Chuyện về cụ bà 102 tuổi sống ở chân cầu Long Biên bán đàn chó trả tiền trọ ngày cuối năm
Nhật Hà
Thứ bảy, ngày 29/01/2022 06:06 AM (GMT+7)
"Tôi yêu lũ chó con này lắm, nhưng nếu không bán thì không có tiền trả phòng trọ. Tết đến nơi rồi...", vừa đẩy xe bán hàng rong ở chợ Đồng Xuân và chở đàn chó, cụ bà Trần Thị Thắm (102 tuổi, ở phường Phúc Xá, Quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Hà Nội những ngày cuối năm trời không hửng nắng, những cơn gió lạnh phiêu phất khiến ai ra đường cũng phải mặc những chiếc áo thật ấm kèm khăn quàng cổ, găng tay. Thỉnh thoảng có những cơn mưa bụi phất phơ báo hiệu không khí Tết đã đến thật gần qua những con phố của Hà Nội. Người thong thả, thảnh thơi ngắm phố, chụp những bức ảnh lưu niệm thật đẹp, người vội vã đi sắm cành đào, cây quất để trang trí cửa nhà đón xuân.
Tại khu vực chợ Đồng Xuân, bên cạnh chiếc xe đẩy hàng đi bán hàng rong, cụ bà Trần Thị Thắm vẫn miệt mài ngồi bán tăm bông, giấy ướt, tăm tre …
Nhưng lần này, trong chiếc xe đẩy hàng giản dị, bên cạnh vài mặt hàng đơn sơ đó, bà Thắm còn mang theo 4 chú chó con và một chó mẹ.
Thấy đàn chó của bà Thắm con nào cũng mập mạp, mụ mẫm và đáng yêu, lúc ngó nghiêng ra ngoài phố đầy vẻ tò mò, lúc lại đang say ngủ, khiến nhiều người đi đường dừng lại hỏi thăm và cưng nựng, thậm chí có người còn mua cả cơm dành tặng bà và không quên mua thức ăn cho đàn chó con lũn cũn của bà nữa.
Đôi bàn tay nhăn nheo, chốc chốc lại đưa lên mặt để che đi đôi mắt như khắc khoải. Bà Thắm trải lòng: "Năm xưa tôi có nuôi 2 con chó, nhưng năm ngoái một con đã mất chỉ còn lại con Ki này thôi. Vừa rồi nó sinh được 4 con, con nào cũng đẹp. Giờ 4 con chó con này được hơn 2 tháng tuổi, ăn được cơm rồi, nên tôi đem bán để lấy tiền trả tiền phòng trọ.
Tôi yêu lũ chó con này lắm, nhưng nếu không bán thì không có tiền trả phòng trọ. Tiền thuê phòng của tôi cả điện nước cũng hơn 1 triệu đồng/tháng dù chỉ là cái phòng tuềnh toàng, tồi tàn ở một xóm trọ xập xệ được dựng tạm bằng những tấm tôn dành cho người lao động nghèo chỉ cần một chỗ ngủ để bươn trải, mưu sinh".
Bà Thắm tâm sự thêm, quê bà ở Kinh Môn, Hải Dương, bà lên Hà Nội vào năm 1972, được tròn 50 năm. Lúc đầu, bà sống trên một chiếc thuyền nhỏ dưới sông Hồng, sau đó bà được chính quyền phường Phúc Xá vận động lên bờ thuê trọ vì ở dưới thuyền rất nguy hiểm.
Bà kể rằng có 2 con một trai, một gái, rồi bà cũng có hai cháu nội, nhưng một cháu đã đi tu tại chùa, còn một cháu theo mẹ sống ở đâu bà cũng không còn được biết.
Người con trai vì bạo bệnh mà mất 20 năm rồi, còn cô con gái từ lâu đi làm ăn xa tận Trung Quốc và bà đã mất liên lạc. Kể từ đó bà sống cô đơn một mình, cũng dò hỏi đi tìm con mà vẫn bặt vô âm tín.
Bà vừa kể, đôi mắt vừa lưng lửng như chực khóc. Không buồn sao được, không xúc động sao được, khi bà đã ở độ tuổi gần đất xa trời, tuổi mà đáng lẽ được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng. Nhưng bà vẫn vò võ một mình. Chính vì thế, bà nuôi thêm những con chó để bầu bạn.
Bà Thắm thủ thỉ: "Tôi thương những con chó tôi nuôi lắm, nên đi bán hàng tôi đều đẩy đi. Buổi sáng tôi đi thu nhặt rác ở quanh khu vực cầu Long Biên, khu phố cổ. Đến tầm 11 giờ trưa, tôi mới đẩy xe hàng cùng mấy con chó ra khu vực chợ Đồng Xuân bán hàng rong đến 21 giờ tối mới trở về. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh Covid thì thu nhập của tôi được khoảng 60.000 đồng – 100.000 đồng/ngày, cũng đủ tiền thuê phòng trọ và rau cháo qua ngày.
Nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thì có khi ngày chỉ được khoảng 20.000 đồng. Thậm chí, đợt giãn cách tôi còn chẳng có đồng nào phải sống nhờ vào sự trợ giúp của những nhà hảo tâm. Tôi có thể ăn khổ, nhưng những con chó tôi nuôi, tôi vẫn chăm sóc chu đáo. Tôi mới mua cho nó gan xào đây. Giờ bán chó con đi tôi cũng tiếc lắm, tôi thương chúng lắm, thương cả chó mẹ mất con nữa. Nhưng tôi đành phải bán thôi, không còn cách nào khác".
Bà rao bán 700.000 đồng một con chó con, nhưng người đi đường chỉ dừng lại hỏi mua và rời đi vì chê bà bán đắt.
Bà hy vọng từ giờ đến trước hôm giao thừa, bà sẽ bán được đàn chó con để có tiền đóng tiền nhà trọ và bà cũng cầu mong năm mới, dịch bệnh Covid được ổn định, bà còn đủ sức khoẻ, đôi chân còn dẻo dai, đôi mắt còn sáng tỏ để sáng đi nhặt rác, trưa đẩy xe len lỏi qua phố phường tấp nập của Hà Nội để bán hàng rong mưu sinh.
"Nhiều năm qua, đặc biệt dịp lễ Tết chính quyền địa phương, các cấp ngành luôn quan tâm tới hoàn cảnh của người dân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt sống dưới chân cầu Long Biên. Trường hợp của cụ bà Thắm chính quyền địa phương rất quan tâm, hỗ trợ tiền mặt, nhu yếu phẩm trong thời gian qua đặc biệt dịp Tết đang đến gần. Và gần đầy nhất là ngày 26/1, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ cho cụ bà" Ông Nguyễn Văn Bình - tổ trưởng tổ dân phố số 3, phường Phúc Xá cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.