Cây sanh cổ thụ bản Suối Cốc hiện nay chỉ còn khoảng 35-40 gốc
Liên tiếp xuất hiện những kẻ lạ mặt
Năm 2012, sau khi cây sanh cổ thụ ở đầu làng được công nhận Cây di sản Việt Nam, người dân bản Suối Cốc (xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) coi cây như “báu vật” của làng. Họ đưa cây sanh vào hương ước của làng, xã để cùng nhau bảo vệ, hằng ngày cắt cử người để mắt tới cây sanh.
Ông Đinh Văn Bình - Trưởng thôn Suối Cốc cho hay: “Tôi là người được chính quyền giao cho nhiệm vụ trông coi cây sanh cổ thụ ấy. Thế nhưng, hầu như cả làng, ai cũng có tinh thần và trách nhiệm bảo vệ cây vì họ rất quý trọng cây”.
Theo ông Bình, trước kia, cây có hơn 100 gốc. Thế nhưng, trải qua biến cố của thời gian, đến hiện tại, cây chỉ còn khoảng 35-40 gốc.
Ông kể, trước kia, hồi còn chiến tranh, nhiều người chặt cành, rễ sanh mang làm củi bán lấy tiền đong gạo. Có thời gian thì “sanh tặc” lộng hành nên nhiều cành, nhánh cũng bị mất trộm. Khoảng 3-4 năm trước, để làm đường vào bản và xây lại hệ thống kênh mương, nhiều cành cây cũng bị chặt hạ… Tất cả khiến cho cây sanh không còn giữ được số lượng gốc “khủng” như ngày xưa.
Thân cây xù xì, vạm vỡ in dấu thời gian
Nhớ lại hồi sanh “sốt giá”, ông Bình kể, giới chơi cây cảnh, dân buôn đánh ô tô về làng ầm ầm. Những cành, nhánh, rễ… của cây sanh cổ thụ bị chặt trước đó được ngã giá bán từ 10-20 triệu đồng/mét. Không chỉ thế, nhiều kẻ lạ mặt còn đưa tiền, xúi giục người dân chặt cây để bán.
Trong số những kẻ lạ mặt, ông Bình nhớ có một người mặt đầy sẹo. Người này quanh quẩn ở trong làng mấy hôm, nhòm ngó nhánh cây có hình một con rồng, nằm ở chính giữa các tán cây. Gốc cây mốc meo, lại có những u cục với những hình thù rất cổ quái.
Người mặt sẹo ngã giá với dân làng, mua gốc sanh đó giá 40 triệu đồng. Thế nhưng dân làng kiên quyết không chặt bán. Ngã giá không được, người này bắt đầu giở thủ đoạn hòng chiếm được thân cây quý hiếm đó.
Người này thuê khoảng 10 thanh niên từ nơi khác đến mang theo cưa máy định cưa thân cây. Khi vừa nổ máy, bỗng một tiếng sét nổ ngang trời chạy qua cây sanh. Những tên ăn trộm run lên bần bật, vứt cưa tháo chạy. Đến giờ bà con bản Suối Cốc vẫn còn giữ chiếc cưa máy ấy.
Cây sanh vào hương ước của làng, xã để cùng nhau bảo vệ
Sau chuyến “đột kích” bất thành, người mặt sẹo kia chưa chịu bỏ cuộc, có lẽ vì món hời mà người đó nhận được rất lớn nên đã thuê một người tên Th. trong làng tiếp tục tìm cách chặt cây. Th. vốn là một người nghiện, không có công ăn việc làm ổn định nên giao kèo đã dễ dàng được lập ra.
Một đêm nọ, lợi dụng trời tối, Th. mang cưa ra đầu làng định thực hiện phi vụ. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, chiếc cưa bật mãi không nổ. Vật lộn với chiếc cưa hàng giờ đồng hồ không được, Th. đành bỏ cuộc.
Kể cũng lạ, từ sau bữa đó, Th. như người mất hồn. Th. bỏ luôn cả thuốc phiện. Giờ đây, ai hỏi gì Th. cũng không nói, chẳng mấy khi mở miệng nói chuyện với người khác.
Ông Bình - Trưởng thôn Suối Cốc cho biết, từ trường hợp Th., người dân trong thôn truyền tai nhau phải bảo vệ cây sanh trăm năm tuổi, không được xâm phạm cây sanh.
Bén duyên với điện ảnh
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, cây sanh cổ thụ ở bản Suối Cốc vẫn xanh tốt, tán rộng che chở cho người dân những trưa hè nóng bức. Cây cũng trở thành một điểm đến ưa thích của nhiều người thích khám phá.
Nhiều bộ phim, tiểu phẩm hài được quay tại gốc sanh đầu làng bản Suối Cốc (Ảnh chụp màn hình).
Chính sự nối tiếng ấy đã khiến cây sanh được các đạo diễn phim biết đến. Người đầu tiên đưa cây sanh bén duyên với điện ảnh là đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Trong một lần lang thang xứ Mường, ông được người dân kể nghe về cây sanh bản Suối Cốc. Tìm đến đây, chứng kiến sự kỳ vĩ của cây sanh, sự mộc mạc của bản Suối Cốc, ông lập tức chọn nơi đây làm bối cảnh dựng phim.
Những cảnh quay của bộ phim đình đám là Ma làng 1 (2007) được thực hiện tại bản Suối Cốc không thể hiếu hình ảnh gốc sanh đầu làng. Bối cảnh phim chân thực, nội dung sâu sắc, cảnh quay đẹp đã khiến bộ phim Ma làng 1 thành công rực rỡ.
Tiếp sau thành công của Ma làng 1, bộ phim Đàn trời (2012) của đạo diễn Bùi Huy Thuần; Ma làng 2 (2013) của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần; series hài Làng ế vợ của đạo diễn Trần Bình Trọng… đều chọn cây sanh bản Suối Cốc làm bối cảnh thực hiện cảnh quay.
Từ đó, cây sanh bản Suối Cốc như trở thành một diễn viên thực sự. Bối cảnh phim nào quay tại đây cũng khiến cho những bộ phim thành công, được khán giả yêu thích.
___________________
Đã hơn 800 năm qua, cây sanh cổ thụ vẫn vững chãi, vươn lên trời cao che chở cho dân làng Suối Cốc. Người dân coi cây như “báu vật” nên cùng nhau bảo vệ. Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3: Tận mắt chiêm ngưỡng độ “khủng” của cây sanh hơn 800 năm tuổi trong phim Ma làng vào lúc 0h30 ngày 15/7/2019.
Những cảnh quay của bộ phim đình đám Ma làng 1 được thực hiện tại bản Suối Cốc không thể thiếu hình ảnh gốc sanh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.