“Vợ nhặt” đời thực: Chuyện tình nửa thế kỷ của “ông điếc - bà mù” lênh đênh bên bờ sông Hồng

Phạm Thứ Chủ nhật, ngày 24/03/2024 06:00 AM (GMT+7)
“Thương em nhạt phấn hoa đào/ Đèn khuya hắt bóng xanh xao mộng đời/ Nụ cười thắm nở vành môi/ Nhân duyên là lẽ mây trời nước sông”, ông Thành dùng cái tứ thơ đó để kể về chuyện tình cảm với người “vợ nhặt” đã chung sống mình suốt hơn nửa thế kỷ.
Bình luận 0

Chuyện tình nửa thế kỷ của “ông điếc - bà mù” lênh đênh bên bờ sông Hồng. Media: Phạm Thứ.

Chuyện tình của “ông điếc - bà mù” bên bờ sông Hồng

Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 2km, dọc theo lối xuống từ chân cầu Long Biên, chúng tôi hỏi thăm tới căn nhà phao của ông Nguyễn Văn Thành (88 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thuỷ (87 tuổi).

Lênh đênh bên bờ sông Hồng, căn nhà của ông bà Thành - Thuỷ nằm trong khu vực của CLB TDTT cựu chiến binh sông Hồng. Sau những ngày mưa phùn nồm ẩm, Hà Nội có một ngày nắng đẹp. Chúng tôi tìm tới và bắt gặp ông Thành đang phơi chỗ quần áo chưa khô từ mấy hôm trước và chiếc chiếu cói mà ông bảo “cất từ Tết tới giờ, sợ hỏng”.

 “Vợ nhặt” đời thực: Chuyện tình nửa thế kỷ của “ông điếc - bà mù” lênh đênh bên bờ sông Hồng - Ảnh 1.

Hai vợ chồng nghèo nương tựa nhau hơn 50 năm bên bờ sông Hồng. Ảnh: Phạm Thứ.

Chúng tôi đánh tiếng từ trên bờ nhưng không nhận được phản hồi từ ông Thành. Chỉ thấy ông nở một nụ cười thật tươi trên gương mặt phúc hậu tròn trĩnh, để lộ hàm răng đã móm quá nửa.

Phía trong nhà, tiếng người phụ nữ lớn tuổi hét lớn: “Ông ơi, có ai đến kìa. Chào ông mà ông không nghe à”. Liền đó, ông mời chúng tôi vào căn nhà đang dập dềnh theo từng đợt sóng mà tàu thuyền tạo ra mỗi lần đi ngang qua.

“Ông nhà tôi điếc, chả nghe thấy gì. Tôi thì mù, chỉ có ở trong này. Ấm ớ gặp ậm ờ, chả biết đường nào mà lần”, bà Thuỷ cười lớn và nói.

Căn nhà của ông Thành bà Thuỷ được đóng bằng những miếng gỗ, lợp mái tôn, phía dưới là những chiếc thùng phi để giúp căn nhà nổi trên mặt nước.

Căn nhà chật hẹp chỉ khoảng 15m3 nhưng rất mực gọn gàng, sạch sẽ. Đồ xin được, ông Thành đều mang về lau rửa sạch sẽ, sắp xếp hợp lý trong nhà.

“Một năm nay, nhà tôi chắc khá nhất khu xóm Phao này rồi đấy. Nhiều người biết, quý mến, tới thăm rồi giúp đỡ, chúng tôi cũng đỡ vất vả”, ông Thành tự hào kể.

Ông rót nước mời khách rồi cầm cuốn sách dày cộp đang đọc dở trên sàn xếp ngăn nắp cùng mấy cuốn sách vở khác ở đầu giường.

“Tôi đang đọc sách, thơ Phật cho bà ấy nghe”, ông Thành bảo.

Một điều bất ngờ với chúng tôi vì ông Thành cho biết, cả đời hai vợ chồng ông sống bằng nghề nhặt rác, ve chai ở đường, ông không được đi học và biết đọc chữ từ việc “học lỏm”.

Điều bất ngờ hơn, ông còn làm tới cả trăm bài thơ đủ các thể từ lục bát tới ngũ ngôn, Đường luật. Từ những bất ngờ ấy, tôi hỏi ông Thành đã bao giờ viết thơ tặng bà Thuỷ chưa.

Ông liền đọc: “Xưa kia tôi mới gặp bà/ Tuổi đời còn trẻ, tóc là còn xanh/ Gọi nhau một tiếng em anh/ Tỉ tê tâm sự trở thành tình yêu….”.

Đó cũng là cách ông mở đầu câu chuyện về tình yêu của hai ông bà. Hơn 50 năm trước, ông Thành là một chàng trai mồ côi quê Thanh Hoá, ra Hà Nội nhặt rác để mưu sinh sống qua ngày.

 “Vợ nhặt” đời thực: Chuyện tình nửa thế kỷ của “ông điếc - bà mù” lênh đênh bên bờ sông Hồng - Ảnh 2.

Ông Thành xăm lên cánh tay con số 26-9/69. Đó là ngày chính thức hai ông bà về sống với nhau. Ảnh: Phạm Thứ

Ngày 26/9/1969, khoảnh khắc định mệnh mà có lẽ cả đời ông Thành chẳng bao giờ muốn quên. Đó là ngày mà hai ông bà gặp nhau, đều trong bộ dạng rách rưới tả tơi. Câu chuyện “Vợ nhặt” ngoài đời thực của ông Thành bà Thuỷ, giống như Tràng và thị trong tác phẩm văn học của Kim Lân bắt đầu.

Ông Thành hồi tưởng: “Thời điểm đó, cả hai chúng tôi đều mặc cái bộ quần áo rách. Tôi thấy bà ấy đang nhặt gạo vào ống bơ ở sau nhà ga nên ra thăm hỏi. Biết được cô gái này quê Thái Bình và có hoàn cảnh tương đồng nên mới ngỏ lời bảo bà ấy về ở chung, có rau cháo gì ăn nấy, lúc ốm đau thì có người mà nương”.

Bà Thuỷ ngồi bên cạnh cụng đầu vào ông Thành và bộc bạch: “Cụng đầu nhau cái là xong rồi. Hai ông bà đi nhặt rác cùng nhau đến với nhau thôi, chả cưới xin gì cả. Về với nhau để khỏi phải giành rác với nhau (cười lớn)”.

 “Vợ nhặt” đời thực: Chuyện tình nửa thế kỷ của “ông điếc - bà mù” lênh đênh bên bờ sông Hồng - Ảnh 3.

Ông Thành biết chữ từ "học lỏm" nhưng có năng khiếu viết thơ rất hay và cảm động, đặc biệt là những bài thơ về mẹ. Ảnh: Phạm Thứ.

Ông Thành khoe một bài thơ khác, không phải do ông viết nhưng bao quát được toàn bộ về cuộc đời hai ông bà do vị khách tới thăm viết lưu bút tặng: “Thương em nhạt phấn hoa đào/ Đèn khuya hắt bóng xanh xao mộng đời/ Nụ cười thắm nở vành môi/ Nhân duyên là lẽ mây trời nước sông”.

“Thuở ấy mà được đi học thì cuộc sống bây giờ đã hơn khối”, ông Thành chia sẻ.

Nói rồi ông cầm giấy bút ngồi phía cửa sổ viết tiếp mấy dòng thơ ông đang viết dở.

Chuyện tình đẹp: Cuộc sống nghèo khó nhưng đầy ắp tiếng cười

Đã là năm thứ 55 kể từ ngày ông Thành bà Thuỷ về nương tựa sống với nhau. Cuộc sống có thể bữa đói, bữa no; những đắng cay ngọt bùi cũng nếm đủ cả.

Bữa cơm hằng ngày của cặp vợ chồng già chỉ quanh quẩn nồi cơm trắng thổi xoong gang bằng lửa bếp ga, đĩa rau luộc và bát mắm ớt. Hoặc bữa thì mì tôm trộn nhộng tằm, hiếm lắm có bữa cơm nào có thịt. Ông Thành bảo có khi ăn uống đạm bạc thế mà ít bệnh.

 “Vợ nhặt” đời thực: Chuyện tình nửa thế kỷ của “ông điếc - bà mù” lênh đênh bên bờ sông Hồng - Ảnh 4.

Dù còn khó khăn, bữa no bữa đói, nhưng cuộc sống của ông Thành và bà Thủy luôn tràn đầy những tiếng cười. Ảnh: Phạm Thứ.

Nhưng cũng không hẳn là vậy, bởi nước sinh hoạt dùng trong ăn uống, tắm giặt và rửa chén bát đều được… múc lên từ sông Hồng.

“Năm 2017, tôi bị hỏng đôi mắt. Chả biết lúc ấy làm sao mà tai ông cũng bị nặng. Nói chuyện với ông cứ phải hét lên, bây giờ thì đủ sức chứ mấy nữa không còn sức không biết đường nào. Lắm lúc tôi cũng trách ông giời sao mà khổ thế, nhưng rồi lại cũng chấp nhận. Bây giờ thì tôi cảm thấy may mắn, vì ông sức khỏe tốt, ít ốm đau. Thương ông vất vả, phải lo hết mọi thứ. Có mấy hôm ông ốm mà phải cố lết dậy cơm nước, không thì cả hai đều nhịn…”, bà Thuỷ nghẹn nào.

Hằng ngày, ông Thành lang thang trên các phố phường với chiếc xe đạp để nhặt rác từ khoảng 20h tới 1-2h sáng hôm sau, có hôm thì tới sáng mới về. Ngày nhiều thì 40-50 nghìn đồng, ít thì chỉ được 10-20 nghìn đồng.

Mỗi lần ông Thành đi đều phải đóng kín các cửa để đề phòng bà Thuỷ không thấy đường mà ngã xuống sông. Bà Thuỷ ở nhà cũng chẳng yên tâm, sợ cái tai ông lãng, còi xe chẳng nghe thấy rồi không may bị tai nạn.

Trước đây, ông Thành cũng từng có thời gian “cướp cơm của hà bá”, đó là công việc vớt người chết. Cũng có cả những lần ông Thành cứu sống được những người tự tử.

Vợ chồng ông Thành sống chan hoà, dễ mến nên hằng ngày có khá nhiều người ra bãi sông để ghé thăm căn nhà của vợ chồng ông. Từ độ nhiều người biết tới, cuộc sống ông bà cũng khá hơn một chút vì nay người này cho cái này, mai cho cái kia. Đồ dùng tiện nghi cũng gần đầy đủ cả. Có điều, thỉnh thoảng đồ dùng trong nhà ông bà bị người ta lấy trộm mất.

 “Vợ nhặt” đời thực: Chuyện tình nửa thế kỷ của “ông điếc - bà mù” lênh đênh bên bờ sông Hồng - Ảnh 5.

 “Vợ nhặt” đời thực: Chuyện tình nửa thế kỷ của “ông điếc - bà mù” lênh đênh bên bờ sông Hồng - Ảnh 6.

Hai ông bà Thành - Thủy thường có thói quen hút thuốc lào. Ảnh: Phạm Thứ.

Đôi vợ chồng kể về cuộc đời lang thang, trôi nổi của mình mà thản nhiên cười ha hả. Thi thoảng, hai ông bà lại thay phiên nhau rít hơi thuốc lào. Cách đôi vợ chồng già bình thản đón nhận những điều không như ý khiến cuộc sống của họ trở nên nhẹ bẫng. Giống như căn nhà phao của họ cứ dập dềnh trước những đợt sóng gió, vẫn lênh đênh bên bờ sông Hồng.

“Chỉ mong làm sao có sức khỏe, vợ chồng nương tựa nhau mà sống. Tôi làm sao thì cả nhà khổ. Có lần bị người ta hiểu nhầm, phải ở trại trên Ba Vì tận 4 tháng. Phải giải thích biết bao lần là còn vợ mù ở nhà không ai chăm sóc, họ mới cho về. Lần ấy đến khổ”, ông Thành rưng rưng kể lại. 

Ông Nguyễn Đăng Được (người được dân xóm Phao phong là trưởng xóm) cho biết: "So với các hộ gia đình khác ở xóm phao, cuộc sống hiện tại của ông Thành và bà Thuỷ dường như tốt hơn. Ông bà ấy dễ mến, nên được mọi người thường xuyên ghé chơi và giúp đỡ. Ông Thành dù tuổi cao nhưng sức khoẻ vẫn tốt và tháo vát. Mọi sinh hoạt rồi sửa nhà sửa cửa một mình ông ấy lo hết. Tôi biết 2 ông bà ấy hơn 20 năm nay từ hồi bà Thuỷ còn khoẻ, 2 ông bà vẫn thường xuyên cùng nhau đi nhặt rác, nhưng chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay bất hoà gì với ai cả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem