Chuyện về người đẹp bất hạnh dám cao ngạo từ chối “đế vương”

Chủ nhật, ngày 21/10/2018 18:31 PM (GMT+7)
Được kết hôn với hoàng đế tưởng như là diễm phúc của bất cứ người con gái nào. Song lại có người đẹp kiên quyết chối từ lời mời vào cung làm vương phi hưởng cuộc đời nhung lụa, sang giàu.
Bình luận 0

Người con gái dám cả gan từ chối diễm phúc lấy chồng đế vương này chính là người đẹp Nguyễn Thị Hoa Nương quê ở đất Quảng An (Nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa). Hiện người ta vẫn nhắc tới Hoa Nương như biểu tượng một người phụ nữ trẻ dám nghĩ dám làm và muốn làm chủ đời mình trong tình yêu. 

Sau khi cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân thắng lợi hoàn toàn, vị tướng cờ lau thông minh, khí phách, có tài thao lược Đinh Bộ Lĩnh (Hoa Lư, Ninh Bình) đã được suy tôn lên làm Vạn Thắng Vương (đánh đâu thắng đó) vào năm 951. 

17 năm sau (tức năm 968), Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế và lấy hiệu là Tiên Hoàng đế. Thế nhưng khi đã trở thành đế vương nức tiếng thiên hạ, ông vẫn phải “chịu thua” không chiếm được trái tim của cô thôn nữ đẹp người đẹp nết Hoa Nương.

img

Cứ thế, Hoa Nương cứ lớn lên êm đềm bên cha mẹ với cuộc sống thôn quê dân dã. Càng lớn lên, Hoa nương càng trở nên xinh đẹp lạ thường (Ảnh minh họa)

Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép, vua Đinh Tiên Hoàng có 5 vợ (5 hoàng hậu). Đó chính là Hoàng hậu Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cố Quốc và Ca Ông. Trong đó được nhắc đến nhiều nhất là hoàng hậu hai triều Dương Vân Nga và bà tổ nghề may Nguyễn Thị Sen.

Tuy nhiên, dù đã có “5 thê bảy thiếp” nhưng khi danh tiếng của Hoa Nương bay đến tận kinh đô, vua Đinh vẫn phải lòng thiếu nữ xinh đẹp này và vẫn muốn mời nàng về cung làm vương phi.

Lại nói về người đẹp Hoa Nương. Tương truyền cha mẹ Hoa Nương dù sống rất hạnh phúc, ăn ở hiền lành nhưng kết hôn đã lâu, họ vẫn chưa đạt được tâm nguyện có một đứa con cho vui cửa vui nhà.

Bao mong ngóng chờ đợi tin vui có con đối với cặp vợ chồng ấy tưởng như biệt tăm biệt tích thì bỗng dưng lại một ngày mùa hè oi ả, mẹ của Hoa Nương đang ngồi hóng mát trên một gò đất nhỏ (gò Kim Quy) bỗng thấy trong người choáng váng, bụng đau âm ỉ. Từ đó, bà mang bầu.

9 tháng 10 ngày sau, bà sinh hạ một cô con gái xinh đẹp. Tương truyền rằng, lúc Hoa Nương mới chào đời đã có một làn hương thơm lan tỏa bay khắp nhà. Cho đây là một điềm báo tốt lành nên cái tên Hoa Nương đã được cặp vợ chồng này đặt cho cô từ đấy.

Cứ thế, Hoa Nương cứ lớn lên êm đềm bên cha mẹ với cuộc sống thôn quê dân dã. Càng lớn lên, Hoa nương càng trở nên xinh đẹp lạ thường. Cho đến năm 18 tuổi, cô gái này đã nổi tiếng khắp khắp các vùng lân cận. Rất nhiều chàng trai quanh đó tấp nập đến cầu hôn người đẹp nhưng đều bị Hoa Nương từ chối.

Sắc đẹp và danh tiếng của Hoa Nương đã bay tới tận kinh đô Hoa Lư. Lúc này, dù đã có 5 hoàng hậu song vua Đinh vẫn muốn Hoa Nương vào cung làm vương phi của mình. Vua đã cho người mang lễ vật tới nhà Hoa Nương và mời cha mẹ cô vào triều tỏ ý muốn tuyển chọn con gái họ vào cung.

Biết được ý muốn này của vua Đinh, bố mẹ Hoa Nương đã rất vui mừng về nhà hồ hởi nói lại với con gái. Nhưng trái ngược với niềm vui, sự hãnh diện với diễm phúc này của bố mẹ bao nhiêu thì cô thôn nữ này lại kiên quyết từ chối không chịu chấp nhận lời mời vào cung làm vương Phi bấy nhiêu. 

Lý do Hoa Nương cả gan chối từ làm vợ đế vương là vì cô không muốn sống cảnh giàu sang với quá nhiều lễ nghi gò bó trong cung đình. Cô chỉ muốn sống cuộc sống ở quê bình dị, tự do thoải mái và chăm sóc được bố mẹ hàng ngày. 

Hoa Nương nói với ba mẹ rằng: “Con quen vui sống cảnh thôn quê, khó mà chịu được những gò bó, lễ nghi trong cung đình. Sống như thế khác nào cảnh chim lồng. Con nguyện ở vậy để chăm sóc, phụng dưỡng song thân cho đến tuổi trời, chứ không vì phú quý mà đem thân mình vào chốn nhung lụa lắm thị phi”.

img

Từ khi cha mẹ cô viết thư về triều xin nhận tội, cô ngày đêm “ăn không ngon, ngủ không yên” lo sợ cha mẹ sẽ bị vị hoàng đế kia trừng phạt (Ảnh minh họa)

Thấy con gái không chịu nghe lời, bố mẹ Hoa Nương đã ra sức thuyết phục nhưng vẫn không lay chuyển được quyết định này của cô. Cuối cùng, cha mẹ cô đành phải viết thư về triều đình xin được nhận tội. Tuy nhiên, như hiểu được tâm tư của Hoa Nương nên vị đế vương đã cố tình bỏ qua chuyện này.

Song về phần Hoa Nương, từ khi cha mẹ cô viết thư về triều xin nhận tội, cô ngày đêm “ăn không ngon, ngủ không yên” lo sợ cha mẹ sẽ bị vua kia trừng phạt. Một đêm, để kết thúc và chuộc lỗi với cha mẹ, Hoa Nương ra sau nhà rồi tìm đến cái chết.

Sáng hôm sau, khi cha mẹ và hàng xóm đi tìm, ra sau nhà họ vẫn thấy Hoa Nương ngồi như lúc còn sống. Ai cũng xót thương cô gái hồng nhan mệnh bạc nên đưa thi hài người đẹp về an táng trên gò đất Mộc Tinh ở làng (sau là miếu bà Chúa tối linh).

L.N (Pháp luật xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem