Chuyên gia lý giải việc “giang hồ mạng” có “đất diễn”

Thuỳ Anh (thực hiện) Thứ tư, ngày 10/04/2019 06:19 AM (GMT+7)
PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, “giang hồ mạng” có “đất diễn” là vì công nghệ chi phối cuộc sống, trong khi giới trẻ luôn có xu hướng tìm tòi những điều độc đáo, dị thường, khác đời, đôi khi là lệch chuẩn.
Bình luận 0

Ông nhận xét thế nào về hiện tượng “giang hồ mạng” thu hút nhiều người trên mạng xã hội bằng những video nhảm nhí, dung tục, thậm chí khuyến khích vi phạm pháp luật nhưng nhiều người trẻ lại xem họ như là hình tượng?

- Xưa nay, chúng ta chỉ biết đến thần tượng âm nhạc, thần tượng toán học chứ ít ai ngờ rằng giờ đây một bộ phận lớn giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ ở nông thôn lại còn thần tượng giang hồ trên mạng xã hội.

Qua câu chuyện này, rõ ràng thấy thị hiếu văn hóa, năng lực cảm thụ các hình tượng văn hóa của giới trẻ chúng ta hiện nay có những sự méo mó, biến tướng nhất định. Sở dĩ những “giang hồ mạng” này có thể trở thành thần tượng của giới trẻ là bởi họ nắm bắt được tâm lý của giới trẻ rất tốt. Họ biết cách làm hình ảnh, làm truyền thông nên tạo được sự tò mò, phấn khích trong giới trẻ. Thêm vào đó cách ăn nói tục tĩu, thiếu văn hoá, có sự gần gũi với sở thích của một bộ phận người trẻ nên dễ nhận được sự đồng cảm. 

Tuy nhiên, đằng sau những câu chuyện về phông văn hoá hay việc làm truyền thông khá tốt của nhóm “giang hồ mạng” là câu chuyện thiếu sân chơi cho giới trẻ. Rõ ràng đằng sau hàng triệu lượt theo dõi, hang nghìn lượt chia sẻ like (thích) kia là sự thiếu thốn thông tin độc đáo, những sân chơi bổ ích cho giới trẻ. Đây cũng là điều khiến các em tiếp cận với những kênh văn hoá chưa chính thống, thiếu chất lượng.

img

  “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền được nhiều người trẻ “chào đón” tại Hưng Yên. ảnh: T.L

Những “thần tượng giang hồ mạng” sẽ tác động như thế nào tới thay đổi về mặt nhận thức, hành vi của giới trẻ, thưa ông?

- Những người lớn, có đủ nhận thức đều hiều rằng, những hành vi nói tục, chửi thề, đòi “xử” người khác theo kiểu giang hồ, làm kinh tế bằng cho vay nặng lãi… là những hành vi không thể chấp nhận được. Thậm chí một số hành vi trong số ấy còn là những hành vi có thể dẫn tới vi phạm pháp luật hoặc kích động làm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ theo hướng tiêu cực. Không thể phủ nhận những hành vi kiểu đánh hội đồng của 5 nữ sinh tại Hưng Yên cũng là một trong những hành vi côn đồ, được khởi phát từ việc truyền bá bạo lực và lối sống “đàn anh, đàn chị” của đám “giang hồ mạng”. Đặc biệt, hình ảnh những “giang hồ mạng” xuất hiện với tần suất dày đặc, chuyên nghiệp, gieo rắc những hành vi lệch chuẩn có tính lây lan rất nhanh khi được giới trẻ like và chia sẻ.

Vậy theo ông, cần phải làm gì để kiểm soát hiện tượng “giang hồ mạng”, tránh lây nhiễm lối sống tiêu cực cho giới trẻ?

- Theo quy luật bất cứ hiện tượng, thần tượng mạng xã hội nào rồi cũng sẽ lắng xuống khi cộng đồng mạng tìm được mục tiêu mới hơn, lạ hơn để theo dõi, thế nhưng về lâu dài điều đó cũng sẽ tác động lâu dài tới việc hình thành nhân cách của người trẻ.

Do vậy, thay vì đợi hiện tượng này lắng xuống, các cơ quan chức năng cần phải có những chế tài mạnh tay hơn với những kẻ tự xưng “giang hồ”, gieo rắc những lối sống lệch chuẩn. Bản thân người dùng mạng xã hội cần nâng cao khả năng thẩm định, chọn lựa thông tin. Trẻ em khi tham gia mạng xã hội cần phải được sự cho phép, quản lý của bố mẹ, thầy cô. Đứng trước những thông tin có hại thì cần loại bỏ, tố cáo để nhà quản lý mạng xoá bỏ. Đáng tiếc, ở Việt Nam, việc báo cáo (“report”) vẫn chưa được sử dụng hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!              

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem