Kết quả chưa có biến động
Theo thông tin từ các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, hiện các hội đồng đã hoàn thiện báo cáo rà soát để gửi Hội đồng chức danh Nhà nước. Tuy nhiên, kết quả chưa có nhiều biến động.
Cụ thể, trước đó, thông tin với báo chí, đại diện Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán học cho biết, hội đồng này đã thực hiện việc rà soát trực tuyến. Phương thức là mỗi ủy viên hội đồng đã từng thẩm định hồ sơ nào thì xem lại thẩm định của mình, đồng thời chủ tịch hội đồng và các phó chủ tịch thường trực cũng truy cập vào được tất cả quá trình thẩm định để kiểm tra. Kết quả sau khi rà soát tại hội đồng này vẫn giữ nguyên. Được biết, hội đồng này có 1GS và 15 PGS. Các ứng viên GS có 33 bài báo quốc tế nằm trong danh mục ISI.
Số lượng GS, PGS tăng đột biến. Ảnh minh họa: IT.
Tương tự ở Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản cũng thông tin, tất cả các hồ sơ đều đã được kiểm tra, xem xét lại theo đúng hướng dẫn. Số lượng ứng viên đạt chuẩn GS và PGS năm nay của hội đồng này là 31 trong đó có 4 GS và 27 PGS. Con số này cũng không thay đổi sau khi rà soát.
Ở một số hội đồng khác như hội đồng liên ngành Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc Học; hội đồng Ngôn ngữ học… cũng chưa tìm ra sai sót.
Được biết, đợt rà soát này có sự tham gia giám sát của thanh tra Bộ GD ĐT. Cuộc họp ngày mai Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước sẽ nhận báo cáo từ các hội đồng chuyên ngành và liên ngành. Ngoài ra, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cũng có tiểu ban để thẩm định các báo cáo, hồ sơ nhằm đảm bảo việc rà soát nghiêm túc, minh bạch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu quy trình rà soát vẫn giữ nguyên như cũ sẽ khó phát hiện ra những hồ sơ không đủ tiêu chuyển.
Rà soát chính mình thì sao tìm ra sai sót
Một GS chuyên ngành Ngôn ngữ tại Hà Nội cho biết: “Việc kiểm tra, rà soát lẽ ra phải được thực hiện độc lập, từ thanh tra Bộ, hoặc ít nhất nhóm này kiểm tra nhóm kia, người không nằm trong hội đồng kiểm tra kết quả của hội đồng đó. Nếu cấp trên yêu cầu cấp dưới kiểm tra, rà soát chính mình như cách đang làm thì làm sao ra sai sót? Trong trường hợp chỉ ra sai sót khác nào tự… tát vào mặt mình”.
GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, việc tự rà soát kết quả của chính mình sẽ không thể cho ra kết quả chính xác, bởi lẽ nếu hội đồng đó cho ra kết quả nhiều hồ sơ có vấn đề thì là tự mình khẳng định mình làm không nghiêm trước đó.
“Phải có hội đồng độc lập khác rà soát, chặt chẽ và chỉ giữ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước làm chủ tịch thì mới khách quan, như thế kết quả chắc chắn sẽ thay đổi” – GS Dong nói.
Còn theo TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT cho rằng, trong số hơn 1.200 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm vừa rồi, có gần 100 người không làm việc tại các trường ĐH hay viện nghiên cứu.
Nếu không có thành tích khoa học đặc biệt xuất sắc, được tặng giải thưởng lớn ở trong nước và nước ngoài (theo yêu cầu trong quyết định 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng) thì rất dễ bị phát hiện là không đúng diện xét tuyển. “Thay vì để bị loại, những ứng viên này nên chủ động tự rút để giữ gìn danh dự” – ông Tùng bày tỏ.
Trước đó, ngày 1.2, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước chính thức công bố toàn bộ danh sách 1.226 GS, PGS được xét duyệt năm 2017. Con số “khủng” về số lượng GS, PGS đã khiến dư luận băn khoăn về chất lượng của các ứng viên. Ngày 8.2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm 2017, bảo đảm chất lượng theo quy định.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có công văn yêu cầu Thường trực Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định hiện hành, thường trực Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phải có báo cáo. Với những trường hợp này, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước sẽ kiên quyết không công nhận. Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước về kết quả rà soát ứng viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.