Chuyện nghĩa tình qua vụ người chồng ném vợ xuống sông

Thứ sáu, ngày 21/06/2013 06:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 20 năm sống đời vợ chồng, không còn tình yêu thì chí ít cũng còn tình nghĩa. Ấy thế mà, cái thứ tình nghĩa vợ chồng cũng chỉ là dư âm nặng nợ sau những tháng ngày túng quẫn.
Bình luận 0

Chuyện người phụ nữ bại liệt bị chồng thẳng tay quẳng xuống dòng nước xiết là một minh chứng. Phẫn nộ, xót xa thì chuyện cũng đã rồi. Nhưng cứ hễ hình dung lại hành động ấy lại thấy căm giận vì sự bạc ác của con người.

Thương thay người phụ nữ bất hạnh

Sau gần một tuần xảy ra vụ việc chồng ném vợ xuống sông gây phẫn nộ trong dư luận, tôi trở lại ngôi làng nằm nép mình bên dòng sông Đuống. Vẫn còn chưa hết bàng hoàng, đau đớn trong đôi mắt phảng phất nỗi buồn của người thân. Sự việc bất ngờ quá.

Càng ngạc nhiên hơn, kẻ giết vợ đã đi báo trước cho anh em để chuẩn bị tâm lý. Cũng thật khó tin có người vợ nào lại bảo chồng quẳng mình xuống sông. Nếu có, thì giây phút tay bám vào thành cầu kêu cứu ấy, bà Hiền đã chợt nhận ra sự sai lầm của mình.

img
Cầu Đuống nơi ông Đức ném vợ xuống sông

Vốn xuất thân từ cảnh nghèo nàn nên bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi, ở tổ 1, phường Giang Biên, quận Long Biên) trông muôn phần khắc khổ. Bà về làm vợ ông Nguyễn Kim Đức cũng môn đăng hộ đối lắm. Vì vậy mà hai vợ chồng họ đi lên từ bàn tay trắng. Theo lẽ thường khi đã cùng đi lên từ cái nghèo thì tình cảm vợ chồng càng thêm bền chặt. Nhưng ngược lại cuộc sống của vợ chồng Hiền, Đức cứ ngày càng trúc trắc.

22 tuổi, bà Hiền lấy chồng. Bà lấy ông Nguyễn Kim Đức không hề băn khoăn nghĩ ngợi gì nhiều. Vì khi còn trẻ, ông Đức vốn chịu khó, chịu khổ. Mọi công việc để kiếm ra tiền nuôi sống gia đình dù khó khăn đến mấy ông cũng chẳng nề hà. Bà Hiền cũng là người phụ nữ ham việc, rong ruổi quanh năm với cái nghề đồng nát, thu nhập còm cõi nhưng biết năng nhặt chặt bị nên bà chẳng quản ngại khó khăn.

Trời chẳng phụ công người, hai chục năm lao động quần quật, nuôi hai đứa con, vợ chồng bà còn dư dả dựng được cái nhà khang trang, bề thế. Nhưng, cũng đúng lúc ấy thì vận hạn dồn dập kéo đến. Mấy năm trước, bà Hiền cứ ốm quặt quẹo, việc buôn bán bữa đực bữa cái. Làm nhà xong, kinh tế cạn kiệt bỗng ông Hiền lại thay tính đổi nết xoay ra hay uống rượu. Mỗi lần rượu vào có gì bức bối ông Đức đều đổ hết lên đầu vợ. Chẳng những thế, cậu con trai lớn lên bằng những đồng tiền từ việc buôn đồng nát của bà lại vướng vào nghiện ngập. Đau đớn nào bằng, xót xa ai biết nhưng bà Hiền vẫn gắng gượng chịu đựng.

Bao nhiêu chuyện dồn nén, cách đây chừng một năm bà Hiền bị tai biến mạch máu não. Sau quá trình dài điều trị, bà bị liệt nửa người, việc đi lại rất khó khăn, thường xuyên phải đi châm cứu. Gần đây, sức khỏe của bà dần ổn định, bà đã một mình tự đi lại nhưng vẫn phải châm cứu thường xuyên. Đã quen việc chân tay, nay phải ngồi yên một chỗ, bà trở nên bí bách, ngột ngạt. Và riêng với phụ nữ thì cái chuyện phàn nàn, rồi ca thán cuộc đời là không thể thiếu.

Vợ bệnh, con phá phách, chơi bời, một mình ông Đức gánh cả trên vai mấy miệng ăn với đồng lương eo hẹp. Nhưng, không vì điều đó mà ông bỏ rượu ngược lại còn bết bát nhiều hơn. Mỗi lần chân nam đá chân chiêu về nhà, nghe vợ ca thán, nghe con nhũng nhiễu, ông Đức cũng không kiềm chế nổi mình. Con trai lớn, ông không dám mắng càng không dám đánh. Tất cả những điều ông làm trong cơn say, bà Hiền chịu hết. Sống qua nửa đời người, chung đũa chung bát hơn hai chục năm, lần đầu tiên bà Hiền giận dỗi bỏ về nhà mẹ đẻ. Biết cảnh ốm đau chẳng làm được gì nên bà Hiền chọn cách nín nhịn.

img
Chân dung người chồng bạc ác Nguyễn Kim Đức

Vợ chồng không còn tình yêu thì còn tình nghĩa. Khi tỉnh rượu, nghĩ lại ông Đức cũng tỏ ra ân hận, bỏ cái sĩ diện đàn ông đi xin lỗi vợ. Nhưng sau lời xin lỗi ấy là kết cục còn thảm thiết hơn.

Cạn tình bạc nghĩa?

Sau vụ việc xảy ra ngày 1.6, người ta bảo ông Đức bị tâm thần, bị ma xui quỷ khiến. Tôi nghĩ không phải. Khi bà Hiền bỏ về nhà mẹ đẻ chẳng phải ông đã sang xin lỗi sao? Chẳng phải ngay sau hôm muối mặt đến xin lỗi vợ để đưa về nhà, ông Đức đã nói lần này bằng mọi giá phải điều trị khỏi bệnh cho vợ sao? Ông Đức bị tiền sử tâm thần nhưng trong khi đẩy vợ xuống sông ai biết rằng chính lúc ấy ông hoàn toàn có thể chủ định được hành động của mình.

Khoảng 10 giờ 30 ngày 1.6, tại khu vực cầu Đuống, đoạn nối giữa phường Giang Biên (Long Biên) với thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội), ông Nguyễn Kim Đức, 50 tuổi, (tổ 1, phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) đã ném vợ của mình là bà Nguyễn Thị Hiền đang bị bại liệt xuống cầu sông Đuống. Thi thể của bà Hiền được tìm thấy hơn 1 ngày sau đó. Hiện ông Đức bị Công an huyện Gia Lâm tạm giữ để điều tra về hành động giết người. Được biết, ông Đức có tiền sử về bệnh tâm thần.

Cho đến chiều ngày 2.6, người ta mới tìm thấy thi thể của người phụ nữ bất hạnh trôi xa đến 15km, trên địa phận xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Sau đám tang buồn thê thiết ấy, ngôi nhà khang trang vắng hoe. Cái bếp mới cơi nới, cái nhà mới sơn, còn vợ chồng, con cái thì tan tác. Bạc tình thì đau, bạc nghĩa thì hận. Chắc hẳn khi hình dung về hành động điên rồ của ông Đức ai cũng thấy gai người.

“Nào ai ngờ được sự thể lại ra như thế. Trước, có chuyện gì cái Hiền cũng tỉ tê tâm sự với tôi. Chị em gái với nhau tôi cũng hiểu được nỗi băn khoăn của nó. Vợ chồng bao nhiêu năm khó khăn, đói khổ hơn thế còn chịu đựng được huống hồ giờ già rồi, con cái lớn rồi, có làm gì cũng phải ngó trước, trông sau. Đấy, tôi bảo nó thế. Có hôm nó bảo chán, nó muốn chết cho rảnh nợ”- bà Nguyễn Thị Chải (chị gái bà Hiền) tâm sự.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Kim Đức cũng khai rằng vì vợ muốn chết nên ông ta cho chết. Câu trả lời chứa đựng sự tàn nhẫn vô cùng tận. Khi đẩy vợ xuống sông mặc vợ kêu cứu, năn nỉ Đức cũng cố gạt đôi tay yếu ớt, tuyệt vọng của bà Hiền ra khỏi thành cầu. Trong khoảnh khắc ấy, không biết ông Đức nghĩ gì, chắc hẳn là không suy nghĩ, không một chút mảy may đắn đo, do dự. Còn bà Hiền nghĩ gì? Tôi đồ rằng lúc ấy bà nhận ra mình ngàn lần không muốn chết.

Cái chết của bà Hiền khiến nhiều người phẫn nộ lẫn chua xót. Kết cục của một gia đình mà một thời vô cùng hạnh phúc như thế quả thật thiếu công bằng. Một kết cục không có hậu thường để lại những nỗi đau dai dẳng và dư âm buồn. Có lẽ, ở một thế giới khác người phụ nữ bất hạnh ấy sẽ không còn hận người chồng bạc ác. Nhưng, ở cõi hiện tại người chồng ấy có chút ân hận nào hay không?

Ngày nào, trên mặt báo cũng nhan nhản những câu chuyện, những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, nào chồng giết vợ, vợ giết chồng, con giết cha…Vô vàn những trái ngang của cuộc đời đang bày ra trước mắt, không còn là lời cảnh báo mà là tiếng báo động. Khi kinh tế thị trường chi phối toàn bộ con người thì cái tình, cái nghĩa sẽ đi đến đâu?

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem