Chuyện lạ Vĩnh Long, hạn mặn như thế, dân một huyện vẫn có tiền từ việc bán cỏ dại?
Chuyện nghe như lạ ở Vĩnh Long, hạn mặn như thế, dân một huyện vẫn có tiền từ bán "cỏ dại"?
Thứ bảy, ngày 13/04/2024 12:48 PM (GMT+7)
Với đặc tính chịu hạn, mặn tốt, sống khỏe trên nền đất thấp, ít tốn công chăm sóc, cây lác-vốn là một loài cỏ dại đã giúp nông dân ở huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) có thu nhập khá tốt, nhất là trong điều kiện hạn mặn diễn biến bất thường như hiện nay.
Nghề trồng cỏ lác và làm ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lác là một trong những nét đặc trưng của huyện Vũng Liêm- địa phương thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của hạn, mặn của tỉnh Vĩnh Long.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, từ năm 2000, một số địa phương của huyện bắt đầu chuyển đổi từ cây lúa sang trồng lác.
Bởi, cỏ lác là loại cây trồng có khả năng chống chịu hạn, mặn tốt cùng nhiều ưu điểm nổi trội so với cây lúa.
Nhận thấy sự chuyển đổi này mang lại hiệu quả cao, ngành chuyên môn cũng như chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây lác. Và cho đến nay, lác là một trong những loại cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế khá cao ở huyện Vũng Liêm.
Theo nhiều nông dân, cây lác là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và là loại cây trồng lưu gốc nên sau một lần cấy nông dân có thể sản xuất đến hơn 6 năm, những nơi điều kiện thích hợp có thể thu hoạch trên 10 năm.
Cây cỏ lác được trồng tập trung nhiều nhất ở xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) với hơn 220ha.
Canh tác một vụ cỏ lác kéo dài từ 6-7 tháng nhưng đổi lại năng suất đạt khá cao với sản lượng dao động từ 1-1,3 tấn/công.
Lác sau khi thu hoạch được chẻ nhỏ, phơi khô ngay trên đồng, sau đó phân loại theo kích thước chiều dài rồi cung ứng cho các làng nghề dệt chiếu, thủ công mỹ nghệ. Cùng với cây lác, tại huyện Vũng Liêm còn hình thành các làng nghề: xe lõi, dệt chiếu, dệt thảm… tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động nông nhàn.
Tại Vũng Liêm, cây lác được trồng tập trung nhiều nhất ở xã Trung Thành Đông với hơn 220ha. Bắt đầu từ tháng 2 âl, nhiều cánh đồng lác ở địa phương đã bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân- vụ mùa mà theo người trồng lác có năng suất chất lượng cao nhất trong năm.
Thời điểm này đang là mùa thu hoạch rộ nên đi dọc ĐT907 qua các xã Trung Thành Đông, Trung Thành Tây,… đâu đâu cũng thấy hình ảnh nông dân tất bật trên đồng lác.
Đây là khâu vất vả nhất vì có nhiều công đoạn và hầu hết đều thực hiện bằng thủ công. Tuy vậy, các chủ ruộng lác thường “mần vần công” cho nhau để tiết kiệm chi phí và thuê thêm một số lao động nông nhàn ở địa phương. Cứ thế, thu hoạch hết ruộng lác này lại đến ruộng lác khác.
Có 3 công trồng lác, tranh thủ trời nắng gắt, anh Nguyễn Minh Dương (ấp Đại Hòa, xã Trung Thành Đông) mang số lác vừa thu hoạch ra phơi. Theo anh, nghề trồng lác tuy vất vả vì phải “canh” đủ thứ từ nắng, mưa cho đến hạn, mặn nhưng so với những nghề nông khác thì có nhiều lợi thế hơn.
Lợi thế lớn nhất chính là rất lâu nông dân mới phải phá bỏ diện tích lác cũ để trồng đợt lác mới. Điều này giúp nông dân tiết kiệm một khoản lớn chi phí cho cây giống và nhân công lao động. Ngoài ra, lác không chỉ dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc mà còn đem lại nguồn thu nhập khá.
Song, nhiều nông dân cho hay, vụ Đông Xuân này do ảnh hưởng của hạn, mặn kéo dài, đóng cống nhiều ngày nên nước vào ruộng lác ít, phải bơm thêm nước vào ruộng. Do đó, lác có phần giảm năng suất hơn so với năm trước, giá cũng giảm hơn năm trước 5.000- 10.000 đ/kg so với cùng kỳ.
“Vụ này do ảnh hưởng của hạn mặn, thiếu nước vào ruộng nên cây lác có chậm phát triển hơn so với vụ trước, nhưng chất lượng lác cũng đẹp, năng suất đạt khá, với mức giá 13.000-15.000 đ/kg (lác loại 1) thì người trồng vẫn có lời khá”- anh Dương chia sẻ thêm.
Theo ông Châu Minh Tuấn- Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông, năm nay tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp khi thời gian xâm nhập kéo dài và độ mặn lên xuống thất thường. Tuy nhiên, cây lác có khả năng chịu hạn, mặn rất tốt.
Trong các đợt mặn xâm nhập từ đầu năm, một số diện tích cây ăn trái, rau màu của người dân bị ảnh hưởng nhưng cây lác vẫn sống khỏe. Thông thường, ở độ mặn 1-3‰ lác vẫn có thể phát triển tốt, nếu độ mặn lên đến 4‰ cây lác vẫn chịu được.
Đặc biệt, lác là cây kinh tế chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động của xã và những địa phương lân cận.
“Cây lác giờ đây đã có đầu ra ổn định, không chỉ giúp nhiều nông hộ ở địa phương có nguồn thu nhập ổn định còn tạo công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi từ nghề dệt chiếu, xe lõi lác đến làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện để phát triển các ngành nghề có liên quan, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của cây lác”- ông Châu Minh Tuấn cho biết thêm.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, (tỉnh Vĩnh Long) thời gian qua đã vận động nông dân phát triển cây lác trên các vùng quy hoạch, bị ảnh hưởng mặn để giữ vững diện tích cây lác nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề xe lõi lác.
Trong quý I/2024, Vũng Liêm có 0,8ha lác trồng mới, nâng tổng số diện tích lác toàn huyện lên 331,6ha (tăng 7,3ha so với cùng kỳ). Hiện các HTX, tổ hợp tác sản xuất và chế biến sản phẩm từ lác hoạt động ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.