Chuyện dũng tướng Việt bắt sống 2 đô đốc nhà Minh

Thứ năm, ngày 14/02/2019 14:31 PM (GMT+7)
Ông là danh tướng trên chiến trường, khiến kẻ địch sợ hãi. Thậm chí, theo sử sách chép lại, chỉ cần nghe tên ông, quân Chiêm Thành lập tức quy hàng.
Bình luận 0

Lê Khôi là một trong những khai quốc công thần lớn của nhà Hậu Lê, từng theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn trong những ngày đầu gian khổ, lập được nhiều chiến công hiển hách trên chiến trường.

Quân địch tự cởi nón quy hàng

Năm 1430, Lê Khôi được trao chức Trấn thủ Hóa Châu (vùng đất từ Quảng Trị trở vào). Bấy giờ, Hóa Châu là vùng giáp Chiêm Thành, tình hình chưa thực sự yên ổn. Do đó, trấn thủ vùng này phải trao cho người thật tin cẩn, đủ uy và đức.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, vừa đến nơi, Lê Khôi đã “bãi bỏ trạm gác và sự xét hỏi nghiêm ngặt, chỉ lo đi chiêu mộ dân lưu tán về làm ăn, khuyên bảo dân chăm làm ruộng, trồng dâu, huấn luyện sĩ tốt để giữ yên bờ cõi. Ông xử việc nghiêm trang và giữ chữ tín nên được dân rất yêu kính”.

Cũng trong năm 1430, vùng Thái Nguyên có cuộc nổi loạn của Bế Khắc Thiệu. Vua vừa đem quân đi đánh, vừa triệu Lê Khôi từ Hóa Châu gấp rút tiếp ứng. Ông đã có mặt kịp thời và lập công xuất sắc, được vua trọng thưởng.

Năm 1443, triều đình phong Lê Khôi là Nhập nội Thiếu úy, sai đi Trấn thủ Nghệ An. Ngay từ khi đặt chân tới xứ Nghệ, ông đã được nhân dân nơi đây chào đón.

Sử sách chép rằng: “Sĩ phu và dân chúng vùng này đứng chật hai bên đường chào đón, đưa hai tay lên ngang trán mừng reo và nói rằng: Chúng tôi mong ông đã lâu, sao nay trời mới giáng phúc ban ơn cho chúng tôi”.

Theo sách Danh tướng Việt Nam, năm 1445, nhà Lê sai một loạt tướng lĩnh đem quân đi đánh Chiêm Thành. Lê Khôi được lệnh đem quân Nghệ An đi tiếp ứng.

Tới chiến trường, ông đem quân xông lên phía trước, phá tan trại giặc ở cửa ải, băng qua Ly Giang, đến Thị Nại (Bình Định) rồi tiến sâu vào đất Chiêm Thành. Tướng giặc biết là quân của ông, bèn bắc loa hỏi: Có phải ông Tư mã (chỉ Lê Khôi) đó không?

Ông liền cởi bỏ mũ trận ra cho chúng thấy mặt. Giặc nhận ra, liền xuống ngựa mà sụp lạy, mang sản vật đến để biếu tặng cho ông, không dám đánh nữa.

Sau trận đánh Chiêm Thành, ông trở về, dọc đường lâm bệnh nặng mất tại khu vực núi Nam Giới (gần cửa Sót ở xã Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) năm 1446. Triều đình truy tặng ông là Nhập nội Đại Hành khiển, sai quan vào tận nơi ông mất để làm lễ an táng và cúng tế. Năm 1487, ông được vua Lê phong “Chiêu Trưng Đại vương”.

Bắt sống hai đô đốc nhà Minh

Theo sách Lam Sơn thực lục, Lê Khôi là người Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông là con trai của Lê Trừ - anh trai thứ hai của Lê Lợi. Xét theo dòng tộc, Lê Khôi chính là cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột.

Đến nay, năm sinh của Lê Khôi vẫn còn chưa rõ, chỉ biết đến năm 1418, khi Lê Lợi phát lệnh khởi nghĩa, ông đã là người trưởng thành và được Lê Lợi nhận làm nghĩa sĩ.

Trong suốt hành trình của khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Khôi luôn sát cánh bên Lê Lợi, cùng chia ngọt sẻ bùi, một lòng dạ chiến đấu đánh đổ ách đô hộ của nhà Minh.

Trong trận đánh lớn ở Khả Lưu (Nghệ An) năm 1424, Lê Khôi được lệnh cầm đội quân nhỏ, đặt dưới quyền chỉ huy chung của Lê Sát và nhiều tướng lĩnh cao cấp khác, quyết trừng trị đích đáng lực lượng hung hãn của giặc đang cả gan tràn lên đánh vào Lam Sơn ở Trà Lân.

img

Khu lăng mộ và đền thờ Lê Khôi. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Lê Khôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của tướng sĩ Lam Sơn tại Khả Lưu. Ông cùng Lê Sát xông lên trước, vây đánh và phá tan quân Minh, bắt sống được đô đốc giặc là Chu Kiệt, chém tướng tiên phong Hoàng Thành.

Sau trận Khả Lưu, tên tuổi Lê Khôi nổi bật. Ông được Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy và binh sĩ dưới quyền yêu quý.

Năm 1427, Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh tại Chi Lăng - Xương Giang (Lạng Sơn). Lúc này, sau nhiều năm dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Lê Khôi cùng Phạm Vấn chỉ huy đơn vị hơn hai nghìn người. Một lần nữa, ông được lệnh làm tướng trợ thủ cho Lê Sát.

Lê Khôi đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của quân Lam Sơn trong trận bao vây tiêu diệt cuối cùng tại Xương Giang, đánh tan và bắt sống đô đốc Thôi Tụ và Hoàng Phúc cùng mấy chục nghìn tên giặc.

Nhờ những công lao nói trên, năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, Lê Khôi được ban chức Kỳ Lân Hổ vệ Thượng tướng quân, quyền Hành quân Tổng quản, hàm Nhập nội Thiếu úy, sau thăng lên hàm Tư mã, được đem Kim Phù.

Theo các tư liệu lịch sử còn lưu lại, Lê Khôi chính là danh tướng có võ công cao cường nhất trong hàng ngũ từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem