Chuyện về cựu binh chuyên mua, sửa chữa xe lăn cũ tặng người nghèo

Quỳnh Nga Thứ năm, ngày 30/04/2020 16:01 PM (GMT+7)
Cựu binh Nguyễn Duy Tống (74 tuổi, trú tại tổ dân phố 7, phường Tân Giang, TP.Hà Tĩnh) nhiều năm nay lặn lội khắp nơi mua xe lăn cũ hỏng mang về sửa chữa để tặng lại cho bệnh nhân nghèo.
Bình luận 0

Biến phế liệu thành xe lăn tặng bệnh nhân nghèo

Đến tổ dân phố 7, phường Tân Giang hỏi "ông Tống xe lăn" không ai là không biết. Người dân khối phố này vẫn thường gọi ông với cái tên trìu mến “cựu binh bao đồng”. Sở dĩ người dân ở đây gọi ông với cái tên đó là vì dù đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng ông không cho phép mình được nghỉ ngơi. Với đồng lương hưu ít ỏi phải trích ra một nửa trong số đó cho khoản xăng xe, đi lại, sinh hoạt… nhưng ông vẫn cần mẫn bỏ công sức, tiền bạc, lặn lội khắp nơi mua xe lăn cũ, hư hỏng đem về sửa chữa rồi tặng lại cho những người khác.

Chúng tôi tìm đến ông khi ông đang tất bật sửa chữa đống sắt vụn thành chiếc xe lăn hoàn chỉnh, đôi tay lấm lem dầu nhớt. Trong ngôi nhà nhỏ lọt thỏm cuối phố không lúc nào ngớt những vị khách “lạ”, người thì đến bán xe lăn cũ, người lại đến xin những chiếc xe cũ đã được ông tân trang lại. Cuộc nói chuyện của chúng tôi thi thoảng tạm ngừng bởi những vị khách.

img

Gần 6 năm nay, dù nắng hay mưa, ông Tống vẫn miệt mài đi xin những chiếc xe lăn cũ mang về sửa chữa tặng cho bệnh nhân nghèo

Giờ Hà Tĩnh là quê hương thứ hai

Vừa tra dầu vào bánh xe lăn, ông Tống vừa kể, ông sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông gia nhập đoàn xe 48, Cục Vận tải đường bộ. Trong những chuyến xe chở nhu yếu phẩm từ miền Bắc vào phục vụ chiến trường miền Nam, ông đã gặp bà Võ Thị Tuyết - người con gái Hà Tĩnh.

Khi đất nước hòa bình, ông bà nên duyên chồng vợ và sinh được 4 người con, ông chuyển về công tác tại Công ty Xây dựng 4 Nghệ Tĩnh và cũng từ đó, Hà Tĩnh trở thành quê hương thứ hai của ông.

Những năm tháng khó khăn, đồng lương ít ỏi nhưng vợ chồng ông đã nuôi 4 người con ăn học, trưởng thành. Nghỉ hưu, với kinh nghiệm những năm tháng làm trong ngành vận tải quân đội, ông cùng con trai mở một xưởng cơ khí nhỏ. Dù thu nhập không cao nhưng đó là nguồn sống của gia đình người cựu binh già.

Sau nhiều năm “chui” gầm ô tô khiến ông bị thoát vị đĩa đệm nên phải nhập viện điều trị. Căn bệnh này khiến ông phải ngồi xe lăn suốt một thời gian dài. Sau khi khỏi bệnh, mặc dù đã đi lại bình thường tuy nhiên sức khỏe ông đã giảm sút đi nhiều. Trong quá trình “sống chung” với bệnh, hiểu được nỗi khổ của những bệnh nhân bị hạn chế vận động, ông đã nảy ra ý định biến phế liệu thành xe lăn để tặng bệnh nhân nghèo.

img

Một chiếc xe lăn cũ chuẩn bị được ông Tống sửa chữa, tân trang lại.

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định tâm sự nỗi trăn trở của mình với vợ và con trai. Năm 2014, ông đã trích tiền lương hưu và trợ cấp thương binh hàng tháng để tìm mua những chiếc xe lăn cũ, hư hỏng thuộc hàng phế liệu, bỏ đi mang về nhà sau đó lấy các bộ phận còn tốt, chế thêm, lắp ráp lại thành chiếc xe lăn hoàn chỉnh.

Để thực hiện được ý tưởng của mình, ông mượn 1 căn phòng để chứa vật dụng. Hàng ngày, ông vẫn cần mẫn với từng chiếc ốc vít, cờ lê để tháo các bộ phận của xe lăn cũ, tra lại dầu mỡ cho chiếc bánh xe đã hoen gỉ, siết lại những con ốc đã long…

Nói về công việc của mình, ông nói: “Đúng là có người nghĩ tôi khùng nhưng tôi không buồn bởi mỗi người ai cũng có suy nghĩ riêng. Với người ta, việc này là bao đồng nhưng với tôi là hạnh phúc. Miễn sao thấy thoải mái là tôi thấy ý nghĩa”.

Hạnh phúc quãng đời còn lại

Ông Tống nhớ lại, thời gian đầu không quen biết ai, không có kinh nghiệm mua xe lăn cũ, nhiều khi chấp nhận mua với giá cao sau đó đem về sửa chữa, làm mới lại. Để hoàn thành một chiếc xe lăn, ngoài chi phí mua xe lăn cũ nhiều khi ông phải bỏ thêm hơn 300.000 đồng mua phụ tùng.

“Nhìn bệnh nhân nghèo có được chiếc xe lăn để dễ dàng di chuyển và sinh hoạt hằng này, tôi cảm thấy hạnh phúc vô bờ”, ông Tống nói.

Nói về việc làm này trong 6 năm qua mà không nhớ rõ đã sửa chữa, tặng cho được bao nhiêu chiếc xe lăn, ông Tống tâm sự: "Như hoàn cảnh của bà Trần Thị Hạnh (trú tại TP.Hà Tĩnh), tôi mang xe lăn đến tận nhà tặng. Nhận được chiếc xe lăn bà Hạnh hạnh phúc tới khóc”.

img

Trong suốt hành trình thiện nguyện của mình, ông Tống luôn có vợ bên cạnh.

Một điều đặc biệt và cũng vô cùng đáng quý là sau những chuyến đi tặng xe lăn cùng chồng, bà Võ Thị Tuyết (vợ ôgn Tống) lại nảy ra ý tưởng xin những quần áo, chăn màn, rèm… của những gia đình không dùng nữa, hay mua lại của các gian hàng giảm giá rồi về giặt giũ tặng lại cho các gia đình nghèo.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem