Chuyển động Nhà nông 13/6: Giá trứng tiếp tục tăng cao, nguy cơ thiếu nguồn cung cấp

THDV Thứ hai, ngày 13/06/2022 13:29 PM (GMT+7)
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến doanh nghiệp lo ngại không tái đàn, thời gian tới có thể thiếu hụt nguồn cung trứng và làm giá tiếp tục tăng cao hơn nữa. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.
Bình luận 0

Chuyển động Nhà nông 13/6.

Giá trứng tiếp tục tăng cao, nguy cơ thiếu nguồn cung cấp

Trong khi giá trứng tại các siêu thị vẫn ở mức bình ổn thì giá trứng tại các chợ truyền thống ở TPHCM tăng mạnh. Hiện mức giá trứng đều đã vượt 40.000 đồng/chục, khiến nhiều người lao động gặp khó trong việc chi tiêu. Qua khảo sát, tại các chợ truyền thống ở TPHCM, trứng vịt và trứng gà ta có giá từ 40.000-44.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp có giá 34.000-38.000 đồng/chục. Mức giá này được xem là cao nhất kể từ đầu năm 2022. Nguyên nhân khiến giá trứng ngoài thị trường tăng là do giá xăng dầu liên tục tăng và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gấp 40%, doanh nghiệp lo ngại không tái đàn, thời gian tới có thể thiếu hụt nguồn cung trứng và làm giá tiếp tục tăng cao hơn nữa.     

 Vải thiều Bắc Giang được ưu tiên "luồng xanh" đi Trung Quốc 

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, do Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero Covid", việc xuất khẩu nông sản nói chung gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ "nút thắt" này, tỉnh đã đề nghị bộ, ngành liên quan kết nối và hiện nay đã được các cơ quan chức năng dành "luồng xanh" cho vải thiều xuất khẩu tại tỉnh Lạng Sơn. Sau khi kiểm dịch xong, vải thiều được tập kết vào một bãi riêng và có đường riêng để tạo điều kiện xuất khẩu nhanh nhất sang nước bạn. Nhờ đó, có thời điểm một ngày có hơn 100 xe nông sản thông quan qua cửa khẩu sang Trung Quốc, trong đó có hơn 70 xe là vải thiều Bắc Giang. Đến nay, toàn tỉnh tiêu thụ hơn 22.500 tấn vải thiều, trong đó hơn 11.700 tấn được xuất khẩu còn lại là thị trường nội địa. Trong tổng sản lượng được xuất khẩu thì Trung Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng cao với hơn 99%.

 Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu khởi sắc 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây với 710.371 tấn, trị giá 347,1 triệu USD, tăng mạnh 27,8% về lượng và 25,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,5% về lượng và tăng 2,5% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD, tăng 6,9% về lượng nhưng giảm 3,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gạo được cho là tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới do cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang trở lên nghiêm trọng hơn. Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục chiến lược chất lượng, gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.

5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD 

Theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do thị phần xuất khẩu rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc giảm sâu. Bộ NN&PTNT nhận định, Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách "Zero Covid" trong thời gian từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Thời gian tới, xuất khẩu rau quả nói riêng và hàng nông sản nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần chủ động khai thác các thị trường mới, tăng cường xuất khẩu tại thị trường EU và các thị trường Nhật Bản, Mỹ… đối với các loại hoa quả đã được cấp phép; đồng thời chủ động lượng rau quả để khi thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu có thể cung ứng kịp thời các đơn hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem