Chuyện “ông vua đẻ”: Khi “bố già” ra lệnh

Phàn Giào Họ Thứ hai, ngày 04/07/2016 00:00 AM (GMT+7)
Ở một gia đình có đến hơn 20 thành viên cùng chung sống, việc phân công công việc sao cho hợp lí là một bài toán không đơn giản đối với người chủ nhà như Ve.
Bình luận 0

Trước khi lên Cao Bằng tìm hiểu về cuộc sống của gia đình được cho là đẻ nhiều con nhất Việt Nam, tôi vẫn cố hình dung thường ngày họ sẽ sinh hoạt thế nào. Vì thế, khi đến nơi, tôi quyết định ở lại một ngày, một đêm cùng gia đình để tìm hiểu.

Những đứa trẻ không biết chữ

5h sáng, khi tiếng gà gáy vang thung lũng Tả Bốc cũng là lúc hai người vợ của Ve lục bục dậy đun nước, nấu rau, rang mèn mén ăn sáng. Bữa cơm buổi sáng chỉ đạm bạc có bát canh và mỗi người một lưng bát mèn mén.

img

Mọi công việc trong nhà đều được ông Ve phân công rõ ràng

Cơm, canh xong xuôi, bà vợ cả lại gọi Ve dậy. Ông Ve sau khi rửa mặt xong đi một vòng quanh nhà gọi tất cả những đứa con của mình ăn sáng. Vừa lúc đó, như một phản xạ, hàng loạt đứa trẻ gần 20 người đều bật dậy gấp chăn màn tinh tươm.

Sau bữa sáng giản đơn, Ve ngồi chễm chệ trên ghế, các con của Ve tự ngồi xếp hàng nghe “bố già” phân công công việc. “Ngày hôm nay, bà cả với 3 đứa lên nương làm cỏ ngô. Bà hai đi cùng 5 đứa lên đồi cắt cỏ bò cho cả ngày mai, vì mai sẽ rất bận rộn. Tôi sẽ phụ trách công việc nhà và chăm bẵm mấy đứa nhỏ”, Ve nói như ra lệnh.

Nói dứt lời, người tự khắc đi mài dao, người mài cuốc cứ thế mỗi người một đường. Ve bảo: "Nhà mình còn 4 đứa nhỏ, đến giờ vẫn chưa biết đi, số lớn hơn nhưng vẫn phải trông chừng, rời mắt là sợ có chuyện”. Ở gia đình này, cũng chỉ có vỏn vẹn vài ba người có thể nói sõi tiếng Việt.

Tôi dạo bước trên cánh đồng ngô quanh nhà Ve, một cô gái mặc sắc phục Mông đang mải miết vun cỏ ngô nhìn thấy tôi. Chị hỏi: “Có phải anh là nhà báo đến thăm gia đình ông Ve không?”. Tôi gật đầu.

Thì ra người phụ nữ ấy là con gái thứ ba của Ve, chị tên Trương Thị Sỉ (SN 1992). Sỉ bảo, cũng tại vì bố mẹ đẻ nhiều mà ở đây gia đình cô là nghèo nhất, phần lớn anh chị em cô đều không được nuôi dưỡng bằng bạn bằng bè.

img

Em Trương Thị Sỉ (SN 1992), con gái thứ 3 của Ve.

Ở gia đình đông con nhất vùng này, Sỉ là một trong số những phận nữ trong gia đình được học tử tế nhất. Cô học hết cấp 2, nhưng để theo đuổi con chữ, Sỉ phải tự mình bươn chải lo cái ăn, cái mặc. Ngày cô đến trường, để có tiền đi học, Sỉ tự mình đi gùi đất, gùi cát thuê cho những cai xây. Sỉ rầu rĩ: “Trong mấy chị em gái, có mỗi em là biết chữ thôi. Học hết lớp 9, em phải lấy chồng sớm, em có 3 em, hai chị gái đều đi lấy chồng rồi”.

Bữa cơm không gia vị

Cậu bé Trương Văn Vàng (SN 1997, con trai bà cả) ngày hôm nay cùng bố ở nhà chăm bẵm các em. Lại phải lo cả bữa trưa mang cho hai mẹ trên nương, trên rẫy.

img

Vàng say mèn mén chuẩn bị bữa trưa cho gia đình

Vàng nói, Vàng là đứa may mắn nhất trong số mấy anh em trai trong nhà. Ấy là cậu bé được học hết lớp 9, cũng như chị gái Sỉ của mình, Vàng đi học, bố mẹ không hề phải lo một đồng nào. Nhưng có điều cuộc đời của Vàng khổ, bởi nhà đã ít đất, đông anh em, nhưng gia đình cứ khăng khăng bắt cậu bé lấy vợ sớm, để rồi luôn phải lo cái ăn, cái mặc. Giờ vợ Vàng đang chửa, mấy tháng nữa sẽ lại thêm một thành viên nữa.

Có lẽ chính vì cuộc sống khổ sở ngay từ nhỏ, đã khiến những đứa trẻ miền dẻo cao trở nên cứng cáp hơn. Bữa cơm trưa, Vàng một mình cọt kẹt với cối say mèn mén, rồi tự mình hấp mèn mén. Tôi hỏi: “Gia đình em hôm nay ăn món gì?”. Vàng trả lời: “Ngày nào cũng như thế thôi, ăn rau anh ạ. Chứ nào có thịt bao giờ đâu”.

img

Bữa cơm trưa của các con Ve

Vàng cùng đứa em trai nhỏ hơn mình 5 tuổi tuốt bó rau ngót, rồi đun nguyên nồi nước xôi luộc làm canh. Cậu bé bảo, nhà mình ít khi có mỡ ăn, trừ khi nhà có đám, anh em dắt lợn sang thịt cho thì để được ít mỡ. Với lại mỗi lần nấu thức ăn, ngoài bỏ muối thì không có một gia vị nào khác cả.

Theo Vàng, mỗi lần gia đình đủ các thành viên thì nhà cậu phải bày biện chừng 4 mâm mới đủ ngồi. Mỗi lần xác định mổ gà, thường phải mổ 4-5 con mới đủ một bữa, bằng không lũ trẻ “diệt” một hồi là... trắng mâm.

Bữa cơm trưa hôm nay, Vàng ăn vội vàng rồi xách chiếc làn gói mèn mén và ống nứa đựng canh rau ngót cho các mẹ. Cậu bảo, nhà thì nhiều người, nhưng người lao động không nhiều.

Mới đây, 4 đứa con trai của bà hai cũng thi nhau lấy vợ về, họ tiếp tục sống chung vì không đủ đất. Dự tính trong thời gian tới, tính tổng các thành viên trong gia đình ông Ve có thể sẽ lên tới 30 người.

-----------------------------------------

Nhìn từ ngoài vào, nhiều người đồn đoán gia đình Ve hạnh phúc, nhưng thực tế lại không phải như vậy... Mời độc giả đón đọc Kỳ cuối: Chuyện “ông vua đẻ”: Thiếu đất cho "đội quân" hơn 20 người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem