Chuyển động Nhà nông 21/4.
Bệnh đạo ôn cổ bông "bùng phát" tại Nam Trung Bộ
Hiện nay, lúa vụ xuân 2022 của các tỉnh Bắc Trung bộ hầu hết đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng (với hơn 217.000ha). Từ 18/3 đến 10/4, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh, gây hại trên khoảng hơn 7.000ha lúa của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Trong đó 491ha bị nặng, gần 18ha cháy lụi. Nghệ An là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.752ha; kế đó là Quảng Trị 705ha, Thừa Thiên - Huế 566ha; Quảng Bình 487ha; Hà Tĩnh 600ha, Thanh Hóa 16ha. So với cùng kỳ năm trước, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá tăng hơn 3.100ha. Tính đến ngày 18/4, bệnh đạo ôn lá có phần "hạ nhiệt" nhưng đạo ôn cổ bông bắt đầu tấn công lúa xuân với diện tích nhiễm 57ha, trong đó nặng 5ha, tập trung phần lớn ở tỉnh Quảng Trị (40ha). Để tăng hiệu quả trong công tác phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa vụ xuân 2022, thời gian qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành 2 công điện chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông. Ngoài ra, Giám đốc Sở NN-PTNT cũng thành lập các tổ công tác chuyên môn xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn bà con các giải pháp phòng trừ.
Ngư dân Ninh Thuận trúng mùa khai thác rong biển
Liên tục trong những tuần gần đây, rong xanh xuất hiện nhiều ở vùng biển thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Người dân địa phương cho hay, rong xanh là nguồn lợi tự nhiên của biển, có rất nhiều ở vùng biển Phước Dinh. Rong xanh có quanh năm nhưng mùa thu hoạch cao điểm nhất là từ tháng 3 đến tháng 6. Năm nay, rong biển bắt đầu trôi dạt vào bờ nhiều gấp hai đến ba lần những năm trước nên bà con trúng đậm. Giá bán rong tươi cho thương lái là 1.000 đồng/kg, còn rong khô có giá 4.000 đồng/kg. Sau đó, rong biển được đưa đến các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, phân bón...Nếu có sức khỏe tốt, một người đi vớt rong biển trong thời gian này có thể kiếm được từ 500.000 – 700.000 đồng/ngày. Nếu có thêm người nhà đi vớt, có thể được 1 tấn rong khô, với giá bán từ 3.500 - 4.000 đồng/kg, cho thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/ngày. Chính quyền các địa phương đang đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để bà con khai thác hợp lý, đảm bảo sinh kế, bảo vệ môi trường biển trong sạch, giảm thiểu tác hại đến môi trường sống của sinh vật biển để duy trì nguồn lợi bền vững.
Thủy, hải sản miền Tây khan hiếm, tăng giá gần gấp đôi
Hơn một tuần qua, thị trường thủy, hải sản tươi sống ở vài tỉnh miền Tây có sự biến động khi một số loại cá khan hiếm. Trong đó, cá kèo và cá khoai là đặc sản tại Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu đã trở nên hút hàng vì cung không đủ cầu. Theo người dân, ngày rằm và 16 âm lịch hàng tháng nước sông dâng cao nhưng tháng này nước kém hơn, nên ngư dân làm nghề đặt lưới đáy không thu hoạch được nhiều tôm, cá. Ngoài cá kèo, cá khoai, cua biển ở Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau cũng đang giảm số lượng. Cua tại Sóc Trăng bán với giá 650.000 đồng, cua thịt loại nhất giá 450.000 đồng/kg, loại nhì 400.000 đồng/kg. Nông dân nuôi tôm quảng canh cũng bị thiệt hại nhiều do trời mưa, nắng bất thường, lý giá tôm tăng. Theo phản ánh của người dân ấp Phước Thọ Hậu, xã Phước Long (huyện Phước Long, Bạc Liêu), một số hộ nuôi tôm sú quảng canh bị thiệt hại sau 2 tháng thả giống. Vì vậy, nhiều người sợ thua lỗ nên thu hoạch tôm kích cỡ khoảng 40 con/kg với giá 160.000 đồng.
Cả nước có 545,3 triệu cây giống để trồng rừng
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị cây giống để trồng rừng và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Đến nay, cả nước đã chuẩn bị được 545,3 triệu cây giống, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước; diện tích trồng rừng mới tập trung ước đạt 35.300ha, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 3.138,5 nghìn mét khối, tăng 3,6% so cùng kỳ; sản lượng củi khai thác ước đạt 4,7 triệu ste, tăng 0,9%.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ những dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định pháp luật; tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện quy định của Luật Lâm nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.