Chuyện về đội lân sư rồng giành hàng trăm huy chương vàng tất bật cho ngày Tết Giáp Thìn 2024
Chuyện về đội lân sư rồng giành hàng trăm huy chương vàng tất bật cho ngày Tết Giáp Thìn 2024
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 11/02/2024 15:00 PM (GMT+7)
Ngoài việc sản xuất những đơn hàng rồng khách đặt, dịp Tết Nguyên đán này cũng là lúc thầy trò võ sư Bùi Viết Tưởng (ở Hà Nội) gấp rút tập luyện những bài múa về rồng để chuẩn bị cho lễ hội xuân năm Giáp Thìn 2024.
Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết "con Rồng, cháu Tiên" của người Việt. Hình tượng rồng đã xuất hiện từ thời đại Hùng Vương qua con vật thân dài có vảy được chạm trên các đồ đồng.
Đến nay, vẫn còn tồn tại nhiều giả thiết về nguồn gốc của rồng. Song dù có lý giải thế nào thì trong tâm thức của người Việt, rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm - dương, trời - đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước.
Mỗi độ Tết đến, xuân về hay trong những ngày tổ chức các sự kiện quan trọng như: lễ hội, khai trương, khánh thành… người Việt thường tổ chức múa lân - sư - rồng rất hoành tráng, long trọng, trong đó màn múa rồng là quan trọng nhất với một tập thể đoàn kết, sáng tạo, nhanh nhẹn và dũng mãnh.
Chính vì vậy, ngay sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đội lân sư rồng của võ sư Bùi Viết Tưởng (35 tuổi, ở xã Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội) đã nhanh chóng tập luyện những bài múa cơ bản cho mùa lễ hội, vừa chế tác những đơn hàng rồng múa hội phục vụ khách hàng trong và ngoài nước.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, anh Tưởng cho biết, năm nay là năm con rồng nên các đơn hàng khác với mọi năm. Những năm trước, rồng chỉ được đặt làm phục vụ biểu diễn ngày Tết đến, những lễ hội xuân, năm nay đơn hàng không những tăng mạnh mà còn được làm ra để trưng bày tại một số triển lãm, khu công cộng...
Trong năm nay, anh Tưởng đã nhận được 50 đơn hàng đặt làm rồng, trong đó chỉ tính riêng dịp rằm tháng 8 đến nay là 30 đơn hàng. Theo anh Tưởng, để làm được một chiếc đầu rồng, một người thợ lành nghề phải mất 5 ngày, còn phần thân và các bộ phận khác của con rồng cũng mất tới 10 ngày. Một con rồng đẹp có phần thân dài 20m với 9 người điều khiển phải rất cẩn thận, cầu kỳ, vì chỉ cần sai là phải tháo hết ra sửa lại.
"Việc làm ra những chiếc đầu lân là niềm đam mê của tôi chứ không phải công việc. Đó là món ăn tinh thần cho cuộc sống", anh Tưởng chia sẻ và cho hay, thực tế, người thợ làm đầu lân, rồng khá vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Tùy vào từng kích cỡ, chất lượng, mẫu mã, số lượng của từng đơn đặt hàng mà quy định ra giá. Với thợ lành nghề phải mất 5 - 6 ngày mới hoàn thiện được một chiếc nhưng giá xuất bán cũng chỉ khoảng từ 2 - 3 triệu đồng/chiếc.
Trước tiên, người thợ phải tạo hình phần đầu rồng sao cho có độ dữ tợn, màu sắc được vẽ thủ công và có tông màu rực rỡ; phần thân được tạo nên từ hơn 2.000 chiếc vảy rồng, may thủ công sao cho phải thẳng tắp, khi lên khung tròn đều mới đạt tiêu chuẩn. Chất liệu làm nên một con rồng tuyệt đẹp có sự kết hợp giữa tre, nứa, giấy. Ngoài vật liệu truyền thống, những vật liệu hiện đại như nan sắt, vải chống nước cũng được thêm vào giúp sản phẩm bền đẹp theo thời gian", anh Tưởng cho hay.
Theo anh Tưởng, để tạo ra được một đầu lân đẹp đòi hỏi người làm phải am hiểu về lân. Nếu chỉ học để sản xuất thì sẽ chẳng thể hiểu được nguyên lý và hồn lân ra sao khi diễn. Khi vừa là người diễn, người sản xuất thì sẽ biết điều chỉnh độ dữ, hiền, độ co giật của mắt, tai, mũi, miệng lân ra sao để tạo ra sự sáng tạo phong phú, độc đáo hơn.
Với niềm đam mê nghệ thuật múa lân sư rồng và sản xuất đầu lân, đầu rồng để cung cấp cho thị trường, gần 10 năm nay anh Tưởng đã nghiên cứu, sáng tạo để cho ra thị trường những đầu lân, đầu rồng với số lượng lớn, kiểu loại phong phú.
"Mỗi dịp Tết Nguyên đán, công việc của tôi càng bận rộn nhưng trong lòng rất vui và hồ hởi, làm việc có khi quên thời gian. Bởi những sản phẩm rồng, lân truyền thống ngày càng được phát triển giữa cuộc sống hiện đại. Không chỉ phục vụ cho mọi miền Tổ quốc, tới nay, sản phẩm rồng của chúng tôi còn được xuất sang nhiều nước khác nhau như Úc, Ấn Độ, Nga, Thái Lan..., chứng minh sự khéo tay của người thợ thủ công Việt Nam", anh vui vẻ nói.
Đội lân sư rồng đạt hàng trăm huy chương vàng
Kể về niềm đam mê về nghệ thuật múa rồng, anh Tưởng cho biết, do yêu thích võ thuật nên từ lúc 10 tuổi, anh đã xin phép bố mẹ theo học lớp võ cổ truyền tại địa phương. Trong lúc học võ, anh cũng xem được các động tác múa lân, múa rồng trên phim ảnh rồi bắt chước, học theo. Sau khi được đi thi đấu võ thuật, biểu diễn múa lân, múa rồng ở nhiều nơi, năm 2009, anh về xã Quảng Bị mở lớp võ thuật và lập ra đội lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường.
Từ khi thành lập đến nay, lớp võ của anh Tưởng đã đào tạo ra hàng nghìn học viên. Ở thời điểm hiện tại đang có 500 học viên theo học. Trong vòng 15 năm hoạt động đội lân sư rồng này đã giành được 358 tấm huy chương các loại ở trong và ngoài nước; trong đó có gần 200 tấm huy chương vàng.
Cá nhân anh Tưởng đã nhận được giấy khen của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND huyệnChương Mỹ và xã Quảng Bị về những đóng góp cho ngành thể thao và ngành giáo dục tại địa phương.
Tiết lộ về những điệu múa rồng, anh Tưởng cho rằng, nhiều nơi ở miền Bắc vẫn giữ được nét truyền thống, đó là những động tác đơn giản nhưng lại uyển chuyển, khơi gợi được màu sắc cổ kính.
"Để có một bài múa rồng đẹp, những người múa rồng đều phải có căn bản về võ thuật cổ truyền dân tộc vì trong đó có những bộ tấn, thân pháp, nhãn pháp giúp bản thân có thể hòa mình vào thân rồng. Sau khi tôi dạy các động tác múa rồng, các em sẽ tiếp thu rất nhanh. Ngoài ra, một điểm chú ý là múa rồng cần sự đoàn kết, một đoàn múa thường có 9 người nên cả 9 người phải hiểu nhau, thuộc bài mới tạo ra những động tác rồng bay, rồng lượn…", anh Tưởng tiết lộ.
Anh Tưởng cho biết thêm, sẽ quyết tâm gìn giữ và phát triển hơn nữa nghề sản xuất cũng như nghệ thuật múa lân sư rồng, qua đó góp phần làm sống dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.