Chính vì thế, các chuyên gia y tế đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng và các cơ quan hữu quan chung tay giúp những người đang hút thuốc lá chuyển đổi dần từ hút thuốc lá điếu sang những biện pháp ít tác hại hơn được nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng hàng chục năm nay.
Mục tiêu của việc chuyển đổi này là nhằm giảm bớt tác hại của việc hút thuốc thông qua việc hấp thụ nicotine theo cách "sạch" hơn. Từ đó hướng tới việc giảm tỷ lệ mắc bệnh cho hàng tỷ người đang hút thuốc lá trên toàn cầu, cũng như hạ thấp con số tử vong do hút thuốc lá điếu của 8 triệu người trên toàn cầu và 40.000 người tại Việt Nam hàng năm.
Giải pháp tốt nhất: Kiên trì cai thuốc lá
"Đệ nhất độc hại" trong các chủng loại thuốc lá là thuốc lá điếu. Khi đốt cháy một điếu thuốc lá, nhiệt độ có thể đạt tới 900 độ C,quá trình đốt cháy này sản sinh ra khói cùng với hơn 7000 chất và hợp chất độc hại với hàm lượng cao. Các chất hóa học này gọi chung là hợp chất có hại hoặc có tiềm năng gây hại. Điều này đã được khẳng định bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), FDA (Hoa Kỳ), PHE (Anh) cũng như các cơ quan y tế toàn cầu khác.
Chủ đề này một lần nữa được các chuyên gia y tế đầu ngành tại Việt Nam bàn thảo tại Tọa đàm "Xu hướng tiếp cận Giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam" do Báo Điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức đầu tháng 8 vừa qua.
Hơn 7.000 chất và hợp chất độc hại từ khói thuốc lá đốt cháy là nguyên nhân chính tàn phá sức khỏe người hút thuốc
Theo đó, TS.BS Đào Văn Tú - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương cũng khẳng định, độc chất sinh ra trong quá trình đốt cháy điếu thuốc lá có liên quan trực tiếp đến căn bệnh ung thư, sinh ra khoảng 15 bệnh lý này. Thực tế cho thấy, hiện nay số ca bệnh ung thư ngày càng nhiều hơn. Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân ung thư và có tiền sử hút thuốc lá hoặc đang hút thuốc lá, mặc dù các bác sĩ đều giải thích và rất quyết liệt trong các phương pháp hỗ trợ bệnh nhân để cai nghiện nhưng thực tế hơn 64% trong số đó vẫn tiếp tục tái hút.
Chính vì thế, các chuyên gia đều khuyên rằng, điều quan trọng nhất là đừng bao giờ thử hút thuốc dù dưới bất kỳ hình thức nào. Bên cạnh đó, trong việc cai nghiện thuốc lá, điều quan trọng nhất là sự kiên trì và nỗ lực cai bỏ thuốc và nicotine bằng mọi giá. "Cần nhớ rằng, dù thất bại vài lần, tái nghiện vài lần cũng không có nghĩa là thất bại hoàn toàn mà hãy tiếp tục cố gắng", Ths.BS Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh.
Cơ hội thứ hai: Giảm tác hại thuốc lá
Có thể nhận thấy, ở hầu hết các quốc gia hiện nay, các cơ quan quản lý hiện đang tích cực thúc đẩy việc xây dựng thế hệ "không khói thuốc", chẳng hạn như Anh, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản… bằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) dựa trên nguyên lý không đốt cháy, chẳng hạn như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) hay thuốc lá ngậm snus... Trong vài năm gần đây FDA Hoa Kỳ cũng cho phép một số loại thuốc lá ngậm, TLLN, TLĐT cùng với chỉ định "Giảm tác hại" hoặc "Giảm phơi nhiễm với các chất gây hại". Mục tiêu của các sản phẩm này là nhằm cung cấp thêm lựa chọn thay thế tốt hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Với những người bệnh mà vẫn không bỏ được thói quen hút thuốc lá, việc chuyển từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thay thế giảm độc hại thực sự là một lựa chọn tốt cho bệnh nhân, các chuyên gia lý giải. "Điều này hứa hẹn trong tương lai chúng ta sẽ kiểm soát được nhiều vấn đề bệnh tật bằng rất nhiều công cụ khác nhau để giảm tác hại thuốc lá", TS.BS Đào Văn Tú cho biết.
Các chuyên gia y tế đồng thuận trong việc chuyển đổi thói quen hút thuốc để giảm tác hại từ khói thuốc lá đốt cháy.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM cũng nhìn nhận, những người đang hút thuốc lá điếu, nhất là với người bệnh, nếu đã nỗ lực hết sức rồi mà vẫn không thành công, thì hãy thay đổi hành vi để giảm tác hại. Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, giảm tác hại thuốc lá đang là xu hướng của thế giới. Có rất nhiều nghiên cứu, điển hình như của Hội Tim mạch châu Âu trên tạp chí Circulation, đã chỉ ra, nếu không đốt cháy điếu thuốc lá mà thay bằng hình thức làm nóng - không đốt cháy thì hàm lượng các chất gây độc lên tim mạch, lên chức năng tiểu cầu sẽ giảm đi một cách rất đáng kể, tới 95%.
PGS Trần Văn Ngọc cũng dẫn chứng một nghiên cứu khác ở Nhật cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) và bệnh nhân tim mạch nhập viện giảm xuống ngoạn mục, với sự cải thiện đáng kể về biến chứng kể từ khi các bệnh nhân này chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng. Ông nhấn mạnh, những kết quả này đã được chứng minh từ thực tế, chứ không chỉ trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, PGS. Ngọc cho biết thêm, với người bệnh, phương án giảm thiểu tác hại chỉ có ý nghĩa khi việc chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang sản phẩm giảm tác hại được thực hiện càng sớm càng tốt.
Có thể thấy, khoa học ngày càng đứng về phía các giải pháp thay thế giảm tác hại thuốc lá. Để người hút thuốc tại Việt Nam tiếp cận được các sản phẩm giảm tác hại này thì các cơ quan hữu quan cần sớm có luật và kiểm soát ngành hàng này. Do đó, một chính sách quản lý TLTHM chặt chẽ cũng như chiến lược nâng cao trình độ quản lý là điều cấp bách nhất trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, đặc biệt là khi thị trường buôn lậu các sản phẩm này vẫn hoạt động ngày càng sôi động ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo người hút thuốc đừng vì nôn nóng tìm kiếm giải pháp giảm tác hại mà thỏa hiệp với hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc. Sản phẩm giảm tác hại, nhưng nếu đến từ nguồn hàng phi pháp không ai kiểm chứng chất lượng, thành phần hay thậm chí chứa chất cấm trá hình thì vẫn có thể gây tác động xấu đến sức khỏe người dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.