Ảnh chụp quân phát xít Nhật cùng các phụ nữ giải khuây Trung Quốc thời thế chiến 2
Những người “phụ nữ giải khuây” cho quân đội Nhật Bản thời chiến đang cam kết tiếp tục đấu tranh để được xin lỗi và bồi thường cho những đau khổ của họ.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm cuộc thảm sát của quân đội Nhật ở Nam Kinh, Trung Quốc, một nhà nghiên cứu phát hiện thêm hai người phụ nữ Trung Quốc từng làm nô lệ tình dục do quân đội Nhật thời thế chiến.
Nhà nghiên cứu Liu Guangjian đang nghiên cứu về vấn đề này cho Bảo tàng Phụ nữ Giải khuây ở Nam Kinh, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Ông cho biết chỉ có 15 phụ nữ giải khuây Trung Quốc còn sống ngày nay. Trong đó, có hai người mới công khai về thân phận trong quá khứ của mình.
"Một người đến từ Hồ Nam, một người ở Chiết Giang", Liu nói. "Những người này thậm chí còn không biết họ là phụ nữ giải khuây. Khi chia sẻ nỗi đau của mình với những người khác, câu chuyện của họ mới đến tai các nhà nghiên cứu. Sau khi được nhận định bởi các chuyên gia, họ mới được xác nhận là phụ nữ giải khuây”.
Nhân dịp này, Liu kể lại câu chuyện về một người phụ nữ giải khuây công khai về số phận của mình cách đây 36 năm. He Yuelian, hiện 89 tuổi, vẫn có những hồi tưởng đau đớn về quá khứ. 74 năm sau khi bị nhốt trong nhà thổ quân sự Nhật Bản, bà vẫn không quên được sự ô nhục mình từng trải qua.
Năm 1943, khi bà He 15 tuổi, quân đội Nhật xâm chiếm làng của bà ở Sơn Tây, Trung Quốc. Hai người lính cưỡng hiếp bà. Những người khác lục soát, tra tấn và giết chết vài người đàn ông. Sau đó, chúng trói bà He và 6 cô gái khác, ép làm nô lệ tình dục trong nhà chứa.
Bà He Yuelian, hiện 89 tuổi, là một trong 15 phụ nữ giải khuây còn sống ở Trung Quốc
"Tôi bị chảy máu vì những vụ hãm hiếp nhưng điều đó không ngăn lính Nhật tiếp tục cưỡng bức và tra tấn tôi”, bà nói, khuôn mặt giận dữ.
Quân đội Nhật Bản sử dụng cụm từ “phụ nữ giải khuây” để ám chỉ những cô gái và phụ nữ bị bắt cóc hoặc buôn bán từ khắp Châu Á-Thái Bình Dương, buộc phải làm nô lệ để phục vụ binh lính trong các nhà thổ quân sự.
Có hơn 1.000 nhà thổ như vậy ở Trung Quốc, chủ yếu là tại tiền tuyến. Các học giả cho biết có tới 400.000 cô gái và phụ nữ bị buôn bán trong hệ thống nô lệ tình dục có tổ chức cao của quân Nhật.
Vì chảy máu liên tục, He được đưa về nhà trong khi các cô gái Trung Quốc khác bị đưa vào nhà thổ. Tuy nhiên sau đó, He lại bị bắt và ép làm việc trong một nhà thổ khác trong hai tháng.
He nói mình bị hãm hiếp liên tục. Một người hàng xóm sau đó nhìn thấy bà và báo cho gia đình - những người sau đó tích góp tiền để mua bà từ tay lính Nhật.
Sau khi trở về làng, bà vẫn bị trầm cảm và đau ốm. Khi 18 tuổi, bà kết hôn nhưng do từng bị hãm hiếp nhiều lần, He không thể mang thai.
"Tôi đau đớn tột cùng. Việc đó khiến tôi mất mọi thứ”, He nói. "Tôi rất trong trắng, không hề biết gì về tình dục. Đó là cơn ác mộng không bao giờ kết thúc”.
Bà He nói rằng mình sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu để được xin lỗi và bồi thường cho những đau khổ của mình do quân đội Nhật gây ra.
Sau chiến tranh, vì rất thương người chị vô sinh, em gái của He đã tặng cho bà chính đứa con gái của cô.
"Tôi sống vì con gái nuôi của mình và tình yêu đặc biệt giữa chúng tôi", He nói. "Chăm sóc nó giúp tôi đứng vững".
Bà Liu Mianhuan, nô lệ tình dục thời chiến, biểu tình yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho phụ nữ giải khuây hồi năm 2004
Khi He bước sang tuổi 53, bà công khai nhận mình là phụ nữ giải khuây, cùng một người phụ nữ khác trong làng.
Khi được hỏi tại sao đợi 38 năm mới công khai điều này, He đáp: “Tôi quá xấu hổ khi nói về điều đó”. Bà cho biết có những nô lệ tình dục giữ bí mật đến cuối đời.
Liu, nhà nghiên cứu ở Nam Kinh, cho biết hệ thống phụ nữ giải khuây của quân đội phát xít Nhật là "cực kỳ vô nhân đạo và phá hủy tàn nhẫn phụ nữ".
"Đây là chấn thương kép, cả thể chất và tinh thần, đặc biệt với những người phụ nữ còn sống. Vì họ phải đối mặt với phán xét của gia đình, bạn bè và hàng xóm sau chiến tranh", Liu nói. "Sống trong nền văn hoá bảo thủ, những người sống sót phải chịu áp lực và chấn thương to lớn”.
Con rể của bà He, anh Bai Zengfa, cho biết chấn thương của bà rất "dữ dội".
"Mỗi lần bà ấy nghĩ về trải nghiệm của mình với những người lính, bà ấy hét lên Cút đi! Cút đi!. Đôi khi bà còn không biết mình đang hét lên", Bai kể.
Con gái của bà He cũng rất giận dữ khi biết sự thật. “Tôi cảm thấy buồn và giận dữ”, Cheng Aixian nói. “Sức khỏe của bà rất kém vì ảnh hưởng lâu dài của nô lệ tình dục. Nỗi đau của bà là nỗi đau của chúng tôi… Tôi muốn công lý”.
Bai và Cheng thề sẽ tiếp tục chiến đấu vì công lý cho bà He ngay cả sau khi "bà rời khỏi thế giới".
"Chúng tôi phải nói với thế giới", Cheng nói. "Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi công lý cho mẹ tôi. Tôi sẽ không dừng lại. Người Nhật phải xin lỗi trực tiếp với mẹ tôi và tất cả những phụ nữ giải khuây cao tuổi”.
Nhóm hòa giải của Nhật Bản đến thăm cựu nô lệ tình dục Trung Quốc và gia đình
Và 7 năm trước đây, He đã gặp vài người Nhật Bản lần đầu tiên sau khi bị bắt làm nô lệ. Một nhóm hòa giải Nhật Bản tên Healing River-Rainbow Bridge đến thăm những người sống sót và xin lỗi họ vì hành động của quân đội Nhật Bản.
Tomoko Hasegawa, một trong những lãnh đạo của HRRB, hy vọng công việc hoà giải của nhóm sẽ giúp tiết lộ sự thật lịch sử và hàn gắn vết thương cho những nô lệ tình dục còn sống, con cháu của họ và thế hệ tương lai ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bà He, con gái và con rể nói rằng những lời xin lỗi từ HRRB đã thay đổi quan điểm của họ về người Nhật bình thường.
"Chúng tôi đã khóc bởi vì chúng tôi rất cảm động trước lời xin lỗi của HRRB... trước khi chúng tôi cảm thấy hận thù vì những gì người Nhật gây ra cho mẹ tôi", Cheng nói. "Cảm giác đó rất phức tạp. Tôi thực sự ghét lính Nhật và những gì họ làm. Nhưng chúng tôi không ghét người Nhật nữa”.
Cho đến nay, tư liệu về “phụ nữ giải khuây” thời Thế chiến 2 vẫn rất ít ỏi và chủ yếu là hình ảnh những nạn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.