Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: Hà Nội rất phù hợp trồng phượng

Tất Định Thứ sáu, ngày 08/07/2016 03:25 AM (GMT+7)
Cây phượng có ưu điểm lớn là lá nhỏ, tán mỏng nên ít chịu tác động của gió bão, hạn chế tối đa hiện tượng gãy, đổ khi có thiên tai.
Bình luận 0

img

Việc Hà Nội trồng phượng đại trà trên các dải phân cách vấp phải nhiều ý kiến trái chiều

Thời gian gần đây, dọc các tuyến phố ở Hà Nội như Láng Hạ, Hoàng Cầu, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Ô Chợ Dừa… những hàng phượng vĩ mọc lên san sát. Việc trồng đại trà giống cây này giữa dải phân cách khiến dư luận quan tâm.

Một số ý kiến cho rằng, việc trồng phượng đại trà trên dải phân cách không phù hợp. Bởi phượng thân giòn, dễ gãy, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hơn thế nữa, với diện tích nhỏ hẹp như dải phân cách, cây sẽ sinh trưởng chậm.

Theo TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng, việc quy hoạch cây xanh đô thị, bên cạnh yếu tố kỹ thuật cần phải dựa vào các tiêu chí khác như cảnh quan, ý nghĩa văn hóa…

“Trồng cây đô thị không đơn giản là khoác đồng phục cho cả tuyến phố một loại cây thuần nhất. Như hoa sữa, một biểu tượng của Hà Nội, nhưng trồng cả tuyến phố thì người ta không thể chịu được mùi hương nồng nặc.

Trồng phượng như vậy, nếu sâu bệnh sẽ cùng chung một loại. Phối cảnh của đường phố sẽ đẹp hơn khi sắp xếp hài hòa màu sắc cây hoa”, TS Hùng nói.

Ông Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia sinh học cho rằng sau đợt giông lốc lịch sử năm 2015 khiến cây cối gẫy đổ hàng loạt ở Hà Nội, nhiều người đã nhầm lẫn giữa cây lim xẹt, còn gọi là cây muồng với phượng vĩ do có lá nhỏ, bầu giống nhau và hình dáng tương tự.

img

Từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã trồng phượng vĩ trên các dải phân cách giữa của một số tuyến đường của Hà Nội. Ảnh minh họa

“Có thể nhiều người đã nhầm lẫn. Lim xẹt đúng là một loại cây thân yếu, cành giòn, dễ gãy đổ. Còn phượng vĩ rất bền, dẻo dai, tán lan đến đâu, rễ lan đến đấy nên cây rất chắc chắn, hạn chế tối đa gãy đổ.

Từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã trồng phượng vĩ trên các dải phân cách giữa của một số tuyến đường của Hà Nội như: Kim Mã, Giảng Võ, Nguyễn Tri Phương… Lá phượng nhỏ, khi mưa dễ dàng trôi, không làm tắc cống nên được các kỹ sư công chánh xưa lựa chọn trồng”, ông Hùng cho hay.

Chuyên gia sinh học này giải thích thêm, cây phượng có ưu điểm lớn là lá nhỏ, tán mỏng nên ít chịu tác động của gió bão, hạn chế tối đa hiện tượng gãy, đổ khi có thiên tai.

Bên cạnh đó, phượng là loại cây thấp, trồng trên dải phân cách giữa sẽ không cao hơn hàng cây 2 bên đường, đảm bảo cân đối cấu trúc cảnh quan.

Trước ý kiến cho rằng, Hà Nội “lười suy nghĩ” trong việc trồng cây, cả Thủ đô rợp màu đỏ hoa phượng khi hè về sẽ gây cảm giác “ngột ngạt”, nóng bức hơn, ông Hùng bày tỏ:

“Tôi thấy Hà Nội trồng phượng đẹp đấy chứ! Hoa phượng đi vào thi ca, gắn bó với tuổi học trò. Phượng còn là biểu tượng của cả thành phố như Hải Phòng. Ở Bình Thuận, Nha Trang gió biển mạnh như thế vẫn trồng được. Tôi nghĩ phượng rất phù hợp để làm cây đô thị ở Hà Nội”. 

Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội khẳng định việc trồng phượng đại trà trên dải phân cách vẫn “đúng quy trình, kỹ thuật”. Độ sâu mỗi hố trồng ít nhất 1m, khoảng cách giữa các cây là 6-7 mét. Những cọc cố định cây khiến khi nhìn có cảm giác mật độ dày, nhưng thực tế, mật độ cây vẫn đảm bảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem