Chuyện sư cô từng là bạn ông trùm Năm Cam (Kỳ 3): Cạm bẫy nhân gian

Thứ ba, ngày 28/05/2019 08:31 AM (GMT+7)
Hai anh em sư cô Thiện mồ côi cả cha lẫn mẹ, sớm bước chân vào lăn lộn giữa cuộc đời. Thế nhưng, bà vẫn giữ cho mình được bản lĩnh để không bị kéo vào vòng xoáy của những cám dỗ, những cạm bẫy cuộc đời.
Bình luận 0

Chỉ là một đứa trẻ bán báo dạo, kiếm từng đồng bạc lẻ để lo cho cuộc sống. Thậm chí, bà kết nghĩa anh em với nhiều giang hồ máu mặt thời đó như Đại-Tỳ-Cái-Thế. Tuy nhiên, sư cô Thiện vẫn không bị ảnh hưởng tiếng xấu, vẫn giữ được bản tính hiền lành và luôn ghi nhớ lời mẹ dặn “giấy rách phải giữ lấy lề”.

Từ chối lời đề nghị của các đại ca

Như đề cập ở kỳ trước, sư cô Diệu Thiện tên thật là Nguyễn Thị Sự cùng anh trai tên Việt phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống sau khi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Khoảng thời gian ấy, “tứ đại thiên vương” của giới giang hồ Sài Gòn là Đại-Tỳ-Cái-Thế lôi kéo dụ dỗ quy tụ rất nhiều những đám trẻ bụi đời gia nhập hội của họ và anh trai của bà là một trong những số đó.

“Ngoài thời gian bán báo, anh trai tôi luôn tụ tập với nhóm của Đại Cathay quậy phá, đánh nhau. Có những lúc đi về, thấy người anh trai toàn thân tím tái, tôi hỏi, anh trai bảo mới đánh nhau về. Nhiều lần khuyên ngăn nhưng anh tôi vẫn chịu dứt khỏi đám giang hồ kia, mãi cho tới lúc bị bắt đi quân dịch”, sư cô nói.

Lúc bấy giờ sư cô gặp biết bao nhiêu cám dỗ của cuộc đời khi theo chân những đại ca khét tiếng một thời như Đại Cathay, Bảy Si, Lâm Chín Ngón, Năm Cam… Thế nhưng, theo sư cô Thiện: “Trong giới giang hồ lúc đó, cái tên uy lực nhất trong “tứ đại thiên vương” là Tín Mã Nàm, một tên giang hồ gốc Hoa quản lý khu vự Chợ Lớn (quận 5). Còn đám thanh niên thì Đại Cathay là cái tên hết sức liều lĩnh, không sợ bất cứ ai. Khu vực bán báo dạo hay đánh giày thời đó đều chia ranh giới rõ ràng, nếu ai xâm phạm sẽ bị xử hoặc đóng tiền ăn chia hoa hồng. Nhiều trường hợp, “ma cũ bắt ma mới” do đàn em của những “đại ca” gây ra".

img

Hình ảnh sư cô Diệu Thiện bây giờ.

Sư cô Thiện cho biết: “Sau khi kết nghĩa anh em, sư cô mới biết ẩn sau cái vẻ gầy gò, đen đúa của Năm Cam chính là tham vọng muốn nắm giới giang hồ. Khi đó tôi chỉ cười và cho rằng, Năm Cam đang nằm mơ. Bởi lúc đó, Đại Cathay chính là ông vua không ngai của giới du đãng. Ngoài ra, còn rất nhiều những bậc đàn anh, đàn chị có máu mặt khác thì đời nào mới đến lượt của ông ấy. Thế nhưng, mặc kệ sự cười nhạo của thiên hạ, Năm Cam tin rằng một ngày gã thống lĩnh thâu tóm nắm lấy quyền lực về tay mình".

Thuở thiếu nữ, sư cô nổi tiếng xinh đẹp trong khu phố, mỗi lần đi đến đâu bà đều bị đám thanh niên bu theo trêu ghẹo. Nhiều “đại ca” giang hồ tỏ tình nhưng sư cô Thiện vẫn một mực thẳng thừng từ chối.

Sư cô cho biết, Năm Cam lúc bấy giờ cũng quên mất sư cô là người em kết nghĩa mà đem lòng yêu thương sư cô. Để né tránh tình cảm của Năm Cam, sư cô dứt khoát từ chối và bà cố đem lòng yêu thương một chàng trai mồ côi có hoàn cảnh như bà, làm chung trong nhà hàng.

Ban đầu, bà cứ nghĩ hai người cố tỏ ra vẻ lãng mạn để Năm Cam từ bỏ hy vọng theo đuổi bà. Cũng từ đó, sư cô Thiện bén duyên, và không lâu sau đó bà lên xe hoa, kết thúc cuộc sống độc thân với chàng trai nghèo cùng làm chung. Sau đó, 2 người chuyển về bến Vân Đồn (quận 4) mưu sinh. “Từ lúc lấy chồng, tôi cắt đứt mọi liên lạc với Năm Cam. Tôi hiểu rằng, những điều Năm Cam nói về tham vọng của mình lúc trước hoàn toàn là sự thật. Vào con đường mà không thể rút chân ra được”, sư cô Thiện nói.

Hồng nhan bạc phận

Tuy lý lịch không mấy rõ ràng nhưng sư cô được thừa hưởng “hương sắc” hòa quyện giữa hai dòng máu vua chúa và cách mạng được xếp vào hạng “ả Tố Nga” thời đó. Với độ xinh xắn, nước da trắng, giọng nói ngọt ngào khiến không ít những gã trùm của xã hội đen điên đảo. “Không những Năm Cam mà cả Đại Cathay… muốn cưới tôi lúc đó. Hồi đó, mỗi khi anh trai đi chơi chung với các tay giang hồ thường dẫn tôi theo cùng. Nhiều tên cứ mon men trêu ghẹo tôi nhưng sợ anh trai tôi la mắng nên bọn chúng không dám. Nhất là Năm Cam, lão ấy rất thích tôi nhưng tính tình ngang bướng, nhiều lần đánh nhau với anh trai tôi. Vì thế, mỗi lần Năm Cam hẹn hò tôi đi chơi riêng đều bị anh tôi ngăn cản”, sư cô Thiện chia sẻ.

Sư cô Thiện dặn lòng kể: “Dù có chút sắc đẹp nhưng lúc gặp Năm Cam tôi không chấp nhận đánh đổi nhan sắc của mình để có được danh vọng tiền bạc mà các gã trùm đem ra để lấy lòng tôi. Bản thân Năm Cam cũng có vợ con từ rất sớm, nhưng máu “sát gái” của hắn thì không bao giờ đủ. Nếu tính thì không biết bao nhiêu bông hồng đã qua tay hắn. Có lẽ tôi là người thứ 2 hắn cưa cẩm, sau vợ hắn. Anh trai bị bắt đi quân dịch, Đại Cathay bị bắt, hắn tìm cách tiếp cận tôi tán tỉnh với những lời mật ngọt. Có lẽ lúc đó, tôi nghĩ mình có chồng để hắn không phải bám đuôi nữa”.

Sau khi có chồng, người chồng không giúp gì được mà mọi lo toan trong gia đình đều một tay bà gánh vác. Lần lượt 4 đứa con ra đời trong nhọc nhằn, lam lũ càng đè nặng lên đôi vai người mẹ trẻ khi phải lo cho chồng và các con. Thế nhưng, với sự đảm đang cùng trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, bà đã lần lượt vượt qua tất cả.

“Sau khi kết thúc chiến tranh, chồng tôi đi đánh cá rồi tổ chức đưa người vượt biên ra nước ngoài. Mỗi vụ trót lọt là người ta trả công cho 2 cây vàng. Cũng từ đây, chồng tôi quen với người phụ nữ khác, bỏ mấy mẹ con tôi bơ vơ giữa dòng đời xuôi ngược. Thế nhưng, cả chồng tôi và người tình của ông ấy cuối cùng đều bị bắt ngồi tù”.

Tới năm 1978, chồng sư cô mãn hạn tù trở về, có lại được sự tự do nhưng ông ta vẫn say đắm người tình cũ. Nuốt nước mắt, bà đành bế 4 đứa con ra đi. Trắng tay, bà về vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP. HCM) làm lại từ đầu, đồng thời, nuôi nấng đàn con, lúc đó, đứa đầu chỉ mới 10 tuổi, còn đứa út chỉ 4 tuổi.

“Người ta đến với nhau như một cái duyên nợ, khi duyên đã hết, nợ đã tan thì phải ra đi…”, sư cô thở dài khi nói về mối tình của mình. Với bao khó khăn trước mắt, đã có lúc sư cô như gục ngã nhưng nhìn những đứa con khóc nghẹt vì đói, bà đành cắn răng vượt qua. Cũng từ đây, bà phất lên như diều gặp gió để trở thành một “đại gia” trong giới bất động sản thời bấy giờ.

Người mẹ hy sinh vì con cái

Theo lời sư cô, vì sống cảnh đơn thân nuôi con thơ dại nên cuộc sống sư cô rất khó khăn. Tuy nhiên, với một tinh thần hy sinh của người mẹ, sư cô đã dành cho các con một cuộc sống đầy đủ đến lúc trưởng thành. “Rất nhiều lần tôi phải nhịn ăn để nuôi con cái. Những lúc mệt mỏi tôi cứ nghĩ đến số phận con và rồi vượt qua tất cả”, sư cô cho biết.

*Còn nữa...

Võ Đoàn (Công Lý)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem