Góc khuất làng golf Việt Nam (Kỳ 1): Người cha bán nhà cho con theo đuổi đam mê golf

Lê Minh Thứ hai, ngày 06/11/2023 19:10 PM (GMT+7)
Việc một nhóm hơn 40 golfer, doanh nhân, trong đó có hai Phó chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam bị truy tố về tội đánh bạc đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt trong thời điểm golf Việt Nam bắt đầu đặt được những dấu ấn đầu tiên trên đấu trường quốc tế.
Bình luận 0

Năm 2023, golf Việt Nam đã ghi được dấu ấn lịch sử trên đấu trường SEA Games 32 với tấm HCV cá nhân nam của golfer Lê Khánh Hưng, HCĐ cá nhân nam của Nguyễn Anh Minh và tấm HCB đồng đội nam.

Sau SEA Games khoảng 3 tháng, cuối tháng 8/2023, Nguyễn Đức Sơn trở thành golfer đầu tiên của Việt Nam giành HCV cá nhân bảng Lion Cup trong khuôn khổ giải golf vô địch đồng đội nghiệp dư Đông Nam Á tổ chức tại Malaysia. Cùng với đó, Nguyễn Anh Minh – Nguyễn Đặng Minh – Đoàn Uy – Nguyễn Nhất Long giành HCB đồng đội Putra Cup.

Chuyện làng golf Việt Nam: "Đánh bạc tiền tỷ trên sân golf là chuyện… cơm bữa" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Quang và con trai Nguyễn Đức Sơn cùng chiếc Cúp vô địch giải Tiền Phong Golf Champinship 2023. Ảnh: Minh Đức

Trước khi toả sáng tại Lion Cup, Nguyễn Đức Sơn ở tuổi 16 được nhiều người biết đến khi vô địch chặng 4 VGA Junior Tour 2023 diễn ra trên sân Vinpearl Golf Nam Hội An hồi đầu tháng 7. Và hôm 4/11 vừa qua, Nguyễn Đức Sơn đã trở thành golfer thứ hai (cùng với Nguyễn Anh Minh) trong lịch sử 7 mùa giải Tiền Phong Golf Championship đăng quang với số điểm âm.

Nhưng cùng với những mốc son được xác lập gắn với tên tuổi của những golfer "tuổi teen" đầy tiềm năng, làng golf Việt Nam cũng phải đón nhận tin buồn khi mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố nhóm hơn 40 golfer, doanh nhân nhiều lần tổ chức đánh bạc ở khách sạn, văn phòng công ty. Trong nhóm golfer này có hai phó chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam là Lê Hùng Nam và Trần Thanh Tú bị truy tố về tội đánh bạc.

Và khi chính những người quản lý golf Việt Nam còn đam mê "đỏ đen" thì làm sao các golfer trẻ có một môi trường trong sạch, nhận được sự đầu tư cần thiết để phát triển, mang vinh quang về cho Tổ quốc trong tương lai.

Để có cái nhìn tương đối khái quát về "làng golf" Việt Nam, Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Ngọc Quang – bố của golfer 16 tuổi Nguyễn Đức Sơn để lắng nghe những bộc bạch của một người cha dám hy sinh tất cả để con mình được thoả mãn niềm đam mê golf…

 Kỳ 1: "Tôi đã bán nhà để con theo đuổi niềm đam mê golf" 

Tâm sự với Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Quang – bố của golfer 16 tuổi Nguyễn Đức Sơn – người vừa vô địch giải Tiền Phong Golf Championship 2023 nói: "Hành trình trở thành một golfer chuyên nghiệp có đẳng cấp của Đức Sơn còn dài nhưng cha con tôi đều vững tin vào lựa chọn của mình".

Xin chúc mừng ông cùng gia đình với chiếc Cúp vô địch Tiền Phong Championship 2023 của Nguyễn Đức Sơn. Ông có thể chia sẻ câu chuyện đưa Nguyễn Đức Sơn tới golf?

- Đây là một câu chuyện dài và có lẽ phải bắt đầu từ chính cuộc đời tôi. Nhà tôi sống ở ven đô, chùa Sét (Tân Mai – Hà Nội) thuần nông. Thuở nhỏ tôi đã có suy nghĩ học theo gương người da màu trên thế giới, muốn nổi tiếng, thoát nghèo, chỉ có hai con đường: Hoặc là thành ca sĩ, hát thật hay; hoặc là VĐV, chơi thể thao thật giỏi.

Tôi là lứa VĐV tán thủ đầu tiên của Việt Nam. Năm 1990 cố Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang đi ASIAD ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã mang về bộ môn wushu. Tôi đang là VĐV Hội võ cổ truyền Hà Nội và bác Giang đã chuyển hết bộ môn Hầu quyền chúng tôi sang đánh tán thủ (đối kháng wushu).

Năm 1992, tôi thi đấu giải toàn quốc đầu tiên và vô địch hạng 56-60kg. Theo điều lệ, VĐV vô địch sẽ được sang Trug Quốc dự giải 1500 năm Thiếu Lâm Tự. Vậy mà tôi lại phải ở nhà, người được xuất ngoại là VĐV giành HCB. Tôi cảm thấy thất vọng, chán và bỏ!

Cuối năm 1992, tôi quyết định đi sang Đức dạy võ. Nhưng khi đi đến Czech, tôi thấy quần vợt ở đây hay quá. Thời điểm đó tại Việt Nam, quần vợt gần như là "vùng trắng". Tôi học quần vợt từ năm 1993 đến năm 2000, có bằng HLV. Năm 2003 tôi về nước dậy quần vợt, đến năm 2005 thì xây dựng gia đình.

Năm 2007, khi Đức Sơn còn trong bụng mẹ, tôi đã hướng con theo thể thao chuyên nghiệp. Khi Sơn 4 tuổi, tôi đã đưa con quay lại Czech tập quần vợt. Các HLV bên đó biết tôi có bằng HLV, khuyên tôi đưa Sơn về Việt Nam tự dạy con, 12 tuổi sẽ đưa cháu quay sang Czech.

Chuyện làng golf Việt Nam: "Đánh bạc tiền tỷ trên sân golf là chuyện… cơm bữa" - Ảnh 3.

Nguyễn Đức Sơn khi 4 tuổi sang Czech học quần vợt. Ảnh: NVCC

Tôi dạy cháu chơi quần vợt được 3 năm. Song song với đó, thông qua một ông quản lý sân golf Tam Đảo người Anh, tôi bắt đầu tập golf. Thời điểm năm 2014, khi Sơn 7 tuổi thì tôi đã chơi golf được 5 năm.

Tôi vẫn nhớ như in đó là ngày 26 Tết. Để tiện cho mẹ và vợ dọn dẹp nhà cửa, tôi đưa Sơn cùng tới sân golf Tam Đảo tập luyện. Sơn cứ đứng xem rồi thử ra cầm gậy vụt. Ngay từ lúc đó, tôi đã thấy cháu có năng khiếu chơi golf hay hơn quần vợt.

Không như người khác phải chỉ dạy con cách cầm gậy sao cho đúng kỹ thuật, tôi cho Sơn đi tập cùng 10 buổi nữa và để con hoàn toàn "tự phát'. Tôi không cần dạy gì cả mà cháu đánh vẫn ổn.

Khi ấy tôi mới hỏi con thích golf hay quần vợt, dù trong thâm tâm đã biết Sơn chơi golf tốt hơn. Sơn bày tỏ muốn đi học golf và tôi lập tức đi mua quần áo, bộ gậy, tìm thầy ngoại cho con.

Câu chuyện tìm người thầy đầu tiên cho Sơn của ông cụ thể ra sao?

- Thông qua mối quan hệ của mình, tôi tìm được thầy John Mackenzi người Scotland mới từ Thái Lan sang Việt Nam dạy tại sân Golf Phương Đông. Tôi là dân thể thao nên qua quan sát, tìm hiểu là biết thầy có kỹ năng sư phạm tốt, có tâm huyết.

Chuyện làng golf Việt Nam: "Đánh bạc tiền tỷ trên sân golf là chuyện… cơm bữa" - Ảnh 4.

Nguyễn Đức Sơn được người thầy đầu tiên John Mackenzi dạy golf năm 7 tuổi. Ảnh: NVCC

Dạy Sơn đến buổi thứ 3 thầy John Mackenzi nói chuyện với tôi bảo không lấy tiền. Nghe thầy nói vậy, tôi hơi giật mình bởi ở phương Tây, các nước phát triển, ngoài việc đi dạy để kiếm tiền, khi nhìn thấy các tài năng có triển vọng, người ta không cần lấy tiền. Nói cách khác, tôi hiểu thầy đã nhìn nhận được điều gì đó đặc biệt từ con mình.

Tôi cho Sơn theo tập thầy ba năm ở Việt Nam, đồng thời xác định kiểu gì cũng sẽ phải đưa Sơn ra nước ngoài tập golf.

9 năm đã trôi qua để cậu bé Sơn từ khi bắt đầu cầm gậy golf năm 7 tuổi đạt được những thành công bước đầu. Hành trình phía trước của Sơn hứa hẹn còn rất nhiều chông gai và không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện kinh tế nuôi dưỡng niềm đam mê cho con…

- Golf là môn xã hội hoá. Đến bây giờ, kinh phí chính để Sơn đi tập luyện, thi đấu nước ngoài vẫn từ gia đình. Tôi đã từng bán hết cả nhà đi để có kinh phí cho con theo đuổi đam mê.

Trong gần chục năm qua, Đức Sơn cũng may mắn gặp nhiều người tốt. Có người tặng Sơn một chiếc vé máy bay. Có người vô tình gặp trên sân, nhận ra Sơn, quý cháu cho 100-200 USD. Ba bốn năm gần đây, Sơn đã được sân golf Tam Đảo tài trợ ăn ở, tập luyện.

Bên cạnh đó, Sơn cũng được hãng đồ thể thao Mizuno tài trợ với tư cách Đại sứ thương hiệu Mizuno. Khi nhận được những tài trợ này, gia đình cũng bớt đi phần nào chi phí để Sơn tiếp tục theo đuổi golf chuyên nghiệp.

Quyết định "chơi tất tay" đầu tư cho Sơn của gia đình chắc chắn không hề cảm tính…?

- Trở lại với hành trình "du học" của Sơn, thông qua tìm hiểu, tôi biết Australia đào tạo VĐV trẻ tốt, giá cả hợp lý không đắt như Mỹ.

Thông qua một người cháu ở bên đó, tôi tìm được thầy Craig Spence – người từng vô địch giải Australia mở rộng năm 1999 khi 25 tuổi, đánh bại Greg Norman – tay golf số 1 thế giới thời điểm đó và từng là Đại sứ Du lịch Việt Nam giai đoạn 2018-2021.

Bố con tôi sang Australia khi Sơn 11 tuổi nhưng thầy Craig Spence không nhận ngay mà thu xếp cho Sơn gặp bác sĩ Tina Maio – người từng chăm sóc sức khoẻ cho nhiều golfer chuyên nghiệp.

Bác sĩ Tina Maio khám cho Sơn gần một ngày, đo xương khớp, các chỉ số vận động cơ thể liên quan tới golf và nhận định Sơn có đầy đủ yếu tố của các VĐV hàng đầu thế giới ở độ tuổi của cháu.

Chuyện làng golf Việt Nam: "Đánh bạc tiền tỷ trên sân golf là chuyện… cơm bữa" - Ảnh 5.

Nguyễn Đức Sơn và thầy Craig Spence. Ảnh: NVCC

Sau đó, thầy Craig mới nhận Sơn. Trong ba tháng ở Australia, thầy chỉ tập trung giúp Sơn khắc phục điểm yếu thăng bằng kém. Qua lại Việt Nam – Australia 3 tháng/năm giai đoạn 2018-2019 học thầy Craig, Sơn được thầy nhìn nhận Sơn hoàn toàn có thể trở thành golfer chuyên nghiệp. Đến lúc đó, tôi mới thực sự tin lựa chọn của bố con tôi là không sai.

Lỡ mất gần hai năm không thể sang Australia do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giờ này năm ngoái, tôi mới có thể đưa Sơn trở lại Australia học thầy Dale Lynh (sư phụ của thầy Craig) – người từng đào tạo ra nhiều VĐV tốp đầu thế giới, trong đó có golfer nổi tiếng Geoff Ogilvy từng vô địch US Open 2006.

Và năm 2023 có thể coi là năm có ý nghĩa bước ngoặt trong sự nghiệp của Sơn khi cháu có được những thành tích ban đầu. Đáng chú ý nhất là danh hiệu vô địch chặng 4 VGA Junior Tour 2023 diễn ra trên sân Vinpearl Golf Nam Hội An hồi đầu tháng 7 giúp Đức Sơn có tên trên bảng xếp hạng nghiệp dư thế giới!

(Kỳ 2: "Tôi bắt con trả lại 5 nghìn đồng tiền thắng chip")

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem