Trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Hoạt tử nhân mộ là mật thất nằm ẩn dưới chân núi Chung Nam, nó là cơ sở của phái Cổ Mộ. Vốn dĩ là nơi này lúc đầu do giáo chủ Toàn Chân giáo Vương Trùng Dương xây lên làm cơ sở chống quân Kim, Hoạt tử nhân mộ được chuyển quyền sở hữu sang Lâm Triều Anh sau khi vị nữ hiệp này thắng cuộc trong một lần thi đấu Vương Trùng Dương.
Hoạt tử nhân mộ nằm ẩn dưới chân núi Chung Nam, gắn liền với tên tuổi của hai đại cao thủ là Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh.
Hoạt tử nhân mộ tuy gọi là mộ phần, nhưng thực ra là một cái nhà kho rất lớn ngầm dưới lòng đất. Trước khi nổi dậy chống Kim, Vương Trùng Dương đã điều động mấy ngàn nhân lực xây dựng mấy năm mới xong, cất giấu ở đây khí giới, lương thực, làm căn bản cho một dải Sơn - Thiểm, bên ngoài có hình dạng một ngôi mộ, để che tai mắt của quân Kim.
Lại sợ quân Kim tấn công vào, nên bên trong bố trí vô số cơ quan xảo diệu để chống ngoại địch. Sau khi nghĩa binh thất bại, Vương Trùng Dương lui về đây ẩn cư. Rất nhiều bằng hữu giang hồ đến khuyên bảo, nhưng Vương Trùng Dương vẫn kiên quyết không bước nửa bước ra khỏi mộ. Tám năm sau đó, một kình địch ngày trước của ông đến bên mộ, nhục mạ và chửi mắng ông suốt bảy ngày bảy đêm. Chịu hết nổi, ông liền ra giao đấu. Vừa bước ra khỏi mộ, thì người ấy cười to: “Đã ra khỏi mộ, tức là sống lại rồi, thì không được vào mộ nữa”. Thì ra kình địch nhục mạ vì thiện ý, không muốn ông chôn vùi tài năng trong mộ ấy. Hai người hóa thành bằng hữu, phiêu bạt giang hồ. Kình địch ấy là nữ hiệp Lâm Triều Anh.
Vương Trùng Dương sau đó có tình cảm với nữ hiệp Lâm Triều Anh nhưng không kết hôn, khiến nàng giận dỗi, chiếm lấy Hoạt tử nhân mộ của ông ở trên núi Chung Nam, từ đó hai người không nhìn mặt nhau.
Vương Trùng Dương là người đứng đầu trong Thiên hạ ngũ bá sau Hoa sơn luận kiếm lần thứ nhất.
Sau khi vào cư trú nơi này, Lâm Triều Anh tìm hiểu một số môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc nữ tâm kinh.
Ngọc nữ tâm kinh là môn võ công mà Lâm Triều Anh dành cả đời mình trong cổ mộ viết nên, cốt chỉ để khắc chế toàn bộ võ công của Vương Trùng Dương và phái Toàn Chân.
Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh cả đời không kết hôn Hoạt tử nhân mộ này là cái chung duy nhất của hai người bọn họ. Vương Trùng Dương xây lên phần xác, Lâm Triều Anh thổi vào nó phần hồn. Thế nhưng cả hai người sáng lập lòng đều nguội lạnh như tro tàn, bởi thế Hoạt tử nhân mộ có nghĩa nôm na là “mộ của người chết còn hoạt động”. Phái Cổ Mộ chính là kết tinh võ học nảy sinh từ vết thương lòng của Lâm Triều Anh.
Có một lần sau khi Lâm Triều Anh qua đời trong cổ mộ, Vương Trùng Dương có đến ngôi cổ mộ và thấy võ công Ngọc nữ tâm kinh được Lâm Triều Anh khắc lên hết sức tinh vi ảo diệu, mỗi chiêu đều là khắc tinh của võ công phái Toàn Chân, thì bất giác tái mặt, lập tức rời tòa nhà mồ, vào rừng sâu, ba năm liền không xuống núi, nghiền ngẫm cách hóa giải Ngọc nữ tâm kinh, tuy một số chỗ có thành tựu, nhưng cuối cùng vẫn không tạo thành một bộ võ công hoàn chỉnh. Khâm phục tài trí của Lâm Triều Anh, cam bái hạ phong, không nghiên cứu nữa.
Lâm Triều Anh tuy là nữ nhân, nhưng có võ công vô cùng lợi hại.
Sau lần Hoa Sơn luận kiếm thứ nhất, Vương Trùng Dương trở thành thiên hạ đệ nhất, sở hữu Cửu âm chân kinh, ông xem qua và dựa vào đó nghĩ ra cách hóa giải được Ngọc nữ tâm kinh nên đã đem Cửu âm chân kinh khắc trong mộ để hậu nhân của phái Cổ Mộ biết được. Có điều là Vương Trùng Dương cho rằng, Ngọc nữ tâm kinh là do Lâm Triều Anh tự sáng tạo ra, còn mình thì phải dựa vào di thư của người khác, so ra kém một bậc, nên sau đó ông ta tự khiêm nhường, thường dặn đệ tử phải theo cái đạo nghiêm khắc với mình, nhường nhịn người khác, nhận phần thiệt thòi.
Đệ tử của Vương Trùng Dương là Khưu Xứ Cơ cũng từng nói: “Luận về võ công, Lâm Triều Anh còn cao hơn cả bốn đại tông sư lúc bấy giờ còn với tổ sư Vương Trùng Dương cũng không biết ai thắng ai bại, nhưng là nữ nên không xuất đầu lộ diện, vì thế ít ai biết đến”.
Bốn đại tông sư mà Khưu Xứ Cơ muốn nói đấy chính là Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công.
Quả thật thời ấy người có thể sánh ngang được với Vương Trùng Dương chỉ có Lâm Triều Anh, ai cũng là tuyệt đỉnh cao thủ, nhưng chỉ vì yêu thương nhau nhưng không thể kết nghĩa phu thê, mà kẻ xuất gia làm Đạo sĩ, người chôn vùi cả đời trong ngôi cổ mộ, để rồi sáng tạo ra những môn võ công chỉ để khắc chế lẫn nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.