Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: "Một ánh tà dương" của nhóm Thứ Sáu đã qua đời
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: "Một ánh tà dương" của nhóm Thứ Sáu đã qua đời
An Vũ
Thứ sáu, ngày 03/06/2022 17:20 PM (GMT+7)
Vào sáng sớm nay (3/6/2022), "Một ánh tà dương" của Nhóm Thứ Sáu - chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã rời bỏ cõi trần trước sự bàng hoàng của gia đình, bè bạn.
Vào lúc 4 giờ 29 phút sáng nay (3/6/2022), chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 77 tuổi.
Ông Huỳnh Bửu Sơn (SN 1946, tại Vũng Tàu) là một chuyên gia kinh tế lỗi lạc - là một nhân chứng lịch sử khá đặc biệt - người giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn cũ. Ông còn là một trong những người tham gia đặt nền móng cải tổ hệ thống ngân hàng, đưa ngành ngân hàng Việt Nam tiệm cận với thế giới.
Thời mở cửa, có một nhóm Thứ Sáu chuyên tụ hội các chuyên gia kinh tế để thực hiện các "đơn đặt hàng" từ lãnh đạo TP.HCM cũng như cả nước về các vấn đề "kinh bang tế thế" một cách hiệu quả. Họ đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi tư duy làm kinh tế thị trường trong buổi chập chững đầu tiên sau đổi mới. Ông Huỳnh Bửu Sơn - một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu, thành viên của nhóm Thứ Sáu.
Tang lễ tổ chức tại tư gia - hẻm số 9 đường Tên Lửa, quận Bình Tân, TP.HCM.
Lễ viếng từ 11 giờ ngày 3/6. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 5/6. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Những đề án của nhóm Thứ Sáu: Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế; Đổi mới hệ thống ngân hàng; Xây dựng chính sách phát triển ngoại thương cho Việt Nam; Quy hoạch vùng để phát triển kinh tế… đã góp phần hiệu quả trong việc giúp kinh tế - xã hội ổn định lại và sẵn sàng những đường băng để cất cánh.
Ở trong nhóm đặc biệt này, ông cùng hợp sức để nghiên cứu về "Khắc phục hậu quả của chương trình Giá-Lương-Tiền" vào năm 1986, hay "Đổi mới Hệ thống Ngân hàng" vào năm 1989, rồi đến Pháp lệnh Ngân hàng với cú hích không nhỏ trong thời kỳ đổi mới.
Ông cũng là thành viên của Tổ Tư vấn (gồm 4 người) của chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Một trong những lý do khiến ông cống hiến tận lực, chính là "đặt lợi ích quốc gia, trong mọi trường hợp, đều là tối thượng, đều đứng trên mọi lợi ích khác".
Nhiều năm qua, ông đã đúc rút kinh nghiệm và trí tuệ của mình để viết nên những cuốn sách có giá trị - "Giấc mơ hóa rồng", "25 năm theo dòng kinh tế Việt Nam", gửi gắm ước mơ đất nước ngày mai sẽ hóa rồng!
Ông từng trả lời trên Dân Việt về sứ mệnh của một trí thức yêu nước: "Tôi nghĩ rằng một người tự nhận mình là người trí thức thì ít nhất phải có tư duy độc lập, trong ý nghĩa là mình suy nghĩ và hành động theo điều mình biết và tin là đúng, không vì sức ép của quyền lợi hay cường quyền mà suy nghĩ và hành động khác đi. Có thể có khái niệm người nô lệ trí thức, nhưng không thể có khái niệm người trí thức nô lệ. Trong tinh thần đó, tôi cho rằng phẩm chất hàng đầu của người trí thức là yêu tự do và tôn trọng chân lý".
Như vậy đến hôm nay, sứ mệnh của "Ánh tà dương" Huỳnh Bửu Sơn- một trí thức yêu nước đã hoàn thành!
Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng gửi thư cho nhóm Thứ Sáu: "Tôi luôn quý trọng tình cảm chân thành, thẳng thắn của anh em. Tôi cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực trong suốt hơn 15 năm qua, không phải vì tất cả những ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi. Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta. Có ý kiến cùng gặp nhau với kết quả nghiên cứu, đề xuất của những cơ quan, cá nhân khác. Nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của cả một quá trình lao động trí tuệ, công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của mỗi anh em còn không ít khó khăn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.