Làng thị cổ ở xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nằm ven sông Son hiện ra bình yên, giản dị, đậm nét phong thủy hữu tình.
Cây thị ở xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch) có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Anh Hoàng
Theo quan sát của phóng viên, tại đây, rất nhiều cây thị cổ thụ hình thù rất đẹp, gốc to, vỏ sần sùi, tán cây bao trùm cả một khu rộng lớn, rễ cây lan rộng ra cả khu vườn. Những cây thị có thế trực tự nhiên, trải qua hàng trăm năm nên ruột cây đã bị rỗng tạo thành nhiều hốc lớn hình thù kỳ lạ nhưng không vì thế mà kém vững vàng.
Thân cây có những khối lồi lõm, sần sùi hình dạng kỳ dị. Lớp vỏ ở thân cây sờ vào cứng đanh như sắt, những điểm sát gốc có màu đen như một lớp trầm tích cổ. Ảnh: Anh Hoàng
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, dẫu là người già nhất cũng không biết những cây thị có từ năm nào, một số cụ sinh ra đã thấy cây thị sừng sững rồi.
Trong mảnh vườn của cụ Nguyễn Văn Củng (SN 1939, tại thôn 3, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch) có cây thị cao khoảng 30m, tán cây rộng chừng 5m, thân cây sần sùi, 3 người ôm không xuể.
Cụ Nguyễn Văn Củng hồ hởi chia sẻ: “Cây thị này có từ lúc nào tôi cũng không biết, chỉ nghe cụ thân sinh tôi kể lại, cây này đã trải qua 4 đời, tầm gần 400 năm tuổi. Vào mùa, cây trĩu quả, thị cổ nuôi sống chúng tôi”.
Trên vỏ cây thị có nhiều loại thực vật bám rễ sinh sống. Ảnh: Anh Hoàng
Nhà ông Nguyễn Lương (SN 1964, tại thôn 2, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch) hiện có cây thị mà theo ông Lương cũng không dưới 400 năm tuổi, ông Lương nói: “Cây thị nhà tôi đã sống qua 5 đời, trải qua chiến tranh, cây vẫn sừng sững ở đấy”.
Một số người dân Mỹ Trạch cho biết, họ thường xuyên lấy quả thị xanh nấu với thịt của con nhái lớn tạo nên món ăn rất đặc trưng.
Đây là một món ăn đỡ đói của người Mỹ Trạch thời còn khốn khó mà nay hóa thành đặc sản. Chỉ có những phụ nữ của làng mới có được công thức chế biến món “thị xanh nấu với nhái” này.
Cây thị với đường kính tán rộng, tỏa ra một vùng rộng lớn. Ảnh: Anh Hoàng
Theo các bậc cao niên, những cây thị này cũng gắn với nhiều cây chuyện lạ xung quanh.
Thời ấy, khi người dân tìm đặc sản dâng Vua mà vẫn chưa tìm được. Một hôm, có nông dân vào rừng, bỗng nhiên ông ngửi thấy một mùi thơm lạ. Đi mãi đến lúc mỏi chân, ông đứng trước một cây cổ thụ lá xum xuê, có nhiều trái vàng óng, tỏa ra mùi thơm.
Nông dân này bèn bẻ một đôi trái nếm thấy rất ngọt, liền đưa về báo cho vị quan chủ vùng. Nhận thấy quả này thích hợp để tiến Vua, vị quan lập tức cho người chọn hái những trái đẹp, thơm nhất dâng lên.
Cây thị cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được người dân nơi đây xem như báu vật. Ảnh: Anh Hoàng
Nhà vua tiếp nhận quả lạ, thích ngay mùi thơm của quả, hỏi quả gì, người dân vốn giọng nặng, đang muốn nói "Thì chưa biết quả gì" nhưng phát âm chữ "thì" thành chữ "thị".
Vua nghe vậy liền gọi đó là thị. Từ đó, người làng Cao Lao Thượng và Cao Lao Trung vào rừng, lấy hạt quả thị về gieo khắp làng để hàng năm lấy quả tiến Vua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.