Nguyễn Tuyền - Phạm Khải
Chủ nhật, ngày 10/09/2023 07:00 AM (GMT+7)
Theo GS Nguyễn Mại, chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Biden đã đánh động với thế giới về một Việt Nam mới. Còn về kinh tế, khi cả hai đủ năng lực, niềm tin, sẵn sàng ngồi xuống cùng làm, cùng thực hiện hợp tác "trong bạn có tôi, trong tôi có bạn" khi đó thương mại và đầu tư sẽ tăng vọt.
Nhân chuyên thăm lịch sử của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden sang Việt Nam ngày 10-11/9, PV Dân Việt có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) về mối quan hệ thương mại và đầu tư Việt - Mỹ trong chặng đường 20 năm bình thường hoá, hợp tác và phát triển trên tầm cao mới.
Thương mại Việt - Mỹ: Tăng trưởng thần tốc, chưa từng thấy
Thưa GS Nguyễn Mại, trải qua lịch sử đầy biến động, Việt Nam - Hoa Kỳ đã khép lại quá khứ, hướng đến tương lai và trở thành đối tác kinh tế quan trọng. Hàng loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao gần đây và đặc biệt là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước sang Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tầm quan trọng đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước cả ngoại giao đến kinh tế song phương? Ông có đánh giá gì về chuyến viếng thăm này?
- Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đánh giá về ngoại giao được đưa ra, tôi chỉ nói khía cạnh kinh tế. Đó là hai nước đã gạt đi rất nhiều khác biệt để thực sự thiết lập mối quan hệ thực chất, đối tác hợp tác toàn diện.
Trong quan hệ quốc tế nói chung và thương mại nói riêng, bất kỳ nước nào cũng vậy, hài hòa lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết. Việt Nam cũng vậy, đối ngoại đa phương, đa dạng hóa là mục tiêu vì lợi ích dân tộc, quốc gia với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác hợp tác tốt của các nước trên thế giới. Hiện chúng ta có quan hệ ngoại giao hơn 180 nước và quan hệ thương mại với hơn 160 nước cũng xuất phát từ quan điểm đa phương hoá, đa dạng hóa kể trên.
Năm nay là năm thứ 10, kỷ niệm đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ (2013-2023), trước khi ông Joe Biden sang Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đánh giá kể từ khi bình thường hóa giữa hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tạo quan hệ bền vững, năng động và hiệu quả. Tôi cho đấy là đánh giá đúng, thực chất.
Nhìn vào số liệu, chúng ta có thể thấy được. Thứ nhất, nếu năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt - Mỹ mới có 450 triệu USD, năm 2005 là 7,8 tỷ USD, 2015 là 45,1 tỷ USD và năm 2022 là 123 tỷ USD, gấp hơn 270 lần. Trong lịch sử thương mại Việt Nam không có tốc độ tăng trưởng nào bằng quan hệ thương mại với Mỹ.
Gần đây, Việt Nam được nhắc đến nhiều trong vai trò bên cung ứng đất hiếm trong chuỗi cung ứng toàn cầu với trữ lượng đứng thứ 2 thế giới. Hầu hết các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều mong muốn hợp tác cùng Việt Nam khai thác loại tài nguyên này. Ông thấy sao về cơ hội này của Việt Nam khi cân nhắc lựa chọn đối tác là Mỹ?
- Phải nói là quan hệ thế giới ngày nay là trao đổi lợi ích và vị thế, anh có cái gì trao đổi với tôi, anh mới có vị thế và ngược lại. Còn nếu anh phụ thuộc hoàn toàn vào tôi thì không bao giờ anh có vị thế đàm phán với tôi cả.
Trong khi thế giới đua nhau cạnh tranh về bán dẫn mà bán dẫn thì không thể thiếu đất hiếm được. Hiện Trung Quốc chiếm 70% đất hiếm của thế giới (khoảng trên 44 triệu tấn), còn Việt Nam có trữ lượng đứng thứ 2 thế giới (22 triệu tấn), rõ ràng đây là "vũ khí kinh tế" để đảm bảo sự phát triển trong tương lai khi công nghệ đang phụ thuộc lớn vào loại tài nguyên này.
Và thật may mắn cho Việt Nam, khi chúng ta bắt đầu mở cửa đã có dầu thô để xuất khẩu, đem về ngoại tệ cho đất nước, tạo 20% thu ngân sách hằng năm. Bây giờ, khi tiến đến một bước ngoặc mới, chúng ta phát hiện và có kế hoạch khai thác đất hiếm.
Việt - Mỹ hợp tác cùng khai thác "vũ khí kinh tế" mới - Đất hiếm?
Có thể nói, đất hiếm là quý giá vô cùng. Năm 2022, chúng ta xuất hơn 4.500 tấn đất hiếm, thu về hơn 200 triệu USD. Nếu chúng ta xây dựng chiến lược khai thác, chế biến và tạo giá trị gia tăng từ loại tài nguyên này, sẽ là lợi thế rất lớn đối với kinh tế đất nước.
Hiện, sản xuất bán dẫn không chỉ có Intel, Samsung, LG hay Foxconn mà còn nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất và thị trường này đang rất rộng mở. Việt Nam có cơ hội vì có tài nguyên lớn, chúng ta có át chủ bài và chiến lược cần liên kết, khai thác hợp tác có hiệu quả để tận dụng cơ hội đưa đất nước phát triển trong các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực mới cho đất nước.
Doanh nghiệp Mỹ, các sản phẩm công nghệ của Mỹ cần đất hiếm như một sản phẩm tất yếu và họ bắt buộc phải hợp tác để cùng chia sẻ lợi ích. Việt Nam có mục tiêu chiến lược tiến đến tự chủ sản xuất bán dẫn, chip do doanh nghiệp Việt Nam hoặc hợp tác với các nước để sản xuất chip tại Việt Nam. Rõ ràng, việc hợp tác với Mỹ hay bất kỳ đối tác nào đều phải thể hiện được tinh thần cùng thắng, cùng lợi ích cốt lõi.
Thế giới hiện nay đã phát triển ngoại giao, hợp tác kinh tế đa phương hoá, đa dạng hóa hơn nhiều, song hợp tác thương mại - đầu tư với Mỹ vẫn được nhiều quốc gia xem trọng đặc biệt. Theo ông vì sao hợp tác Việt - Mỹ về công nghiệp cao chưa xứng với kỳ vọng và đã đến lúc chúng ta đưa vấn đề này để bàn tính và tận dụng tốt hơn?
- Phải thống nhất một quan điểm, quan hệ đầu tư, thương mại với bất kỳ quốc gia nào cũng có lợi và đây là điều kiện để đảm bảo phát triển đất nước. Tuy nhiên, nếu thực hiện mục tiêu chiến lược, chúng ta cần chọn, chơi với đối tác có đủ năng lực, đủ niềm tin, sẵn sàng ngồi xuống cùng làm với ta, cùng ta thực hiện hợp tác "trong bạn có tôi, trong tôi có bạn". Và đối tác này không nhiều.
Chúng ta trải qua nhiều năm thu hút FDI bằng mọi giá để phát triển chiều rộng của nền kinh tế. Nhưng Nghị quyết 50/NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về thu hút FDI đã chỉ rõ thu hút vốn ngoại thời gian tới cần tăng về chất, có hiệu quả, thực hiện mục tiêu chiến lược. Từ đây chúng ta "gạn" ra những đối tác chiến lược, để tập trung thu hút đầu tư.
Với Mỹ, họ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ nguồn, cốt lõi và việc hợp tác trong lĩnh vực này sẽ cần lựa chọn, cân nhắc rất kỹ dựa trên ưu nhược điểm và tác động lan toả.
Tôi nhớ khi Chủ tịch Tập đoàn Intel sang Việt Nam, có trao đổi với lãnh đạo Việt Nam là tập đoàn lntel hiện có ba nhà máy sản xuất chip đầu nguồn ở Mỹ, Scotland và Israel. Họ cũng mong muốn việc sản xuất chip ngay tại Việt Nam. Đây dù mới là ý định, khởi đầu, nhưng nếu không phải là đối tác đáng tin cậy, thì họ không có ý định như vậy. Nếu họ đã có lòng, chúng ta cũng có bụng, cùng hiện thực hóa mục tiêu, rõ ràng, cụ thể để phát triển.
Đây cũng là mục tiêu, định hướng của Việt Nam bởi Việt Nam có chiến lược phát triển bền vững, cam kết năm 2050, Việt Nam sẽ phát thải bằng 0 với thế giới, điều này có nghĩa hợp tác với bất kỳ nước nào về lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ cũng cực kỳ quan trọng và càng tốt nếu chúng ta hợp tác với Mỹ.
Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta có thể làm được những điều này khi chúng ta là một trong những nước phát triển ngành công nghệ thông tin hàng đầu ASEAN và khu vực. Chúng ta có chiến lược phát triển ngành bán dẫn và có tài nguyên đất hiếm thứ 2 thế giới.
Ngoài ra, tài nguyên lớn nhất hiện nay là trí tuệ và bản lĩnh người Việt Nam. Thế hệ trẻ ngày nay thông minh, nhanh nhẹn và ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới… Đây là những điều quan trọng giúp chúng ta có lợi thế khi liên kết với không chỉ Mỹ mà còn tất cả các nước khác, đó là khởi đầu quan trọng trong hợp tác sâu rộng ngành lĩnh vực chiến lược trong tương lai.
Từ những kết quả rất tốt đẹp của thương mại Việt Nam - Mỹ trong hơn 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, giờ là lúc Việt-Mỹ hướng đến một kết quả mới trong hợp tác kinh tế là thúc đẩy vốn Mỹ, công nghệ Mỹ hiện diện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Theo GS, Việt Nam cần làm gì để thu hút ngày càng nhiều vốn mỹ, công nghệ Mỹ vào Việt Nam?
- Trong chiến lược thu hút FDI, Việt Nam có quan điểm không còn coi trọng về số lượng mà đặt chất lượng và phục vụ ngành ưu tiên lên hàng đầu. Thu hút FDI làm sao hiệu quả nhất, gắn với thực hiện bằng được các mục tiêu chiến lược của đất nước đề ra. Đó là định hướng rất đúng, trước đây chúng ta muốn thực hiện nhưng chưa làm được, bây giờ chúng ta có thể làm được rồi.
Thu hút FDI không phải chúng ta không có tiền đầu tư từ các nước mà chúng ta có thể lựa chọn được nhà đầu tư tiềm năng, đúng định hướng hay không. Với vốn FDI của Mỹ, cộng cả bên thứ 3 sẽ nhiều hơn.
Thiếu vắng "vốn lớn, công nghệ lõi" của Mỹ ở VIệt Nam
Theo tôi, chất xúc tác cho đầu tư thương mại Việt - Mỹ là các chuyến viếng thăm liên tiếp của các nhà lãnh đạo Mỹ, doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ đến Việt Nam đã đánh động thế giới về một Việt Nam mới, nơi đảm bảo lợi ích của các bên, nơi đem lại thặng dư lớn và đối tác lớn cho doanh nghiệp Mỹ và toàn cầu.
Những câu nói của doanh nhân, tỷ phú thế giới đáng giá hơn nhiều lần vì đó là lợi ích, là giá trị thực tế. Họ xét Việt Nam không chỉ xét về lợi ích của mình mà còn xét về lợi ích của chính họ, của dân tộc họ, từ đó, là lợi ích hai bên. Vì vậy, chúng ta nói về đầu tư, với số vốn chỉ hơn 800 triệu USD trong 8 tháng qua của Mỹ, không thấm tháp gì so với số vốn 120 tỷ USD mà Mỹ đầu tư ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng chúng ta hãy chờ, như chờ vào kim ngạch thương mại chỉ vài trăm triệu USD đã phát triển thần tốc lên hàng chục, đến hơn 100 tỷ USD.
Nhiều người cho rằng, với số đầu tư hơn 120 tỷ USD ra nước ngoài của Mỹ ra nước ngoài mỗi năm, thì số đầu tư hơn 11,7 tỷ USD của Mỹ vào Việt Nam đến nay là quá thấp. Vậy nguyên nhân có phải do chưa tìm thấy lợi ích của nhau hay do nền kinh tế Việt Nam thiếu sức hút?
- Tôi không muốn nói các nguyên nhân lớn tầm lợi ích hoặc sức hút của Việt Nam bởi đó là vấn đề khó nắm bắt và không phải cắt nghĩa được hết. Việt Nam luôn có sức hút đối với thế giới và Việt Nam luôn phải cạnh tranh với các nước khác để tranh giành lợi thế, sức hút với các nhà đầu tư tư bản thế giới. Đó là nhiệm vụ xuyên suốt và sứ mệnh của chúng ta, không thể nào khác được.
Có ba vấn đề chúng ta cần tự cải thiện, hay nói cách khác là thay đổi, xóa đi làm lại để không chỉ thu hút vốn Mỹ đâu mà còn cả các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU…
Thứ nhất là cởi bỏ thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế quản lý xin cho đã đang tồn tại như hiện nay. Thứ hai là muốn vốn của đại doanh nghiệp Mỹ, EU, chúng ta cần xây dựng thể chế pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch, công khai, dễ dự báo, ít thay đổi, không hồi tố… và phải thực thi luật pháp nghiêm chỉnh.
Thứ 3, đặc biệt quan trọng là Mỹ đề cao bản quyền, sở hữu trí tuệ, tài sản thương hiệu… Muốn Mỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, chúng phải nghiêm trị hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại để họ yên tâm làm ăn.
Và cuối cùng là tham nhũng vặt, gắn với sách nhiễu, đòi hỏi nhà đầu tư phải lót tay vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Nếu không có cải cách triệt để, chúng ta sẽ bỏ qua những cơ hội của các nhà đầu tư chân chính, bài bản.
Không phải các đại doanh nghiệp Mỹ, EU chưa đầu tư vào Việt Nam mà là do chúng ta chưa tìm được các điều kiện, tranh thủ để cơ hội để họ đầu tư vào Việt Nam. Tôi mong muốn dịp sang thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ sẽ là cơ sở, tiền đề chúng ta sòng phẳng những vấn đề trong hợp tác đầu tư, sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, triệt để xóa bỏ những vấn đề tồn tại của cơ chế quản lý, đầu tư để biến những cơ hộ tốt đẹp từ ngoại giao, chính trị, trở thành những thành quả kinh tế đầy hiệu quả, thực chất và VIệt Nam thực sự tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Mỹ./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.