Bầu Đức đã đồng ý để Công Phượng chuyển sang khoác áo Mito Hollyhock trong vòng 1 mùa giải. Theo tiết lộ, thương vụ này mang về cho HAGL 100.000 USD (tương đương 2,2 tỷ đồng). Ngoài ra, tiền đạo 20 tuổi người gốc Nghệ An cũng sẽ nhận mức lương vào khoảng 3.000 USD/tháng, tức khoảng 66 triệu đồng/tháng. Như vậy, Công Phượng sẽ trở thành cầu thủ Việt Nam thứ 2 tới Nhật Bản chơi bóng, sau Lê Công Vinh (khoác áo Consadole Sapporo trong năm 2009).
Mito Hollyhock chưa chắc đã là môi trường lý tưởng để Công Phượng phát triển tài năng.
Thế nhưng nếu như Công Vinh cùng Consadole Sapporo chơi ở Hạng 2 Nhật Bản (J.League 2), thì nhiều khả năng Công Phượng sẽ phải xuống chơi ở giải Hạng 3 Nhật Bản. Chẳng có vụ lật kèo nào từ Mito Hollyhock cả, chỉ đơn giản là vì đội bóng này đang phải đối mặt với nguy cơ xuống hạng. Sau 34 vòng, đoàn quân dưới quyền HLV Takayuki Nishigaya đứng thứ 20/22 đội và chỉ còn hơn vị trí xuống hạng trực tiếp 5 điểm, trong khi khoảng cách với vị trí đá play-off là 4 điểm.
Điều đáng lo ngại hơn cả là đúng vào thời điểm quan trọng nhất của mùa giải thì Mito Hollyhock lại đá không tốt. Cuối tuần qua, thầy trò Takayuki Nishigaya thất thủ 0-2 ngay trên sân nhà trước đội bóng cùng cảnh ngộ Gifu, qua đó nối dài chuỗi trận không thắng lên con số 3. Ở 3 vòng tới, Mito Hollyhock sẽ lần lượt chạm trán những đối thủ hết sức khó chịu là Jubilo Iwata, Tokyo Verdy và V-Varen Nagasaki. Jubilo Iwata và Tokyo Verdy đều là những đội bóng có thực lực, do đó, khả năng họ bị 2 đối thủ đứng phía sau bắt kịp rồi vượt mặt là không hề thấp.
Thứ hạng của Mito Hollyhock tại J.League 2.
Rõ ràng, nếu phải đá ở giải hạng 3 thì mục tiêu học hỏi và nâng cao trình độ của Công Phượng khó mà đạt được. Bên cạnh đó, CLB Mito Hollyhock chưa hẳn là môi trường lý tưởng để Công Phượng nâng tầm bản thân, bởi họ chủ yếu ra sân với chủ trương đá để không thua. Vì thế, nếu sau 1 năm nữa, Công Phượng quay về Việt Nam mà không tiến bộ hoặc xấu hơn là thui chột thì cũng không phải chuyện lạ.
Công Phượng gia nhập Mito Hollyhock theo bản hợp đồng 1 năm, kèm mức lương vào khoảng 3.000 USD/tháng, chưa kể các khoản chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm, y tế. Thực tế thì đây không phải mức lương quá cao. Ở J.League 2, mức lương phổ biến là 7.000-10.000 USD/tháng, còn J.League 1 là 15.000-30.000 USD/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.