Chuyện hy hữu: Tìm chồng cho người yêu cũ

Chủ nhật, ngày 02/10/2016 13:00 PM (GMT+7)
Nhận giấy báo lên đường nhập ngũ, chàng trai Đinh Văn Tiến (SN 1991, ở làng Cà Bưng, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đành hứa hẹn với người thương khi ra quân sẽ làm đám cưới. Tuy nhiên, vừa ra quân được mấy ngày, một cô gái bụng mang dạ chửa tìm đến nhà đòi Tiến làm chồng. Để giải quyết tình huống oái oăm này, Tiến đã phải tìm một chàng rể khác để “đền” cho người yêu cũ của mình.
Bình luận 0

img

Chị Nhung kể lại chuyện tình duyên một thời trắc trở của mình.

Thề hẹn trước ngày nhập ngũ

Theo chỉ dẫn của già làng Đinh Văn Mài, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Văn Trình (SN 1965, cha anh Tiến) để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện. Theo ông Trình, Tiến là con trai thứ 3 trong số 7 người con của ông. Dù gia cảnh nghèo khó, nhưng vợ chồng ông cũng cho con cái học đến hết lớp 9. Ông Trình cho biết: “So với đám trai trong làng, thằng Tiến là người học được nhiều thứ chữ nhất. Đến tuổi cập kê, nó có người yêu nên vợ chồng tôi rất mừng. Nào ngờ đâu, chuyện tình cảm của nó lại không như ý muốn. Nói gì thì nói, lỗi ở đây là do nó, do vợ chồng tôi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người yêu của Tiến là chị Đinh Thị Nhung (SN 1993, ở làng Cà Bưng). Nhung là con gái út của một gia đình cũng nghèo như nhà Tiến. Tháng 9.2012, tình cảm đôi lứa giữa Tiến và Nhung đang nồng thắm và đã tính đến chuyện cưới hỏi thì Tiến nhận được giấy triệu tập đi nghĩa vụ quân sự, đóng quân ở Gia Lai, cách nhà hàng trăm cây số. Trước tình huống này, Nhung đã bảo Tiến hoàn thành xong nghĩa vụ rồi về làm đám cưới sau và Tiến đã nghe lời người thương.

Trước khi Tiến đi, gia đình hai bên đã tổ chức tiệc rượu, cam kết chờ khi Tiến về sẽ tổ chức đám cưới cho Tiến và Nhung.

Bắt đền một chàng rể

Thấm thoát hai mùa rẫy qua đi, Tiến xuất ngũ trở về làng. Ngày Tiến về, Nhung mừng rỡ ra đón. “Không mừng sao được khi hai mùa rẫy mình mòn mỏi chờ đợi. Ấy thế mà mình chẳng hiểu sao Tiến chẳng được vui, cái mặt cứ buồn buồn. Mình nói gì, hỏi gì, Tiến cũng chỉ ậm ừ. Mình thấy lạ lắm, nhưng nghĩ lại là do Tiến mới đi xa về còn mệt nên không gặng hỏi”, Nhung tâm sự.

Theo lời ông Trình, vừa về đến nhà, Tiến liền hỏi gia đình có ai đến tìm mình không. Thấy con trai có vẻ lo lắng chuyện gì đó nên ông Trình gặng hỏi. “Biết giấu mãi cũng không được nên thằng Tiến mới nói ra sự thật. Chuyện là trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự ở Gia Lai, nó có tình cảm với một cô gái người Ja Rai nhà ở gần đơn vị. Lúc nó ra quân thì cô gái đã có bầu được mấy tháng. Tôi nghe đến đó thì tức điên lên vì rượu cũng đã uống với nhà con Nhung rồi, bây giờ làm sao mà nói chuyện được”, ông Trình kể.

Đúng như dự tính của Tiến, 3 ngày sau, có hai cha con, trong đó cô con gái bụng mang dạ chửa, tìm đến nhà. Tiến thấy cái bụng người thương to chềnh ềnh, vừa thương lại vừa sợ vì biết rằng cô gái đó lặn lội đi tìm là nhất quyết bắt mình về làm chồng. Ông Trình cho biết: “Ngày hôm ấy, con Nhung cũng biết chuyện, nó tức giận lắm. Vợ chồng tôi phải qua nhà động viên nó, vì từ lâu chúng tôi đã xem nó như con dâu trong nhà. Nó biết thằng Tiến thay lòng đổi dạ nhưng cũng đành chấp nhận sự thật, bởi cô gái người Ja Rai đã có bầu, thằng Tiến đâu thể vô trách nhiệm được”.

Theo tục lệ của làng, chuyện Tiến bội bạc Nhung để đến với người khác là có tội, phải đem ra phân xử. Ngày hôm sau, già làng Đinh Văn Mài họp dân làng để phân xử. Sau khi nghe những lời trình bày của Tiến và Nhung, già Mài tuyên: “Thằng Tiến hứa là sẽ lấy con Nhung mà giờ không lấy được nữa, tội nó nặng lắm. Cứ theo lệ làng, muốn bỏ cái hôn ước này thì Tiến phải chịu phạt 1 con heo, 5 ché rượu cần để thiết đãi dân làng. Đồng thời, thằng Tiến phải đền bù danh dự cho con Nhung, cái này con Nhung được phép yêu cầu theo ý mình”.

Nghe già làng tuyên xử, mọi người đều thấy hợp tình hợp lý, chỉ tội nghiệp cho Nhung, bởi nỗi đau của sự phản bội thì yêu cầu nào cũng chẳng thể bù đắp được. Trong khi Nhung đang buồn bã thì cha Nhung liền bảo với già làng yêu cầu Tiến đền cho ông một chàng rể khác, cái bụng phải tốt hơn Tiến, suốt đời không được bội bạc con gái ông. Tiến đã chấp nhận yêu cầu này để có trách nhiệm với Nhung cũng như có trách nhiệm với người vợ sắp cưới của mình.

img

Ông Trình nói về hai mối tình của con trai mình. Hạnh phúc nở muộn

Theo ông Trình, vì bụng bầu người thương của Tiến đã lớn nên đám cưới phải được tổ chức sớm. Do vậy, gia đình ông một lần nữa đến nhà Nhung xin phép được tổ chức đám cưới cho Tiến trước, sau đó Tiến sẽ tìm một chàng trai khác cho Nhung. Nhung cho biết: “Mình cũng không muốn như vậy đâu, nhưng cha mình đã nói ra rồi nên mình cũng chịu. Tuy nhiên, mình cũng đồng ý để cho Tiến cưới trước, việc của mình cứ từ từ, chứ mình cũng chẳng có tâm trạng đâu để đến với người khác lúc đó”.

Được sự đồng ý của Nhung, gia đình Tiến đã lên Gia Lai để làm đám cưới. Sau đó vài hôm, nhà gái lại về Bình Định làm lễ cưới hỏi tại nhà trai. Ngày mở tiệc, Tiến mời Nhung đến dự để chia vui cùng với gia đình. Dù chịu nhiều thiệt thòi và điều tiếng, Nhung vẫn gạt nỗi buồn để đến uống rượu, chúc phúc cho vợ chồng Tiến. “Có lẽ tụi mình có duyên mà không có phận, giờ có trách móc thì mọi chuyện cũng đã rồi. Mình đến chúc mừng để Tiến yên tâm mà làm tròn trách nhiệm với người ta, không vướng bận gì đến mình nữa”, Nhung cho biết.

Sau ngày cưới vợ hơn 2 tháng, Tiến cũng tìm được chàng trai theo ý cha Nhung. Chàng trai ấy là người họ hàng của vợ Tiến ở Gia Lai. Lúc đầu, Nhung cũng chưa chấp nhận, nhưng rồi thấy chàng trai tốt bụng, mình cũng đã quá tuổi lấy chồng nên gật đầu đồng ý. Ngày Nhung bắt chồng, vợ chồng Tiến đã đến chung vui, chúc phúc cho vợ chồng Nhung.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi cưới nhau, chồng Nhung về ở rể và đến nay đã sinh được đứa con đầu lòng. Cuộc sống dù còn khó khăn nhưng rất hạnh phúc. Nhung tâm sự: “Dù mối tình đầu của mình dang dở, nhưng giờ mình thấy rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Có chồng giỏi giang, thương yêu mình và có đứa con là mình vui rồi. Bây giờ, tình bạn giữa mình và Tiến vẫn tốt đẹp, mỗi lần vợ chồng Tiến về đây, hay vợ chồng mình lên Gia Lai đều gặp nhau nói chuyện”.

Theo luật lệ của người Ja Rai, sau đám cưới, Tiến phải về Gia Lai ở rể. Không lâu sau đó, hai vợ chồng sinh được cô con gái. Ông Trình cho biết: “Vợ chồng thằng Tiến ở trên đó cũng đi làm rừng làm rẫy, do trồng được cây cà phê, cây tiêu nên sống khá hơn dưới này. Năm nào, nó cũng đưa vợ con về thăm quê. Dù trước đây nó gặp trở ngại trong tình yêu, nhưng giờ nhìn nó có cuộc sống như thế, tôi cũng mừng lắm. Tôi cũng thấy ấm lòng khi con Nhung cũng có mái ấm gia đình trọn vẹn”.

Phố Nhơn (Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem