Chuyên gia tiết lộ ngành học hấp dẫn, nhiều việc làm và thu nhập "khủng" sau khi ra trường
Chuyên gia tiết lộ ngành học hấp dẫn, nhiều việc làm và thu nhập "khủng" sau khi ra trường
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 29/07/2022 15:36 PM (GMT+7)
Ngành học nào hấp dẫn, tạo nhiều cơ hội việc làm cũng như đem lại thu nhập hấp dẫn cho người lao động trong tương lai đang là câu hỏi của nhiều bạn thí sinh trong thời gian đặt nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022.
Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần. Đây cũng là giai đoạn các thí sinh băn khoăn không biết nên lựa chọn ngành học nào phù hợp, là xu hướng và cơ hội việc làm sau này tốt.
Trong buổi tư vấn tuyển sinh 2022: "Thí sinh cần làm gì để tăng cơ hội trúng tuyển?", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Sau khi quan sát, tổng kết sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và tôi dự đoán nhu cầu nhân lực của xã hội trong giai đoạn 2020-2030, Top 5 ngành nghề có triển vọng trong tương lai tại Việt Nam là:
1. Các ngành Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo (AI)
2. Ngành Truyền thông - Marketing
3. Các ngành khối Sức khỏe (Y - Dược)
4. Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng
5. Các ngành Công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới
Và như tôi đã từng một số lần phát biểu: Các ngành kỹ thuật-công nghệ hiện nay đang là thời thượng, cơ hội và vị trí việc làm trong và ngoài nước rất tốt.
Quan sát cho thấy trong 5 năm trở lại đây, với một số lĩnh vực, như cơ điện tử, CNTT… các em ra trường là có việc làm ngay, có những em còn tìm được việc từ năm thứ 3 đại học.
Thậm chí, có em không muốn tốt nghiệp đại học nữa vì nhiều doanh nghiệp chỉ đánh giá năng lực, không quan trọng chuyện bằng cấp. Hay như với mọi ngành nghề, ngoại ngữ cũng là một kỹ năng quan trọng để phát triển nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, khi vào đại học, các em phải lựa chọn ngành nghề theo năng lực. Trong môi trường đại học, các em không chỉ học kiến thức mà còn các kỹ năng và phương pháp luận. Thứ ba, vào đại học chỉ là một phần, cuộc đời còn là sự nỗ lực không ngừng".
Liên quan đến ngành học "hot", GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi cho biết: "Gần đây, trong bối cảnh bùng nổ của CNTT và cuộc cách mạng 4.0, các ngành liên quan đến kỹ thuật công nghệ, các ngành như Robot thông minh, các ngành điện tử, kinh tế… đều rất thu hút thí sinh.
Ở Trường ĐH Thủy Lợi, các ngành nghề liên quan đến kỹ thuật công nghệ đang rất thu hút. Tôi cho rằng, quan niệm ngành "hot" hay không không quan trọng, quan trọng là các ngành đó khi ra trường có dễ tìm được việc làm hay không.
Những ngành dễ tìm được việc làm, lương cao thì cả xã hội đều mong muốn. Đặc biệt, sau Đề án 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", cộng với Đề án của Bộ KHCN, học sinh vào trường không những học kiến thức mà còn phải trau dồi các kỹ năng mềm.
Vì vậy, ngành "hot" là một chuyện còn quan trọng là năng lực mà các trường đại học đó mang đến cho các em như thế nào".
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ, Bộ LĐTBXH chia sẻ: "Đây là một vấn đề đã đang được người học quan tâm, học cái gì để sau này thành đạt, đó là quá trình nhận thức mới và phát triển. Trường chúng tôi đào tạo 3 nhóm ngành: Kỹ thuật, Công nghệ và Dịch vụ. Các trường phải đi theo nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp, nên các nghề phải tiếp tục tiếp cận để khi sinh viên ra trường là được doanh nghiệp tiếp nhận chứ không thể đào tạo một cách hàn lâm.
Tất cả ngành nghề mà nhà trường đào tạo đều là nghề xã hội đang cần. Ở đây có một số nghề xã hội rất cần, lương cao nhưng người học gần như ít quan tâm, vì họ cho rằng đó là những nghề nặng nhọc và độc hại. Ví dụ nghề Cơ khí chế tạo, bây giờ toàn là ngồi phòng lạnh bấm nút, máy CNC làm việc nhưng sinh viên vẫn thích những nghề Dịch vụ hay CNTT, còn những nghề công nghiệp gốc thì họ lại ngại.
Bây giờ chọn ngành nào "hot" hay thu nhập cao, thì chúng tôi khuyên cơ bản là chúng ta phải có hiểu biết về bản thân, năng lực và sở trường mình, mình theo được ngành Kỹ thuật, Công nghệ hay Dịch vụ, mình phải đam mê yêu nghề thì mới thành nghề. Còn nếu cứ lướt sóng theo xã hội, hôm nay vào Kinh tế, sau lại nhảy sang Kỹ thuật thì rất khó khăn, nên phải xác định được con đường đi phù hợp cho mình thì mới hiệu quả".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.