Ông Hidehiro Irisawa được ông Kojima và Liên đoàn bóng chuyền Nhật Bản giới thiệu cho Tổng cục TDTT thông qua một bản thỏa thuận. Việc hợp tác giữa ông Irisawa với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) chỉ được công nhận và trả lương chính thức nếu chuyên gia này hoàn tất thủ tục để được Tổng cục TDTT ký hợp đồng.
Sự chia tay của chuyên gia Hidehiro Irisawa là điều không mong muốn khi các giải đấu đang tới gần.
Về giấy tờ phủ tục này bao gồm những gì? Đó là lý lịch tư pháp để xác nhận công dân không vi phạm pháp luật tại Nhật Bản ban đầu ông Irisawa không có nhưng sau một thời gian đã bổ túc được. Ông Irisawa có bằng đại học nhưng không thuộc chuyên ngành TDTT nên cần phải có chứng chỉ hành nghề HLV được Liên đoàn bóng chuyền Nhật Bản công nhận và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hợp thức hóa. Khi đã có những giấy tờ này thì ngày 23.6 ông Irisawa gửi email cho Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam nói rằng, nếu đến 30.6 không có hợp đồng thì ông sẽ nghỉ việc. Thế nhưng mới đến ngày 25.6, khi VFV đã làm việc với Cục việc làm (Bộ LĐ-TBXH) và làm sẵn hợp đồng chờ ông Irisawa ký thì ông ấy điện thoại đến xin nghỉ".
"Vì vướng mắc này nên chúng tôi đang nỗ lực tác động các bên liên quan để hoàn thành thủ tục ký hợp đồng với ông ấy. Liên đoàn nói với ông Irisawa là chúng tôi sẵn sàng ứng lương cho ông ấy dù chưa ký hợp đồng và hãy cho chúng tôi thời gian để hoàn thành giấy tờ. Tuy nhiên, ông Irisawa nói nếu cuối tháng 6 mà ông ấy vẫn chưa ký được hợp đồng thì ông ấy sẽ nghỉ việc" - ông Lê Trí Trường cho biết.
Trong thời gian hơn 2 tháng làm việc tại Việt Nam, ông Hidehiro Irisawa cũng được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam hỗ trợ một cách tối đa, tiền lương dù chưa ký hợp đồng nhưng có thể ứng trước, ngay cả việc ông không muốn ở trong Trung tâm HLTTQG Hà Nội cũng được VFV thuê riêng một căn hộ gần đó hay có taxi riêng đưa đón mỗi ngày.
Các chuyên gia bóng chuyền trong nước trong nhiều cuộc họp đã phát biểu rằng, nếu chỉ hướng vào mục tiêu Đông Nam Á, SEA Games thì HLV trong nước đều có thể làm được. Còn nếu thuê chuyên gia nước ngoài phải đề ra chỉ tiêu cao hơn thì mới xứng để mời về. Trước đây, chúng ta chủ yếu thuê chuyên gia Trung Quốc cho tuyển nữ. Người thành công có, người thất bại không ít nhưng chưa ai hiệu quả về làm đào tạo trẻ. Năm 2016, VFV đã thuê chuyên gia Shuto Koichi (Nhật Bản) về huấn luyện VĐV trẻ nhưng đôi bên lại sớm chia tay.
Hẳn nhiên, VTV Cup đang đến gần, SEA Games sắp tới mà chuyên gia chủ động thôi việc là điều không ai muốn nhất là khi nó còn liên quan đến mối quan hệ giữa Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Liên đoàn Bóng chuyền Nhật Bản. Nhìn những sự thay đổi tích cực trong thời gian gần đây, VFV đã đặt lộ trình phát triển dài hơi về bóng chuyền nữ trẻ Việt Nam. Ông Hidehiro Irisawa đã vạch lộ trình đào tạo, phát triển VĐV trẻ khi tới làm việc cùng VFV. Đích tới là đấu trường tại châu Á chứ không chỉ Đông Nam Á. Đường đi còn quá dài nhưng mối lương duyên lại ngắn ngủi. Sau hơn 2 tháng ở Việt Nam làm việc, chuyên gia đã một đi không trở lại.
Chuyên gia người Nhật Bản có hơn 2 tháng làm việc tại Việt Nam và thành tích giành được chính là cùng đội U23 trẻ nữ Việt Nam đoạt HCĐ trong giải vô địch U23 nữ châu Á 2017. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, tại giải đấu đó 1 tuần chưa đủ để chuyên gia Hidehiro Irisawa biến các VĐV Việt Nam từ 0 thành có, bên cạnh đó thành tích HCĐ châu Á giành được là may mắn, nhất là khi Hàn Quốc và Trung Quốc không đăng ký tham dự giải đấu này.
Chuyên gia bỏ việc, bóng chuyền nữ trẻ Việt Nam lại “mất trắng” một năm chuẩn bị do lúc này nhà quản lý dồn toàn lực cho SEA Games 2017. Hết SEA Games 2017 là thời gian tới tháng 9, năm 2017 chỉ còn 3 tháng sẽ khép lại . Các nhóm tuổi U18, U19, U23 nữ thì tạm mất chiến lược gia định hướng lâu dài.
Huy Quang (Volleyball)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.