Chuyện tấn phong GS, PGS: Ở chốn tinh hoa…

Thứ năm, ngày 01/03/2018 12:00 PM (GMT+7)
Chuyện tấn phong GS, PGS ở ta bỗng dưng ồn ào và tốn giấy mực của báo chí suốt cả tháng qua, đến mức Thủ tướng phải yêu cầu Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước rà soát lại và báo cáo.
Bình luận 0

Hôm nay 1/3, dự kiến kết quả rà soát lại 1266 vị ứng viên từng được coi là đủ tiêu chuẩn phong hàm GS, PGS sẽ được công bố.

Dư luận băn khoăn âu cũng là điều dễ hiểu. Bởi số lượng GS và PGS mới trong năm 2017 bỗng nhiên tăng đột biến, gấp đôi gấp ba những năm trước, cao nhất trong lịch sử 40 năm xét duyệt chức danh này. Con số trên đặc biệt nhạy cảm trong bối cảnh 2017 gần như là đợt xét duyệt cuối cùng trước thời điểm áp tiêu chuẩn mới cao hơn hẳn hiện nay.

Tâm trạng chung của một số vị GS, PGS khả kính là không bất ngờ, mà chỉ buồn ! Họ buồn bởi đáng ra câu chuyện của giới trí thức tinh hoa bậc nhất nước Nam này không nên và không thể ồn ào như thế. Ở chốn tinh hoa “mũ cao áo dài này”, những người làm thầy thiên hạ ở ngôi vị cao nhất về học thuật uyên thâm, không thể có chuyện nhập nhằng để được tấn phong phẩm hàm này nọ. Năm 2016 có câu chuyện “lò” đào tạo tiến sĩ năng suất cao đến giật mình, mỗi ngày cho ra lò 1 vị. Năm 2017 lại đến chuyện của một số vị GS, PGS. Buồn hơn, sau những ồn ào vừa qua, dường như các chức danh GS, PGS, học vị tiến sĩ đã vơi bớt đi phần nào giá trị dưới con mắt của xã hội.

Có vị PGS đưa ra tới 14 nghịch lý GS, PGS ở Việt Nam. Trong đó, nghịch lý đáng buồn nhất là: Chúng ta có số lượng GS, PGS được bổ nhiệm vào loại nhiều ở Châu Á, đặc biệt so với các nước Đông Nam Á, nhưng vẫn không có đại học nào được xếp hạng top 350 của châu Á (Theo Higher Education, 2017). Trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, thậm chí Philippines đều có đại học xếp hạng top này. Đó là điều phải trăn trở, suy ngẫm, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước thời cạnh tranh và hội nhập toàn cầu chắc chắn phải trông chờ vào đội ngũ các giảng viên đại học do các GS, PGS của chúng ta dẫn dắt.

Theo Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, thậm chí thua cả Lào, và được dự báo mức chênh lệch này còn tiếp tục gia tăng . Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia;56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. 

Muốn đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để nhanh chóng trở thành nước công nghiệp phát triển, không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt tầm khu vực và quốc tế. Trọng trách đó có vai trò quyết định của đội ngũ những người thầy trong hệ thống giáo dục – đào tạo nước nhà. Bởi vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ GS, PGS ngang tầm quốc tế là chuyện hệ trọng, tất yếu phải làm.

Học hàm GS, PGS đâu phải chỉ là cái danh, mà nội hàm của nó chất chứa biết bao trọng trách lớn lao gửi gắm nơi tinh hoa trí thức nước nhà. 

VIỆT HÙNG (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem