Chuyện tri ân ngày Tết: Phụ huynh dúi phong bì vào tay giáo viên
Chuyện tri ân ngày Tết: Phụ huynh dúi phong bì vào tay giáo viên
Thứ sáu, ngày 06/01/2023 06:15 AM (GMT+7)
"Tết này "đi" thầy cô bao nhiêu?"; "Nên mua quà là hiện vật hay tặng thầy cô phong bì cho tiện?"; "Tôi nghĩ nên "đi" trước Tết kẻo đợi đến mùng 3 Tết thầy cô lại bận mất"…
Gần dịp Tết Nguyên đán, các phụ huynh lại tranh luận sôi nổi về việc nên tri ân thầy cô thế nào cho khéo; tặng quà gì, tặng trước Tết hay đợi đến "mùng 3 Tết thầy" là những băn khoăn của không ít phụ huynh.
Phụ huynh sốt sắng chuyện quà Tết cho giáo viên
Chị Nguyễn Thị Mai là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) tại một trường cấp 2 ở Hà Nội. Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 chỉ cách nhau hơn 20 ngày, trách nhiệm trong việc lo quà cáp tri ân thầy cô khiến chị Mai tốn không ít thời gian, công sức.
Vừa lo quà Tết Dương lịch xong, mấy hôm nay, phụ huynh lớp con chị lại sôi nổi bàn chuyện quà Tết Nguyên đán. "Tết này đi thầy cô bao nhiêu?", "Nên mua quà là hiện vật hay tặng thầy cô phong bì cho tiện?", "Tôi nghĩ nên đi trước Tết kẻo đợi đến mùng 3 Tết thầy cô lại bận mất"…
"Ngày nào tôi cũng đau đầu với những băn khoăn đó của các phụ huynh. Đã 4 năm làm trưởng ban đại diện CMHS nhưng cả lớp vẫn chưa thống nhất được cách tri ân thầy cô các dịp lễ, tết.
Năm nay, 2 dịp Tết gần nhau, chúng tôi lại phải nghĩ xem "đi" thầy cô quà gì, kèm phong bì bao nhiêu để quà Tết Nguyên đán vừa không trùng, vừa trang trọng hơn quà Tết Dương lịch", chị Mai cho biết.
Theo chị Mai, hiện nay, thay vì gọi là chúc Tết thầy cô, các phụ huynh đã quen gọi "đi thầy cô". Lớp con chị vẫn chưa thống nhất được hình thức và giá trị món quà tri ân giáo viên trong dịp Tết này.
Năm nay, do vừa phải chi tiền quà Tết Dương lịch, nhiều phụ huynh có ý kiến giảm mức chi quà Tết Nguyên đán.
Thay vì phương án giống Tết Dương lịch vừa qua là tặng phong bì cho hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên chủ nhiệm (mỗi người 1 triệu đồng) và các thầy cô bộ môn (mỗi người 500 nghìn đồng), nhiều phụ huynh đề nghị vẫn tặng giáo viên môn "chính" 500 nghìn đồng nhưng chỉ tặng giáo viên môn "phụ" 300 nghìn đồng.
Chị Mai cho biết, ý kiến trên bị nhiều phụ huynh phản đối, họ cho rằng như vậy là phân biệt đối xử giữa các giáo viên.
"Thế là họ lại cãi nhau mấy ngày nay vẫn chưa thể đưa ra quyết định. Tôi lập bảng thăm dò ý kiến thì chỉ được một nửa số phụ huynh bình chọn. Khi tôi thông báo chốt theo số đông thì những người mà trước đó không bình chọn, cũng không có động thái gì lại phản đối ầm lên. Tôi cũng bó tay", chị Mai than thở.
Chị Lê Quỳnh Anh có con học tại một trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội, không khỏi thất vọng khi nhận được thông báo từ vị trưởng ban đại diện CMHS.
Dòng tin nhắn ghi "Tết năm nay cô chủ nhiệm đề nghị lớp đi ban giám hiệu mỗi người 1 triệu đồng, giáo viên văn, toán, tiếng Anh mỗi người 300 nghìn đồng, các giáo viên còn lại mỗi người 200 nghìn đồng kèm thêm giỏ hoa. Chắc cô ngại nên không nói phần của mình nhưng lớp ta thống nhất đi cô chủ nhiệm 1 triệu đồng nữa nhé".
Một số phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn góp ý chỉ tặng các thầy cô phong bì, không cần mua hoa hoặc chỉ cần tặng hoa là đủ, tránh lãng phí. Hơn nữa, dịp 20/11 và gần nhất là Tết Dương lịch đã tiêu tốn của họ không ít tiền quà cáp.
Tuy nhiên, vị trưởng ban đại diện CMHS cho rằng giáo viên chủ nhiệm đã có ý kiến, lớp thay đổi là không hay. Không có ai phản đối thêm, vị này liền thông báo thu thêm tiền quỹ quà Tết.
"Tôi không phản đối chuyện "đi" thầy cô bằng phong bì. Tiền hay hiện vật cũng là để tri ân giáo viên đã tâm huyết dạy dỗ con mình. Tiền là món quà đơn giản để thầy cô tự mua sắm, nếu phụ huynh tặng quà mà thầy cô không thích, không dùng đến thì càng lãng phí.
Ngoài tặng chung với lớp, tôi còn tự đến nhà các thầy cô của con vào đúng ngày mùng 3 Tết để tri ân sự vất vả của họ. Số tiền bỏ ra gấp nhiều lần giá trị quà chung của lớp, nhưng tôi cảm thấy thoải mái với việc đó. Tuy nhiên, năm nay, nghe cô chỉ đạo việc tặng quà cụ thể đến từng đồng như thế, tôi rất hụt hẫng", chị Quỳnh Anh nói.
Chị Quỳnh Anh cho biết, là người có nhiều hành động tri ân giáo viên, dịp Tết Dương lịch vừa qua, nhiều phụ huynh trong lớp dò hỏi chị "đi" riêng cô quà gì để tính toán tặng riêng cho không thua kém ai.
"Nhiều phụ huynh còn phàn nàn tôi biếu giáo viên nhiều quá, không quên nhắc tôi dịp Tết Nguyên đán tới tặng phong bì "mỏng" hơn để họ tặng theo với", chị Quỳnh Anh nói.
Tết này cô nhận được nhiều quà không?
Cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên tại một trường THCS ở Hà Nội than thở: "Tôi sợ nhất vào dịp Tết, mọi người đến nhà chơi và hỏi "Tết này cô Thúy nhận được nhiều quà không?". Tôi đành cười trừ rồi gạt đi".
Cô Thúy cho biết, gần như đã trở thành thông lệ, trước ngày nghỉ Tết, phụ huynh xách theo một giỏ quà Tết, bên trong không thể thiếu chiếc phong bì. Có khi trưởng ban đại diện CMHS vừa tặng quà chung, vừa khệ nệ mang theo mấy giỏ quà riêng do các phụ huynh khác gửi biếu cô.
Nhưng đã 5 năm nay, cô không nhận quà là tiền mặt. Phụ huynh mang quà đến, cô tìm chiếc phong bì được giấu đâu đó trong túi quà để trả lại, chỉ nhận hiện vật.
"Có năm tôi cương quyết từ chối quà cáp dưới mọi hình thức. Sau đó, việc này làm phật lòng nhiều phụ huynh nên tôi chuyển sang chỉ nhận hiện vật để bằng lòng cả đôi bên, không nhận tiền", cô Thúy nói.
Theo cô Thúy, trước kia, cô vẫn vui vẻ nhận quà của phụ huynh vào những ngày lễ, tết. Tuy nhiên, hình thức tri ân này ngày càng tiêu cực. Những năm đầu đi dạy, quà cô nhận được là những bông hoa hồng nhỏ hay cái giò ngày Tết, dần đến bó hoa to, giỏ quà đắt đỏ kèm chiếc phong bì. Không ít phụ huynh coi phong bì là chính, còn hoa hay quà chỉ là "bình phong".
Cô Thúy kể, có lần trước Tết Nguyên đán, vị trưởng ban đại diện CMHS lớp cô chủ nhiệm gặp cô ở sân trường. Đó là giờ ra chơi, có rất nhiều học sinh xung quanh sân. Vị này đưa chiếc phong bì ra ngỏ ý đại diện lớp chúc Tết cô.
Trước ánh mắt của rất nhiều học trò, cô từ chối món quà và gửi lại cho quỹ CMHS. Trưởng ban không đồng ý, cố bắt tay cô để dúi tiền vào và bảo đây là trách nhiệm mà cả lớp giao cho, sau đó vội bước đi.
"Lúc đó tôi rất xấu hổ, nhưng cũng không thể đuổi theo để trả quà giữa sân trường. Từ đó tôi nhất quyết không nhận quà là tiền mặt của phụ huynh", cô Thúy nói.
Thầy Vũ Văn Bình - giáo viên một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, ranh giới giữa ý nghĩa tri ân và tiêu cực trong hoạt động tặng quà ngày lễ, tết ngày càng mong manh vì chiếc phong bì. Mỗi dịp Tết, sau lời chúc, thầy cũng nhận được những câu hỏi về "thu nhập" trong dịp Tết này.
Đã nhiều năm nay, số học sinh và phụ huynh đến nhà thầy chúc "Tết mùng Ba" thưa dần. Đa số phụ huynh tặng quà trước Tết. Đây lại là dịp ai cũng bận nên thường gửi người khác tặng hộ. Có khi trưởng ban đại diện CMHS vừa tặng quà chung, vừa khệ nệ mang theo mấy túi quà riêng do các phụ huynh khác nhờ biếu thay.
"Không ai ép phụ huynh phải tặng quà cho giáo viên, nhưng nhiều người vẫn làm như một nghĩa vụ bắt buộc, rồi bằng mặt mà không bằng lòng. Chúng tôi dù không muốn nhận cũng khó từ chối", thầy Bình nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.