Chuyện học, chuyện nhà của gia đình có 9 người con

Tố Loan - Nguyễn Luyên Chủ nhật, ngày 01/09/2019 05:18 AM (GMT+7)
Cả đời chịu cơ cực vì nghèo khó và không biết chữ nên mong muốn lớn nhất của cụ Phạm Ngọc Khê (xóm 8, thôn Vũ Lao, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là cho con cháu học hành tử tế. Câu chuyện giản dị của gia đình cụ có thể truyền cảm hứng về sự gắn kết và yêu thương cho rất nhiều người.
Bình luận 0

Nghèo mấy cũng gắng cho con đi học

Vợ chồng cụ Khê cưới nhau khi mới 15-17 tuổi; đến khi 40 tuổi, hai cụ có 9 người người con. Điều đầu tiên khiến bất cứ ai biết gia đình cụ đều phải thán phục, đó là tinh thần hiếu học.

img

  Vợ chồng cụ Khê (ngồi hàng đầu) chụp ảnh cùng mẹ đẻ cụ Khê (giữa) và các con, cháu, chắt của cụ năm 2009.  Ảnh:  T.L.G.Đ

Cả 9 người con của hai cụ đều được học hết cấp 3, trong đó có 6 người đã tốt nghiệp đại học. Cụ tâm sự: “Cả 2 vợ chồng tôi đều con nhà nghèo, thời còn trẻ thì đói khổ, cái ăn còn không có nói gì đến chuyện học hành. Tôi thấm thía cảnh mù chữ nó khổ, nhục đến nhường nào. Vì thế nhà nghèo đến mấy tôi cũng cố gắng cho các con theo học đàng hoàng”.

Với một gia đình đông con như nhà cụ Khê, để việc học của các con được tròn trĩnh, không bị đứt gánh là cả sự cố gắng lớn. Khi được hỏi về quãng thời gian phải gồng mình nuôi cả đàn con “trứng gà trứng vịt” như nhau, hai cụ nhìn nhau và cười. Cụ Khê bảo: “Thực ra lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình sẽ cho các con đi học để chúng không mù chữ giống mình, chứ có nghĩ được gì nhiều đâu. Mà khó khăn thì thời điểm đó cả xã hội đều khó, đâu riêng gì mình, nhà có gì ăn nấy, rau cháo thì cũng qua ngày”.

Nói vậy, nhưng theo lời các con của cụ thì có những năm 2 ông bà phải bán hơn nửa số thóc được chia để có thể mua sách vở cho các con. “Đủ gạo thì ăn cơm, không đủ thì nhường cơm cho con còn bố mẹ ăn cháo” - cụ bà Tống Thị Mận nhớ lại, và cho hay: “Rau cỏ khi đó cũng không trồng được nhiều, có hôm thiếu rau phải ăn cả rau dừa, cỏ bợ...”.

Đáng quý ở chỗ, nhà khó khăn nhưng ông bà luôn cố gắng thu vén để lo đủ cho con chứ không bao giờ phải đi vay nợ để trang trải. Chính điều này đã khiến các con cháu, ông bà đều chăm chỉ lao động và trân trọng giá trị của đồng tiền mà mình làm ra.

img

Vợ chồng cụ Phạm Ngọc Khê. Ảnh:  Tố Loan

Lo cái ăn cái mặc cho 9 người con đã là nỗ lực lớn, nhưng vợ chồng cụ Khê còn tạo nên một “kỳ tích” khác, mà cho đến giờ khi nhắc lại các con cháu của cụ vẫn phải gật gù công nhận: Ông bà mình quá giỏi. Đó là cụ lo đủ cho cả 9 người con mỗi người một chiếc xe đạp để có thể theo học hết cấp 3.

Chuyện là ngày đó, học sinh muốn học lên cấp 3 đều phải lên trường huyện, cách nhà gần chục cây số. Nhiều gia đình trong vùng vì không có điều kiện đã cho con nghỉ học. Theo cụ Khê, thời điểm đó học hết cấp 2 cũng oách lắm rồi, vì cả xã hội đều tập trung lo sản xuất để có cái ăn, cái mặc; mấy gia đình chú tâm đến việc cho con học cao đâu, chỉ cần biết chữ là tốt lắm rồi. “Ngay cả bản thân tôi khi đó cũng bàn với bà nhà tôi làm thế nào để lo cho chúng nó có xe đi học, chứ nếu chỉ vì nhà xa mà để các con bỏ học thì đúng là tôi không đành lòng” - cụ Khê tâm sự.

Thế là cụ bắt đầu tích cóp để có xe đạp cho các con. Ban đầu là mua bộ khung, rồi lại dành dụm mua thêm ghi-đông, vành,  lốp, săm… Lo được cho đứa lớn xong lại tiếp tục tích cóp cho đứa nhỏ. Cứ thế, 9 người con của cụ, ai đi học cấp 3 cũng được bố mẹ lo cho cái xe đạp. “Nhiều người đến nhà cứ nghĩ chúng tôi giàu lắm, nhà thì vách đất, cái ăn không có nhưng xe đạp xếp thành hàng, nào có biết bố chúng nó phải nhặt nhạnh từng bộ phận của xe, cái nào không xin được lại tiết kiệm tiền mua dần” - cụ Mận kể lại.

Sống giữa yêu thương

Sau này, chính các con của cụ, khi muốn động viên con cái của mình học hành, đều kể lại câu chuyện về 9 cái xe đạp như một minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng và phấn đấu của ông bà; rằng có thể nghèo, có thể đói, có thể ở nhà tranh vách đất, nhưng sự học thì không thể xem thường.

Nói về bố mình, anh Phạm Ngọc Đoàn - con trai cả của cụ Khê cho hay: “Bố tôi từ trẻ cho đến lúc tuổi đã cao, đều nỗ lực tự học và tự mình giải quyết mọi khó khăn, không bao giờ bỏ cuộc. Cụ rất yêu quý và thần tượng Bác Hồ, cụ Võ Nguyên Giáp. Mọi việc trong cuộc sống, cụ đều áp dụng tư tưởng của Bác để răn dạy con cháu”.

Chỉ tay vào 2 bức ảnh Bác Hồ và bác Giáp treo trang trọng trong phòng khách, cụ Khê nói: “Đây là quà tặng của cháu rể tôi đấy. Thú thật, khi nó mang về, tôi xúc động lắm. Nó tặng nghĩa là nó hiểu chuyện, hiểu tâm tư của mình, điều đó đáng quý hơn ngàn lời răn dạy”.

Cứ con cháu nào được kết nạp vào Đảng, cụ Khê mừng lắm, nhưng luôn luôn hỏi một câu: “Vào Đảng thì tốt rồi, nhưng đã hiểu gì về Đảng chưa mà vào?”. Cũng may, con cháu cụ phần vì hiểu cha, hiểu ông; phần đều tiếp nhận được tư tưởng nghiêm túc của ông Khê, nên đều phấn đấu và tu dưỡng “để ông không bao giờ phải nhận điều tiếng gì về con cháu” - anh Ngọc Đoàn chia sẻ.

Với Đảng thì kiên trung, với con cái thì nghiêm khắc, nhưng cụ Khê - qua lời kể của cụ bà Tống Thị Mận - là người rất điềm đạm và gương mẫu. “Ngay từ trẻ, ông ấy đã không bao giờ rượu chè, cờ bạc gì cả. Không khi nào để vợ con phàn nàn một câu. Đi làm xong là về nhà, không có chuyện la cà, tụ tập bạn bè gì hết. Và cũng không bao giờ quát vợ hay buông lời nặng nề với con cháu. Hơn 70 năm sống với nhau, tôi chưa một lần bị ông ấy mắng chửi”.

Bản thân cụ Khê cũng thừa nhận mình là người kiềm chế rất tốt: “Cơm nước thì tôi còn nấu ngon hơn bà nhà tôi, nhưng nếu bà ấy nấu không đúng ý, tôi cũng chẳng bao giờ phàn nàn. Có chuyện gì bất đồng quan điểm thì tôi ra ngoài đi chơi một lúc, về là huề. Vợ chồng tôi không giận nhau bao giờ”.

Sau này, chính các con của cụ, khi muốn động viên con cái của mình học hành, đều kể lại câu chuyện về 9 cái xe đạp như một minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng và phấn đấu của ông bà; rằng có thể nghèo, có thể đói, có thể ở nhà tranh vách đất, nhưng sự học thì không thể xem thường.

Đến nay, cả 9 người con của cụ đều thành đạt. Sự thành đạt không đo đếm bằng chức vụ hay tiền bạc, mà đo bằng sự gắn kết, yêu thương trong cả một gia đình lớn. Anh Phạm Ngọc Đoàn từ chối nói về những thành công của các thành viên trong gia đình, chỉ tâm sự: “Đến nay cụ vẫn động viên các con cháu rèn luyện đạo đức, cố gắng vượt mọi khó khăn để học tập, công tác tốt, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Gia đình chúng tôi rất bình thường, không có gì để khoe khoang cả. Chỉ mong các cụ sống lâu trăm tuổi, vui cùng con cháu”.

Còn chúng tôi lại bị thuyết phục bởi những điều giản đơn, bình thường đó; những điều mà bất cứ gia đình nào cũng có thể dựng xây, nhưng muốn bền vững lại không dễ dàng. Nhất là giữa bối cảnh nhiều giá trị văn hóa, giá trị đạo đức xã hội đang lung lay, thì chính những điều tưởng như quá đỗi bình thường trong mỗi gia đình lại là nền tảng giáo dục vững vàng nhất, hình thành nhân cách mỗi con người.

Cụ ông Phạm Ngọc Khê và cụ bà Tống Thị Mận có 9 người con (4 trai, 5 gái), trong đó 6 người tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định; và 22 cháu, 6 chắt. Các cháu của cụ đã có 16 người tốt nghiệp đại học và trên đại học. Ngày còn trẻ, cụ Phạm Ngọc Khê tham gia đội du kích ở địa phương và được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem