Chuyện ghi ở đảo... hứa Quan Lạn: Đắt nhất thế giới

Thứ hai, ngày 30/07/2012 06:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không làm thì đừng hứa, nhất là các vị lãnh đạo. Dân trên đảo Quan Lạn nghe quan chức hứa nhiều quá về chuyện điện mà giờ chưa có, bèn đặt cho các “quan” ở đây, ngoài đất liền vào là họ… Hứa!
Bình luận 0

Dân đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ) nói thế về giá điện mà họ phải mua. Nhất thế giới hay không thì chưa biết, nhưng đắt nhất Việt Nam, chắc đúng. Từ 15.000 đến 17.500 đồng/số là giá hiện tại.

img
Chợ Quan Lạn buổi sớm.

Dân khổ ở Quan Lạn

Khi chọn Quan Lạn làm điểm du lịch, nhiều người từng ra đó can ngăn chúng tôi: Không nên tí nào! Điện phập phù, trưa nghỉ, tối ngủ giữa đất biển đảo mà nóng chảy mồ hôi. Đêm chẳng có gì chơi. Họ nói thế. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định ra đảo bởi 2 lẽ: Muốn khám phá chốn còn được coi là hoang sơ, chưa nhuốm nhiều màu kinh doanh bát nháo; và ông chủ khách sạn Blue Ocean (Đại Dương Xanh) tên là Vinh bảo đảm thương hiệu làm ăn của mình (qua điện thoại): Quạt từ giờ này đến giờ này, máy lạnh từ giờ này đến giờ này. Các anh chị cứ yên tâm ra đi!

Từ thương cảng Vân Đồn ra Quan Lạn chạy tàu cao tốc giá vé 130.000 đồng/người, mất khoảng 45 phút.

Tôi cũng không biết có phải ông chủ giữ chữ tín kinh doanh với mọi khách như thế hay biết chúng tôi là đoàn cơ quan báo chí đi nghỉ, lại có quen đôi ông cán bộ xã này nên bảo đảm điện ổn thỏa. Chỉ có điều, lúc ngồi rỗi, bà chủ còn trẻ tên Lý than vãn: “Nếu khách không đặt ăn uống tại khách sạn, tiền phòng bọn em thu không đủ chi tiền điện. Sống ở đây khổ sở vì tiền điện”.

Giá phòng ở đây là 500.000 đồng/ngày bao gồm ăn sáng. Ăn trưa, ăn tối, giá 150.000 đồng/người. Hải sản tươi sống, rất ngon. Duy chỉ có cơm, rất hay sống. Sau hỏi ra chúng tôi được giải thích: Chủ nhà không dám nấu cơm bằng “điện mua” mà phải chạy máy phát của nhà, điện máy phát yếu nên cơm không chín tới.

Sáng trên đảo. Người dậy sớm nhất đảo này là cánh đàn bà, con gái. Họ thức từ 3-4 giờ sáng, vác mai ra bãi, nơi thủy triều vừa rút để đào bắt sá sùng - loại hải sản được coi là đặc sản đảo. Với giá sá sùng tươi hơn 200.000 đồng/kg, sùng khô 2,4 triệu đồng/kg, trung bình mỗi người kiếm 200.000 đồng cho một sáng dậy sớm. Nhưng không phải ngày nào cũng có sá sùng để mà đào.

Hầu hết các hộ dân ở đây sống dọc theo con đường (tạm gọi là phố làng) kéo dài chừng hơn 2 cây số. Giữa làng có đền thờ ghi công 3 ông họ Phạm thuộc dân đảo từng theo Phó tướng Trần Khánh Dư kịch chiến trong suốt 10 ngày vào tháng 12 năm 1287 với đoàn thuyền của quân Nguyên Trương Văn Hổ trên vịnh Bái Tử Long. Đền đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Kế bên là đình làng Quan Lạn được xây dựng từ thế kỷ 18, có nét kiến trúc giống đình làng Đình Bảng Bắc Ninh. Con đường càng về cuối làng càng hẹp dần và nhà cửa tuềnh toàng, hoang sơ hơn. Đơn giản là bởi phía đầu đường (làng) có khách du lịch ở, dân kiếm được đồng ra đồng vào.

Hứa, hứa và hứa...

Tôi tạt vào một nhóm gồm 4 người đàn ông, một phụ nữ đang chuyện gẫu bên vỉa hè. Đây là thôn Tân Phong. Cà kê không lâu lắm, câu chuyện của các chủ nhà xứ đảo hướng ngay cho khách đất liền vào đề tài nóng: Khổ vì điện.

- Cổ dân đảo chúng tôi ngóng mãi mỏi lắm rồi - Một ông nói. Trước thì có các ông bà họ Hứa về làm việc. Gần đây lại có các ông bà Mai Tí Chốc.

- Nghĩa là sao? Tôi hỏi.

- Bà vợ tôi đây cũng là họ Hứa đấy. Anh nói rồi cười khà khà nhìn vợ giọng châm chọc.

Khách sạn Đại Dương Xanh đã thực hiện đúng cam kết: Buổi trưa chạy điều hòa từ 12 giờ đến 16 giờ, buổi tối từ 21 giờ đến hết đêm. Khi thì điện lưới, khi thì máy phát của nhà.

Chị vợ anh ngồi phía trong nhà đang hóng chuyện ra, nghe nói là cán bộ thôn. Một trong những việc của chị là truyền đạt các chủ trương của cấp trên. Riêng chuyện bao giờ có điện, nhiều lần chị truyền đạt tinh thần của cấp trên cho dân trong thôn mình thế này:

Năm 2008 sẽ có… Năm 2010 là có… Năm 2012 nhất định có… Năm 2013 chắc chắn có… Yên tâm năm 2015 đi… Đại khái thế. Khổ thân chị, làm cái chức cán bộ thôn mãi ngoài đảo sao mà biết được các chuyện đại sự to thế ở đất liền.

Mỗi kỳ chuẩn bị bầu cử Quốc hội, chị được triệu tập dự các buổi có dân biểu tương lai từ đất liền ra tiếp xúc, hoặc dự buổi gặp của cấp trên tỉnh, huyện xuống làm việc xuân thu nhị kỳ. Nói xong rồi về. Chị cán bộ thôn về “mai tí chốc” lại với dân mình, thế là ông chồng chuyển vợ sang họ Hứa. Bây giờ cứ nói đến “cái thằng điện”, dân bảo cứ đi mà hỏi ông bà Mai Tí Chốc. Mai, tí, chốc là bao lâu, chịu! Ai dám nói chắc.

------------------

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem