh đạo kinh doanh, có 86% cho rằng, môi trường làm việc hòa nhập, văn hóa bền vững sẽ thúc đẩy quy trình chuyển đổi số hiệu quả.

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

Tuy nhiên, do bối cảnh Covid-9 mà hình thức làm việc từ xa mang lại những thách thức về lực lượng lao động, có thể cản trở quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Gần một nửa (49%) số người được hỏi cho biết duy trì văn hóa nhóm là một thách thức lâu dài của công việc từ xa.

Theo khảo sát, gần 3/4 (72%) số người được hỏi cho biết khoảng 50% lực lượng lao động của họ sẽ làm việc từ xa. Trong khi chuyển đổi kỹ thuật số bắt nguồn từ việc hỗ trợ công việc từ xa có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng các nhà lãnh đạo trước tiên sẽ phải giải quyết những khó khăn về lực lượng lao động.

Theo Franklin Reed, giám đốc điều hành tại TEKsystems, chuyển đổi số bắt nguồn từ công nghệ, nhưng nó bắt nguồn từ con người và văn hóa. Việc cho phép nhân viên mang con người thật của họ để làm việc, ngay cả trong môi trường ảo là điều bắt buộc trong công cuộc đổi mới chuyển đổi số.

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

"Con người và khả năng của họ trong việc áp dụng công nghệ mới và cách làm việc mới cho phép các tổ chức phát triển mạnh mẽ", Reed nói. "Các tổ chức có môi trường hòa nhập về cơ bản sẽ hoạt động tốt hơn thông qua các thách thức quản lý thay đổi, đi kèm với quy trình chuyển đổi kỹ thuật số phù hợp".

Sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của nhân viên cũng nằm trong những nỗ lực toàn diện. Trong khi làm việc từ xa, 38% người được hỏi cho biết cảm thấy căng thẳng, 37% khó tập trung hoặc thiếu động lực và 24% họ khẳng định không được thoải mái như tại nơi làm việc, theo báo cáo.

"Thế nên, các giám đốc điều hành phải duy trì một văn hóa làm việc dựa trên sự đồng cảm và linh hoạt" Reed nói. "Đừng cố ép buộc mọi thứ, và đừng ngại thừa nhận rằng điều gì đó không hiệu quả một khi chuyển sang thứ khác".

Bên cạnh đó, công ty tư vấn Capgemini đã đánh giá "sức nặng" của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số bằng một cuộc khảo sát đối với các giám đốc điều hành và nhân viên từ khắp nơi trên thế giới. 62% trong số những người được hỏi nhấn mạnh văn hóa doanh nghiệp là khó khăn chính mà các công ty gặp phải trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Điều này là do văn hóa doanh nghiệp phản ánh tinh thần, cách suy nghĩ và hành động, mục tiêu phát triển của công ty. Do đó, với một sự thay đổi lớn như chuyển đổi số thì cần phải có một môi trường tích cực hướng tới đổi mới để bắt rễ và phát triển. 

Nếu công tác chuyển đổi kỹ thuật số gặp phải rào cản văn hóa doanh nghiệp thì bất kỳ một nỗ lực cải cách quy trình hay công nghệ nào cũng có ít cơ hội để thành công, do không có được sự hưởng ứng và tham gia của các thành viên trong tổ chức doanh nghiệp đó.

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

Những thói quen trong văn hóa doanh nghiệp tạo rào cản chuyển đổi số 

Một số thói quen "cố hữu" trong văn hóa doanh nghiệp có thể sẽ trở thành lực cản lớn cho mọi nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số có thể kể đến như:

Thói quen "ngại thay đổi": "chuyển đổi số quá phức tạp", "Tôi không muốn mất nhiều thời gian để làm quen với công nghệ mới", "Tôi ngại thay đổi cách làm việc",... đó là một trong vô số những lý do mà nhân viên đưa ra để biện hộ cho thói quen "ngại thay đổi" của mình. Và nó cũng chính là rào cản lớn nhất ngăn chặn doanh nghiệp tiến gần hơn đến chuyển đổi kỹ thuật số trong doanh nghiệp.

Thói quen "ra lệnh": Đây là một thói quen thường gặp ở các cấp lãnh đạo. Thay vì truyền đạt lại những mong muốn và định hướng của công ty khi áp dụng quy trình chuyển đổi kỹ thuật số, đa số các nhà quản lý lại có xu hướng truyền đạt theo kiểu "mệnh lệnh", không quan tâm đến những ý kiến đóng góp, phản hồi của đồng nghiệp, nhân viên. Điều này tuyệt nhiên làm hạn chế tính dân chủ, và có thể mang lại nhiều rủi ro trong công việc vì chỉ là ý kiến chủ quan của một cá nhân.

Thói quen "đại khái": Chuyển đổi số đòi hỏi sự rành mạch và bằng chứng cụ thể song nhân viên lại thường có những báo cáo chung chung trong các buổi họp như "đang", "vẫn", "tốt"… nhưng không có con số cụ thể để chứng minh, làm rõ khiến lãnh đạo khó hình dung được tình hình thực tế của doanh nghiệp để đưa ra định hướng và chiến lược chính xác.

Thói quen "nước đến chân mới nhảy": luôn phải "chạy nước rút", đến kỳ báo cáo phải làm ngày đêm là cách làm thường thấy ở nhiều doanh nghiệp. Chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi tính liên tục, dữ liệu đầu vào có ngay khi phát sinh và không thể truy hồi nên không thể "dồn việc".

Huỳnh Dũng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem