Chuyến tàu định mệnh và hơn 100 ngôi mộ vô danh

Thứ bảy, ngày 21/11/2015 14:58 PM (GMT+7)
Hơn 33 năm trước, tại Đồng Nai xảy một vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng làm hơn 200 người tử vong. Nhưng chỉ có một nửa những người xấu số được thân nhân tìm đến đưa thi thể về nhà.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Kim Hoạt, người tham gia cứu người và chôn cất các nạn nhân vụ TNGT đường sắt ngày 17/3/1982

Chuyến tàu định mệnh ngày ấy xuất phát từ ga Nha Trang về TP HCM gồm 12 toa chở đầy người và hàng hóa. Khoảng 5h sáng 17/3/1982, khi tàu đến khúc cua Bàu Cá thì bị lật. Hơn 200 hành khách và nhân viên trên tàu bị tử nạn. Đây có lẽ là vụ tai nạn đường sắt có số người tử vong lớn nhất Việt Nam. Trong lúc tìm cứu nạn nhân, nhiều người lúc đó không thể cầm lòng khi phát hiện một cặp vợ chồng trẻ lúc chết vẫn nắm chặt tay nhau, người vợ đang mang bầu chừng 5 tháng...

Chuyến tàu định mệnh

Nghĩa trang có hàng trăm ngôi mộ vô danh - nơi những nạn nhân xấu số năm xưa đang yên nghỉ nằm khuất sâu trong rừng cao su thuộc xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Chúng tôi tìm đến đây trong một buổi sáng trung tuần tháng 11. Thật khó có thể nói hết cảm xúc của chúng tôi khi đứng trước hàng trăm ngôi mộ vô danh nằm lạnh lẽo trên vùng đất xa xôi, cô tịch này. Chỉ khi có tiếng ồn của đoàn tàu chạy qua, sự hoang vắng nơi này mới phần nào vơi bớt.

Theo quan sát, nghĩa trang có diện tích khoảng 800 m2, bao quanh là vườn điều, cao su... bạt ngàn. Trước cổng nghĩa trang có đường ray xe lửa của tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đập vào mắt chúng tôi là chi chít những ngôi mộ vô danh, chỉ duy nhất một phần mộ có khắc tên Nguyễn Thị Minh Võ, SN 1945. Có phần mộ người thân xác định không rõ thì ghi: “Trong hai ngôi mộ này, có phần mộ mẹ chúng tôi. Phần mộ còn lại nếu có thân nhân xin liên hệ cùng chúng tôi qua số điện thoại…”.

Ông Nguyễn Đình Hồng, Cung trưởng Cung đường sắt Bàu Cá cho biết, hàng tháng vào ngày rằm, hay dịp lễ, Tết… ông và nhiều người khác trong ngành đều đến chăm sóc nghĩa trang và miếu thờ nơi tàu lật. Đầu tháng 10/2015, nhiều vị lãnh đạo ngành Đường sắt đã đến đây viếng những nạn nhân xấu số.

Ông Nguyễn Thành Sơn (62 tuổi, nhà ở ấp Hưng Long), một trong những người tiếp cận hiện trường vụ tai nạn thảm khốc đầu tiên lúc xảy ra tai nạn cho biết, khi ấy ông đang là cán bộ tuần đường của ga Bàu Cá.

Cùng chúng tôi thắp hương trước các ngôi mộ vô danh, ông Sơn run run giọng: “Chuyện xảy ra đã hơn 33 năm rồi nhưng tôi không thể nào quên được. Lúc ấy, trời mới tang tảng sáng, tôi đang ngủ thì nghe tiếng động mạnh phát ra từ phía ga Bàu Cá. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi chạy ra thì thấy cảnh tượng kinh hoàng. Cả một đoàn tàu trên 10 toa bị lật, nằm ngổn ngang bên đường ray. Riêng phần đầu tàu bị văng ra rất xa. Trong toa cũng như ở ngoài, có nhiều thi thể nằm la liệt, cũng có người còn sống, người bị thương, mắc kẹt, tiếng kêu cứu thất thanh vang lên nghe đau thắt ruột. Chưa từng thấy cảnh chết chóc bao giờ nên tận mắt chứng kiến cảnh tượng hãi hùng ấy, hồn vía tôi như bay đi đâu mất. Sau một vài phút trấn an, tôi đã điện báo lãnh đạo ngành Đường sắt và cấp trên nhanh chóng đến hiện trường cứu những người bị kẹt…”.

Theo ông Sơn, ước tính vụ tai nạn hôm ấy đã cướp đi mạng sống hơn 200 người. Rất nhiều người tử vong tại chỗ và tại bệnh viện hoặc đang trên đường đi cấp cứu. Sau đó, những thi thể không rõ danh tính và không tìm được người thân được đưa xuống mảnh đất gần đó để chôn cất và trên các ngôi mộ này đều ghi chữ “Vô danh”.

Cũng theo lời ông Sơn, sau khi vụ tai nạn xảy ra, các cán bộ ngành Đường sắt đã góp công lập ngôi miếu tưởng nhớ các vong linh ngay gần hiện trường vụ tai nạn. Sau đó, một người dân địa phương đã trúng số độc đắc và tình nguyện xây ngôi miếu này khang trang hơn. Và đến giờ trở thành nghĩa trang Đường sắt.

Ông Nguyễn Đình Hồng, Cung trưởng Cung đường sắt Bàu Cá (từ Km 1665+00 - Km 1674+00) cho biết, nghĩa trang Đường sắt nằm trong cung của ông quản lý. Vị trí tàu lật tại Km 1668+400 (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) tuyến đường sắt Bắc - Nam. Theo ông Hồng, chiếc tàu khi đó đang trên hành trình chạy từ Nha Trang vào TP HCM.

Nguyên nhân tàu lật nhiều khả năng do chạy nhanh và gặp cung ôm cua quá gấp cùng với độ dốc cao. Đến năm 1993, đoạn đường này đã được di dời, cải tạo nhằm giảm thiểu độ cong của vòng cua. Sau khi dời cung đường ra hướng khác, ông Sơn được đơn vị giao cho khu đất từng xảy ra vụ tai nạn năm xưa để ở và trông coi ngôi miếu trước nhà, hương khói cho những người xấu số.

img

Công nhân ngành Đường sắt đang tu sửa nghĩa trang

Ấm lòng người xấu số

Một trong những nông dân địa phương tham gia tích cực vào việc chôn cất nạn nhân thời điểm xảy ra tai nạn là cụ Nguyễn Kim Hoạt (năm nay đã 79 tuổi). Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn, cụ Hoạt kể rõ từng chi tiết khi đào huyệt, chôn nạn nhân: “Tôi không hiểu vì sao hôm ấy tôi và những bà con khác trong xã tham gia cứu hộ, đào hơn 100 cái huyệt từ sáng đến chiều mà không biết mệt. Những người xác định được thân nhân thì đến trưa đã có người thân đưa quan tài đến khâm liệm rồi chuyển đi. Riêng những người không xác định được thì phải chôn đến tối mới xong. Lúc chôn, tôi rất cẩn thận tìm giấy tờ tùy thân nhưng hơn 100 người không có giấy tờ và cũng không có thân nhân đến tìm. Quá thời hạn, dù rất đau lòng nhưng buộc chúng tôi phải chôn những người xấu số ấy và trên các ngôi mộ này đều ghi chữ Vô danh”, ông Hoạt ngậm ngùi nói.

Lặng thinh một hồi trước một ngôi mộ vô danh, ông Hoạt nói tiếp: “Hơn 33 năm qua, tôi vẫn âm thầm lặng lẽ chăm sóc từng ngôi mộ vô danh này. Tôi mong những nén nhang nhỏ này sẽ làm hương hồn những người xấu số được siêu thoát.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Hoạt còn vận động bà con ở ấp Tây Hòa đóng góp công sức tu sửa nghĩa trang. Ông Hoạt cũng tự bỏ tiền xây một bàn thờ nhỏ trước nghĩa trang để làm nơi đặt bát hương, đồ cúng cho những ai đến thăm mộ. Trước kia, nghĩa trang này vẫn chưa có tên, gần đây đã được UBND xã Tây Hòa đặt tên “Nghĩa trang Đường sắt”.

“Đêm đêm, tôi luôn nguyện cầu ơn trên, chỉ đường mách lối cho người thân của những người xấu số, biết rõ tìm đường về đây đưa hài cốt người thân của mình về. Tuổi tôi ngày càng cao, nên lúc nào tôi cũng mong đợi…”, ông Hoạt nói.

Trước việc làm thầm lặng của ông Hoạt, bà con và người dân địa phương thống nhất mỗi năm dành ra bốn ngày làm lễ chính tại nghĩa trang. Đó là ngày 2/11 (ngày đạo Công giáo tổ chức lễ “các đẳng linh hồn”), ngày mùng 2 Tết Âm lịch, ngày 17/3 (ngày xảy ra tai nạn) và ngày Rằm tháng 7 (xá tội vong nhân của đạo Phật). Theo lời ông Hoạt, sở dĩ chọn 4 ngày này là để những người theo đạo Phật và Công giáo đều dự được, bà con đến rất đông. Ai có cái gì thì mang đến cúng cái đó rồi cùng nhau chăm sóc các ngôi mộ… Nhiều năm tình nguyện trông coi nghĩa trang, ông Hoạt đã chứng kiến nhiều người ở khắp mọi miền đất nước đến đây tìm hài cốt người thân, nhưng không biết ngôi mộ nào nên đành để yên tại chỗ…

Chúng tôi rời nghĩa trang khi ánh mặt trời chuẩn bị khuất mình dưới những tán rừng cao su rộng lớn. Khóe mắt tôi cay cay khi nghĩ đến cảnh 33 năm trước, một gia đình ở một vùng quê nào đó, ra sân ga tiễn người thân của mình lên tàu làm nhiệm vụ hoặc mưu sinh ở nơi xa và đợi ngày trở về. Sự chờ đợi ấy đã kéo dài hơn 33 năm và họ có biết người thân của mình đã vĩnh viễn nằm xuống vùng đất xa xôi này…? 

Linh Hoàng - Danh Lư (Báo Giao thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem