Tỷ lệ giải ngân vẫn thấp dù kế hoạch vốn đầu tư công giảm so với năm 2023

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 04/12/2024 10:19 AM (GMT+7)
Bộ Tài chính cho biết, tới nay mới có 93,7% kế hoạch vốn đầu tư công của ngân sách trung ương và 79,28% kế hoạch vốn địa phương vay lại đã được phân bổ.
Bình luận 0

Nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu

Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, để thúc đẩy giải ngân cả nguồn vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn đầu tư từ vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành tài chính thực hiện đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương bằng văn bản đề nghị khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024.

Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác đôn đốc giải ngân đối với 2 Bộ (Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT) và 8 địa phương (Thanh Hóa, Huế, Đắc Lắc, Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Ninh Thuận và Điện Biên) để hỗ trợ xử lý các vướng mắc về thủ tục giải ngân, thanh toán, các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

img

Tiến độ các dự án bị ảnh hưởng bởi tiến độ giải ngân. Ảnh minh hoạ.

Theo Bộ Tài chính, kế hoạch vốn được giao năm 2024 thấp hơn năm 2023, nhưng các địa phương cũng không phân bổ hết kế hoạch vốn cho các dự án (mới phân bổ được 93,7% kế hoạch vốn đầu tư công của ngân sách trung ương và 79,28% kế hoạch vốn địa phương vay lại) chủ yếu do dự án đã kết thúc, không còn nhu cầu giải ngân hoặc dự án chưa hoàn thành các thủ tục điều chỉnh nên chưa có cơ sở phân bổ kế hoạch vốn.

Về giải ngân, có 6/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, nhưng vẫn còn 5/53 địa phương vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

Tính đến ngày 30/11/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài đạt cao hơn cùng kỳ năm 2023 (30,3% so với 24,89%). Tuy nhiên, kết quả giải ngân này vẫn khá thấp so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

Theo Bộ Tài chính, các nguyên nhân trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và các ban quản lý dự án tồn tại đã lâu như vướng mắc về giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại; chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán hoặc do thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại).

Tình trạng các địa phương tiếp tục chậm giải ngân vốn vay nước ngoài còn do 22% dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, đề nghị sử dụng vốn dư.

Cần rút ngắn quy trình thủ tục

Nhằm giải quyết những tồn tại, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024.

Trong đó, Bộ Tài chính đặt mục tiêu rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn rút vốn; Trực tiếp làm việc với các ban quản lý dự án, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân; Tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Nhanh chóng thực hiện các thủ tục bổ sung kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn cấp phát cho các địa phương để hoàn thành thủ tục và đủ điều kiện được bố trí vốn bổ sung.

Về phía các địa phương và Ban quản lý dự án, cần khẩn trương trong việc lập và phân bổ kế hoạch vốn, thực hiện việc giao kế hoạch vốn và nhập Tabmis ngay sau khi được cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch vốn.

Các Ban quản lý dự án chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ để giải ngân ngay sau khi được giao bổ sung kế hoạch vốn; khẩn trương báo cáo hoàn chứng từ chi tiêu từ tài khoản tạm ứng, đảm bảo thời hạn theo quy định.

Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, ngay sau khi có phê duyệt/quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).

Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng; sớm xử lý các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem