Chuyện ít biết về ngôi miếu cổ thờ thần rắn trong khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc gia

Triệu Quang Chủ nhật, ngày 11/08/2019 00:25 AM (GMT+7)
Một ngôi miếu cổ thờ thần rắn nằm trong khuôn viên của Trung tâm hội nghị quốc gia có từ rất lâu đời nhưng ít người biết đến.
Bình luận 0

img

Miếu Đức Thánh Đầm nằm trên đường Miếu Đầm, đi chung lối với một đường dẫn vào Trung tâm hội nghị quốc gia.

Ngôi miếu thờ lộ thiên

Nằm trong khuôn viên một công trình mang tầm cỡ quốc gia, đó là Trung tâm hội nghị quốc gia có một ngôi miếu cổ rất linh thiêng. Thế nhưng, ngoài người dân 2 làng Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ có lẽ rất ít người biết đến sự tồn tại của ngôi miếu này.

Ngôi miếu có tên Đức Thánh Đầm (thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm). Trước đây, miếu nằm ở nơi thoáng đãng, dễ quan sát nhưng từ khi Nhà nước quy hoạch để xây Trung tâm hội nghị quốc gia thì ngôi miếu nằm lọt thỏm trong công trình hàng chục hecta này.

Cổng miếu nằm trên đường Miếu Đầm, cách mặt đường lớn khoảng 100m, đi chung lối với một đường dẫn vào Trung tâm hội nghị quốc gia. Ngay từ ngoài đường đã có hàng rào chắn lối cổng. Có lẽ, vì vậy, nhiều người đi đường lầm tưởng đây là lối dẫn vào Trung tâm hội nghị quốc gia.

Cạnh tường rào của khu Trung tâm hội nghị quốc gia có một tấm biển bằng đá dựng lên đề tên miếu Đức Thánh Đầm. Để vào miếu, người dân phải đi qua một đoạn đường chạy thẳng tắp được lát đá, 2 bên đường là 2 hàng tùng lá kim.

Cuối con đường là một ngã 3, đi thẳng sẽ vào Trung tâm hội nghị quốc gia, còn rẽ phải là sang miếu Đức Thánh Đầm. Án ngữ trước lối vào miếu có 2 tượng chó cùng hàng trúc xanh tốt.

Ngôi miếu nằm trên diện tích khoảng 2.000m2, cây xanh phủ rợp bóng. Không gian bên trong miếu rất mát mẻ, thoáng đãng, trong lành và rất yên tĩnh, khác xa so với ồn ào, bụi bặm bên ngoài. Có những cây cổ thụ rất to, tầm cỡ 3-4 người ôm mới hết.

img

Miếu nằm trên một gò đất hình tròn, xung quanh được bao phủ bởi rất nhiều cây xanh.

img

Ban thờ chính quay mặt ra hồ nước, nằm lộ thiên và mới được che bằng mái bạt xanh 2 năm nay.

Toàn bộ khu miếu hình tròn, xung quanh được bao bọc bởi hồ nước rộng mênh mông có hình chữ S (bản đồ Việt Nam). Bên kia hồ là Trung tâm hội nghị quốc gia và khách sạn JW Marriott. Nếu nhìn từ trên cao, miếu giống như một bán đảo.

Gọi là miếu nhưng ở đây không có miếu thờ hay phòng thờ nào, các ban thờ đều được để lộ thiên, không có tượng hay phật. Ban thờ chính nằm ở vị trí chính giữa khu đất, cạnh một cây si cổ thụ, thân rễ xù xì, hướng mặt ra hồ nước; cổng miếu được dựng lên bằng 4 cột bê tông; nền lát gạch…

Theo quan sát của PV, ở chính giữa ban thờ chính có một mái che bằng bạt màu xanh được dựng lên còn khá mới.

Giải thích về việc này, ông Ngô Duy Tỵ - thủ từ miếu Đức Thánh Đầm cho hay, mái che bằng bạt này mới được chính quyền cho phép dựng lên 2 năm nay. Còn từ xưa đến nay, miếu vẫn được để lộ thiên.

“Miếu lộ thiên nên trước kia mưa nắng, đồ đạc để ngoài trời nhanh hỏng. Trời mưa thì ẩm ướt, rêu mốc còn nắng thì nóng, khổ người dân đến ngồi làm lễ. Chúng tôi phải xin chính quyền cho dựng bạt che, người dân làm lễ mát mẻ hơn, tôi cũng đỡ công lau chùi mỗi lần trời mưa gió”, ông Tỵ chia sẻ.

Sự tích về thần rắn Đức Thánh Đầm

img

Bao phủ quanh miếu là hồ nước, bên kia là tòa nhà chính của Trung tâm hội nghị quốc gia.

Nhấp ngụm nước chè, ông Tỵ, thủ từ miếu Đức Thánh Đầm kể cho tôi nghe về sự tích ra đời của ngôi miếu.

Theo đó, thời xưa xa, làng Mễ Trì dân mạnh của nhiều, ruộng đất phì nhiêu, ao đầm trong lành, người giàu ra sức cày ruộng, người nghèo đan lưới đánh cá.

Trong làng có một ông lão nhà nghèo không có con, hằng ngày lấy việc đan lưới đánh cá làm nghề mưu sinh. Một hôm, ông lão mang lưới ra đầm đánh cá nhưng không được con cá nào, chỉ được một quả trứng to bằng quả trứng vịt. Lấy làm lạ, ông lão mang về nhà cất trong chum thóc.

Mấy mươi ngày sau, quả trứng nở ra một con rắn màu trắng, ông lão nửa mừng nửa sợ không dám nói cho người khác biết và giấu con rắn vào trong chum, hằng ngày cho rắn ăn. Ông lão thương con rắn như con mình.

Khoảng 100 ngày sau, con rắn trắng lớn nhanh như thổi. Một đêm, trời bỗng nổi mưa to gió lớn, con rắn trắng chạy ra chỗ đầm cũ lặn mất. Ông lão đuổi theo nhưng không kịp.

Những ngày sau đó, ông lão vô cùng buồn rầu, đi cất lưới nhưng chẳng được con cá nào. Một hôm, nhớ đến con rắn trắng, ông lão khấn vái: “Rắn ơi, rắn ơi. Con là con ta, không ở cùng ta, chớ phụ công ta nuôi dưỡng. Nay ta đánh cá ở đầm, con phù hộ ta đánh được nhiều cá mới là báo đáp ơn ta”. Khấn vái xong, quả nhiên ông lão thả lưới đâu trúng cá to ở đó.

Từ đó trở đi, ông lão khấn vái như vậy đều đánh được nhiều cá to. Những người đi cùng ông lão đến đánh cá ở đầm thả lưới được rất ít cá, chỉ mình ông được nhiều mà lại toàn là cá to. Mọi người lấy làm lạ, hỏi thì ông lão thật thà kể lại chuyện. Thế là dân làng bắt chước lời khấn vái của ông lão, đánh được nhiều cá to.

"Những người đánh cá trong làng sau đó đã dùng đất, gỗ xây thành một cái bệ cạnh bờ đầm để thờ cúng. Về sau dân làng mới biết, con rắn trắng ấy là con thứ ba của vua Thủy Tề, do đó người dân gọi là cụ Hoàng Ba hay Đức Thánh Đầm", Thủ từ miếu Đức Thánh Đầm kể lại sự tích nguồn gốc của ngôi miếu.

Bí ẩn ngôi miếu thờ hai thiếu nữ ở bãi giữa sông Hồng

Ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) có ngôi miếu thờ hai cô gái trẻ, đến nay cái chết đầy ám ảnh của hai cô vẫn là điều...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem