Chuyện phóng viên bị lũ vây, bị 'nhốt' ở Bukit Jalil

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 07:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm con Hổ chứng kiến sức đi mạnh mẽ của các phóng viên Nông thôn Ngày nay. Xin giới thiệu chùm tâm sự kỷ niệm về các chuyến đi đó...
Bình luận 0

Lũ vây ở Ba Đồn

Ngày 4-10-2010, sau một ngày tác nghiệp ở vùng lũ, tôi về đến thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) trời bắt đầu tối. Không thể về nhà được, tôi đến trọ ở một nhà nghỉ gần chợ Ba Đồn. Đến 2 giờ sáng (ngày 5 -10), điện bỗng vụt tắt, nghe tiếng la hốt hoảng, tôi chạy xuống thấy nước đã băng vô hiên nhà nghỉ lúc nào, chung quanh bà con bồng bế, dắt dìu nhau chạy như chạy loạn.

Trong ánh đèn pin loáng thoáng giữa màn mưa dày đặc, hàng trăm người đang chạy lũ. Ti vi, tủ lạnh bị nước đẩy dồn đống, hàng hóa từ chợ Ba Đồn trôi nháo nhào trong dòng nước lũ…

img
PV Phan Phương (trái) tác nghiệp trên sông Gianh trong trận lũ lịch sử đầu tháng 10.

Sáng hôm sau, cả thị trấn Ba Đồn như chìm trong nước, tôi và hàng ngàn người dân khác bị lũ vây ở cái gò đất rộng chừng 1km2. Mưa vẫn không ngớt, nước lũ tiếp tục dâng cao. Cả đêm dầm mưa, cả người tôi hầu như bị ướt sũng, điện thoại, máy ảnh đều bị nước mưa làm ướt không thể hoạt động được.

Ruột gan tôi lại nóng ran, làm thế nào để đưa tin về toà soạn trong hoàn cảnh này. Cuối cùng tôi nghĩ chỉ còn cách là đọc qua điện thoại. May mà thị trấn vẫn có cái box điện thoại công cộng. Tôi gọi cho anh Cẩm Châu (Phó VP đại diện miền Trung) và được anh “ok”.

Tôi đọc, anh Châu chép… Sáng hôm sau, bài "Nước mắt Ba Đồn" đã phản ảnh được sức tàn phá khốc liệt của cơn lũ, đó cũng là nhờ công của anh Cẩm Châu, quả thật tôi không nhớ đã đọc những gì cho anh Châu nữa?

Đọc xong bài cho anh Châu chép cũng đã 16 giờ chiều. Nóng lòng vì ở nhà vợ tôi cũng mới chỉ sinh con được 5 tháng, nên tôi quyết định vượt lũ về nhà. Chỉ chạy được chừng 100m, chiếc xe của tôi đã tắt lịm vì ngập nước. Không còn cách nào khác, tôi đành dắt bộ xe trong dòng nước lũ.

Cũng may, chỉ dắt bộ chừng 3km thì gặp anh bạn lái xe tải đi ngang qua và cả người lẫn xe được anh bốc lên xe chở về nhà ở Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) đã 7 giờ tối; nhà tôi nước vẫn ngập lút đầu gối nhưng an lòng vì vợ và con trai vẫn bình an.

Tác nghiệp “chui” ở Campuchia

Trong hơn 2 năm về NTNN, tôi đã có khoảng 20 chuyến "xuất ngoại" sang Campuchia để tác nghiệp. Vì lý do bí mật, tất cả các chuyến đi này đều là "đi chui", không dùng hộ chiếu. Cách đi phổ biến nhất tôi hay áp dụng là đi tắt qua các cánh đồng, hoặc vòng các cánh gà cửa khẩu.

img
PV Hữu Danh trong chuyến công tác Trường Sa đầu năm 2011.

Ngay sau thảm kịch cầu Kim Cương ở Campuchia, tôi nhận lệnh từ tòa soạn phải tác nghiệp nhanh và gửi tin bài về sớm nhất. Cẩn thận cất hộ chiếu vào cặp, tôi phi xe gắn máy thẳng về hướng cửa khẩu Bình Hiệp (Mộc Hoá, Long An) ngay trong đêm 23-11-2010. Rạng sáng 24-11, tôi đã có mặt tại cửa khẩu, chờ sáng để làm thủ tục hải quan.

Mở hộ chiếu ra xem, mắt tôi như hoa lên khi nhìn thấy hộ chiếu vừa hết hạn đúng một tuần. Thế là như những lần trước, tôi vòng luôn đường cánh gà "nhập cảnh" Campuchia. Sang đất bạn, tôi tháo biển số xe cất vào cặp để giấu lai lịch (ở Campuchia, xe máy chỉ cần có đủ 2 kính chiếu hậu, còn giấy tờ và số xe… không quan trọng!).

Chạy thẳng xe đến Svay Rieng, tôi gửi xe lại bãi và đi taxi thẳng về Phnôm Pênh. Không có hộ chiếu nhưng điều hết sức thuận lợi cho tôi là ở Campuchia có rất nhiều người Việt luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng hương. Trong một tuần tác nghiệp tại Campuchia, tôi đã "ở nhờ" nhà của chính bác tài taxi - một Việt kiều thế hệ thứ hai nhưng rất rành tiếng Việt. Nhờ những thuận lợi này, đã có chục bài viết của tôi liên quan đến thảm kịch được đăng trên NTNN và Báo điện tử Dân Việt…

Bị “nhốt” ở Bukit Jalil

Những bước đi lảo đảo của một nhóm phóng viên VN đêm 15-12-2010 sẽ là ấn tượng khó quên đối với người bảo vệ SVĐ Bukit Jalil (Malaysia). Những bước đi lảo đảo ở đây có nguyên nhân từ mệt, đói, cùng nỗi buồn về trận thua 0-2 của ĐTVN trước chủ nhà trong trận bán kết lượt đi AFF Cup 2010.

img
PV Lê Đức trên sân Bukit Jalil (Malaysia).

Đêm hôm đó, sau trận đấu, bầu không khí bên trong trung tâm báo chí lặng lẽ. Chúng tôi ngại nói, ngại đưa ra những trao đổi, bình luận về trận đấu bởi ai cũng hiểu tất cả đang rất buồn...

Nhưng công việc vẫn là công việc, những bài viết vẫn phải hoàn thành để chuyển về nước kịp giờ in báo. Chính những nhân viên làm việc ở SVĐ cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên khi thấy nhóm phóng viên VN không ăn uống, mà vẫn làm việc chăm chỉ đến thế, khi đồng hồ đã chỉ sang 0 giờ.

Nhưng những người bất ngờ nhất chính là chúng tôi, khi bước ra khỏi phòng họp báo không còn một bóng người. Đường ra khỏi SVĐ bị khóa kín, hàng rào cao ngất... SVĐ Bukit Jalil rất rộng, đi mãi không thấy lối ra. Chỉ khi hình dung về một đêm chịu đói vì bị nhốt trong "nhà hát của những giấc mơ” Đông Nam Á Bukit Jalil bắt đầu xuất hiện trong đầu, thì "ánh sáng" mới mở phía cuối đường.

Còn một khe hẹp giữa các song sắt hàng rào đủ để một người có thân hình nhỏ bé nhất trong chúng tôi chui qua được, trước khi đi tìm người "giải cứu". Nhưng khi ra được ngoài rồi, chúng tôi lại bị "nhốt" trong một không gian lớn hơn, vắng vẻ, lạnh lẽo, khác hẳn bầu không khí cuồng nhiệt ở VN mỗi khi đội tuyển chiến thắng.

Viên Chăn thân thiện

Nhận được thông báo cử đi Lào cùng đoàn cán bộ báo chí của Bộ TT&TT, tôi hơi phân vân. Hỏi chị bạn đồng nghiệp vừa đi Lào về, tôi nhận được ngay lời khuyên: “Đi đi, nhiều cái thú vị lắm. Đi Lào cho nó lành...”.

img
PV Hồng Nga tại Viên Chăn.

Đất nước Lào còn nghèo, nhưng cuộc sống thật yên ả. Đất rộng nên ngay giữa Viên Chăn vẫn có rất nhiều nhà khuôn viên rộng bằng gạch hoặc gỗ giản dị theo kiểu truyền thống của Lào, xen vào đó là những khu biệt thự bề thế theo kiến trúc Pháp.

Giữa thời buổi sôi động của kinh tế thị trường, hiếm nơi nào không khí lại êm đềm, bình lặng như ở đây. Cũng các siêu thị, nhà hàng, vũ trường, những showroom ô tô hoành tráng mọc lên khắp nơi, nhưng đường phố không hề ồn ào khó chịu. Trên đường phố không thấy cảnh rác vứt bừa bãi hay bán hàng rong như ở VN.

Mua bán thứ gì ở Viên Chăn rất dễ chịu. Vào các gian hàng hay các quầy ở chợ, ta có thể lựa chọn hàng thoải mái, và dù chẳng mua gì, vẫn nhận được ở họ lời cảm ơn cùng nụ cười hiền hậu và ánh mắt thân thiện. Chúng tôi cứ ấn tượng mãi lần vào ăn phở sáng ở một nhà hàng ở Viên Chăn. Ở đây, trên các cây cột của quán đều treo những buồng chuối chín vàng. Khách ăn xong cứ việc bẻ chuối ăn tráng miệng tuỳ thích... mà chẳng thấy ai nói gì.

Còn nữa, hôm đó, trên đường về nơi ở, chúng tôi thấy một nhà bên đường có đề bán rượu Konsaiden (loại rượu đặc sản của Lào có nhiều tác dụng chữa bệnh), muốn mua về làm quà. Xe vừa dừng lại, tất cả ùa vào chen nhau lấy hàng. Chủ hàng là một thanh niên trẻ nói tiếng Việt lơ lớ. Vì mải mua bán tất bật, khi ra về tôi quên cả túi quà vừa mua ở chợ, cùng chiếc kính mắt.

Sáng hôm sau tôi mới nhớ ra, và phải đến chiều mới quay lại để lấy, với hy vọng rất mong manh. Vậy mà, vừa bước vào của hàng, tôi đã nhẹ cả người, vì chiếc túi và kính đang nằm ngay trên quầy trả tiền. Người thanh niên đưa trả tôi với một lời giải thích “chiếc kính để mãi trong cửa hàng”. Tôi chỉ còn biết nhắc đi nhắc lại lời cảm ơn bằng tiếng Lào “khopchay lailai”... (cảm ơn lắm lắm).

Đúng là đi Lào... lành thật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem