Chuyện kể gốc đa: Đã chậm còn không chắc

Thứ bảy, ngày 28/01/2012 08:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ấy là vào một ngày đầu xuân, các hội viên CLB Gốc Đa ai cũng áo quần chỉnh tề, miệng phì phèo điếu “Vina”, mặt vị nào cũng đỏ ửng vì bia rượu, gặp nhau bỗng dưng khách sáo, chúc tụng rất chi là công chức.
Bình luận 0

Một ông cười toe toét:

- Hôm nay mà các anh áo vàng mang ống thổi về đo độ cồn chắc cả làng ta bị phạt.

- Mình có phóng xe như bọn phát rồ ở thành phố đâu mà phạt. Nông thôn ta “sống chậm” hơn đô thị.

- Chậm nhưng không chắc.

img
 

- Thế nào là chắc, từ ngày mở cửa, nước ta chuyển sang giai đoạn phát triển, xin hỏi cái gì bán ra thế giới thu đôla đầu tiên? Gạo chứ còn gì nữa. 25 năm nay trong nước thì ăn bát cơm đầy, cả thế giới ăn gạo VN. Thử hỏi ở nước ta có ngành nào mang “vinh quang màu cờ sắc áo” cho quốc gia như nhà nông? Dầu mỏ có xuất nhưng đã là “cái đinh” gì với thế giới? Ta vẫn nhập xăng dầu là chính. Quần áo, giày dép chủ yếu “may gia công”. Như thế là nông nghiệp ăn chắc hơn là cái... chắc!

- Có ông tiến sĩ đã chia hạt gạo làm 8 nên nông dân chỉ được phần nhỏ. 4 phần đầu tiên chia cho “4 nhà” (không phải 4 nhà không ngoặc kép). Một là “nhà băng”, nông dân phải trả lãi ngân hàng. Hai là nhà cung ứng vật tư, mua chịu phân bón, thuốc sâu, đến mùa trả tới 65% chi phí sản xuất. Ba là “nhà mình” với gánh nặng chi tiêu gia đình, học hành con cái, chữa bệnh, các khoản đóng góp, tính ra tới 21%. Bốn là “nhà hàng xóm” ma chay, cưới xin. 4 phần còn lại phải chia cho nhà nào nữa (ví như “nhà vợ”, “nhà trường”, “nhà thầu”, “nhà hàng”... chư vị chắc rõ hơn tôi.

- Người ta nói “sợi tóc chẻ làm tư” đã là quá lắm rồi. Nay hạt gạo cắn làm 8 thì có “chắc ăn” không?

- Xem thế thì chúng mình được mỗi niềm tự hào mang danh tiếng cho đất nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Thảo nào Hội Nông dân của ta đã công bố thực trạng nghề làm ruộng nước ta vẫn là quy mô nhỏ, có tới 36% hộ có dưới 0,2ha đất canh tác, thu nhập bình quân nông dân chỉ bằng 76,6% bình quân cả nước. Hầu hết cụm từ “hộ nghèo” và “hộ cận nghèo” là nông dân.

- “Đặc sản” của ta là “nghèo”, nhưng cũng đâu có nghèo hơn “giai cấp công nhân mới” ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ta còn có nhà, có quê, có vườn, có ao, có 0,2ha (tức là “cái xiềng 3 sào”) để cày cấy “vắt mũi vẫn đủ bỏ mồm”, còn hơn có người làm thợ 10 năm tết về nhà biếu thầy bu được mỗi hộp mứt nhuộm phẩm màu lòe loẹt, ăn chỉ sợ đau bụng.

- Các vị có biết mấy triệu “công nhân mới”, nòng cốt của sự phát triển ở đâu ra? Toàn là người làng quê ra tỉnh làm thợ. Tết này đang chen nhau kiếm suất vé tàu ngồi cứng, hay ngồi xe đò “cá hộp” về quê. Nông thôn ta đã nghèo còn “xuất khẩu” thợ nghèo cho cả nước. Cũng là niềm tự hào nhân rộng.

Cụ lão nông (mặt cũng đỏ phừng phừng, râu tóc trắng phớ trong nắng xuân) cười hà hà:

- Năm mới mà chư vị nhiều tâm sự buồn thế không hợp với mùa xuân đâu. Hãy dẹp mọi lo toan, ta nâng chén tự hào cho vui vẻ nào.

Gã “toe toét” hồi đầu câu chuyện lại nhắc: “Uống say về nhà lăn quay ra ngủ, đừng có rửng mỡ đua xe công nông trên đường quê bê tông hóa nhé! Có chuyện gì đầu năm dông cả năm đấy!”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem